90% sản phẩm dựa trên thiết kế nước ngoài
Theo Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, chỉ tính riêng TP. Hà Nội đã có hơn 1.350 làng nghề, chiếm 45% tổng số làng nghề trong cả nước với khoảng 176.000 hộ làm nghề, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 740.000 lao động tại cơ sở. Tuy nhiên, có thực tế là, phần lớn các DN, cơ sở sản xuất làng nghề chưa ý thức được tầm quan trọng của việc xây dựng và phát triển thương hiệu.
Ông Lưu Duy Dần - Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam - cho biết: Hiện nay, đa số các cơ sở làng nghề sản xuất nhỏ, hoạt động manh mún, thiếu sự gắn kết nên khó tiếp cận nguồn vốn, cũng như không có nguồn nhân lực được đào tạo bài bản về quản trị thương hiệu. Hầu hết làng nghề, DN làng nghề chưa có bộ phận chuyên trách về thương hiệu, không chú trọng đăng ký bảo hộ nhãn hiệu. Nguy cơ mai một các nghề TCMN, mất thương hiệu làng nghề của Thủ đô, cũng như cả nước ngày càng hiện hữu.
Thông tin từ Hiệp hội Xuất khẩu hàng TCMN Việt Nam cho thấy một thực tế đáng lo ngại, 90% sản phẩm TCMN của Việt Nam dựa trên thiết kế của khách hàng nước ngoài cung cấp và sử dụng nhãn mác của nước ngoài. Nếu so với các nước trong khu vực như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia… thì hàng TCMN Việt Nam kém cạnh tranh về thiết kế.
Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, ông Nguyễn Văn Kiên - làng nghề Bát Tràng - chia sẻ, với việc sử dụng chất liệu truyền thống để nói câu chuyện hôm nay, sản phẩm gốm Ký Danh của ông đã xuất khẩu sang Mỹ và nhiều quốc gia khác. Mặc dù khối lượng và giá trị xuất khẩu hàng TCMN của đơn vị tăng đều qua các năm, tuy nhiên, phần lớn mẫu mã sản phẩm lại do phía đối tác đặt hàng cung cấp.
Cần chiến lược quảng bá thương hiệu
Để hỗ trợ các DN, làng nghề, thời gian qua, TP. Hà Nội đã ban hành kế hoạch triển khai quy chế hỗ trợ các DN trên địa bàn xây dựng và quảng bá thương hiệu từ đào tạo kiến thức về xây dựng, quảng bá, đặt tên thương hiệu cho đến thiết kế biểu tượng, hoặc hệ thống các dấu hiệu nhận diện thương hiệu của DN, sản phẩm… Đối với các làng nghề đang phát triển mạnh, thị trường tiêu thụ rộng, thành phố sẽ tập trung phát triển những sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu lớn và giá trị kinh tế cao; nghiên cứu đổi mới mẫu mã sản phẩm, khuyến khích lan tỏa nghề ra các địa phương; hỗ trợ xây dựng quy hoạch các cụm công nghiệp làng nghề để mở rộng mặt bằng sản xuất…
Ông Lê Văn Tuy - Nghệ nhân làm nón làng Chuông (huyện Thanh Oai) - chia sẻ, với sự hỗ trợ của thành phố trong xây dựng thương hiệu, hiện số lượng tiêu thụ của nón làng Chuông cao hơn trước và được khách hàng trong và ngoài nước biết đến.
Theo các chuyên gia, việc xây dựng thương hiệu đã thực sự trở thành một tài sản của cá nhân, DN, thậm chí là của một quốc gia trong bối cảnh kinh tế toàn cầu hiện nay. Để làm được điều này, bên cạnh sự hỗ trợ của nhà nước, ông Lưu Duy Dần cho rằng, cần sự chủ động của các hộ gia đình, cơ sở sản xuất, DN trong việc xây dựng thương hiệu. Mỗi DN, cơ sở sản xuất phải đầu tư thỏa đáng cho thương hiệu, vì đó chính là quyền lợi của mình.
Nguồn: baocongthuong.com.vn