Nhiều ngành hàng như gạo, dệt may, gia vị và thực phẩm chế biến... còn tiềm năng lớn để xâm nhập vào thị trường. Tuy vậy, những vấn đề như chi phí logistics, sự cạnh tranh ngày càng lớn, cùng với dấu ấn thương hiệu hàng Việt chưa đậm nét là những vấn đề doanh nghiệp cần vượt qua để gia tăng xuất khẩu vào Canada.
Nhiều cơ hội cho mặt hàng gạo
Về vấn đề xuất khẩu gạo vào thị trường Canada, bà Trần Thu Quỳnh, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Canada cho biết, Canada là nước nhập khẩu gạo phục vụ khoảng 7 triệu người gốc châu Á. Số liệu của cơ quan thống kê Canada cho thấy tổng lượng gạo nhập khẩu của Canada từ các nước trên thế giới trong năm 2023 đạt kim ngạch 508 triệu USD, tăng 2% so với năm 2022. Giá trị nhập khẩu gạo từ Việt Nam vào địa bàn đã tăng đều qua các năm kể từ sau CPTPP (tăng gần gấp 3 so với năm 2018 là 5,8 triệu USD). Kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Canada năm 2023 đạt 14,7 triệu USD, tăng 56,4% so với năm 2022.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Canada, nhu cầu của thị trường Canada đối với mặt hàng gạo tăng ổn định qua các năm, và sẽ giữ ở mức ổn định khoảng 500 triệu USD/năm. Mặt hàng gạo của Việt Nam còn nhiều cơ hội tăng nhanh xuất khẩu vào thị trường vì đến nay, thị phần của Việt Nam còn rất nhỏ, trong khi các đối tác nhập khẩu Canada bắt đầu nhận thấy chất lượng gạo Việt Nam không thua kém gạo Thái Lan.
Bà Trần Thu Quỳnh cho biết thêm, gạo Việt Nam thời gian gần đây được các nhà nhập khẩu đánh giá cao về chất lượng, tuy nhiên một số nhà nhập khẩu chưa hài lòng về hàm lượng tấm (vẫn còn khoảng 5%) trong khi các quốc gia khác như Thái Lan có chất lượng xay xát tốt hơn, tỷ lệ tấm gần như 0%. Bên cạnh gạo trắng dài (jasmine), hiện nay, gạo tròn giống Nhật trồng ở Việt Nam đang được Canada tăng nhập khẩu khá mạnh, là một trong những nguyên nhân thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch gạo sang thị trường trong năn 2023. “Tuy nhiên, cũng giống như gạo trắng jasmine, gạo tròn shushi đều được đóng gói dưới bao bì và thương hiệu của các tập đoàn nước ngoài”, đại diện thương vụ thông tin.
Đánh giá về tiềm năng thị trường, bà Trần Thu Quỳnh cho biết, gạo Việt Nam còn nhiều dư địa để vào thị trường Canada do nhu cầu của thị trường rất lớn, là một trong những thị trường tiêu thụ gạo lớn bậc nhất thế giới (top 9 năm 2022). Theo đại diện Thương vụ, các số liệu xuất khẩu gạo của Việt Nam vào thị trường Canada có thể thấp hơn nhiều so với thực tế vì hiện nay gạo Việt Nam vẫn được xuất khẩu qua Hoa Kỳ, đóng túi tại đây rồi mới trung chuyển lại Canada. Tuy nhiên, xuất khẩu gạo vào thị trường tăng đều qua các năm cho thấy các nhà nhập khẩu Canada bắt đầu quan tâm nhập khẩu trực tiếp từ Việt Nam để thay thế, hoặc giảm phụ thuộc vào thị trường gạo trắng của Thái Lan và Hoa Kỳ.
Cánh cửa mở rộng nhiều thị trường
Tuy nhiên, tiềm năng không có nghĩa dễ dàng chinh phục thị trường, bởi theo đại diện Thương vụ Việt Nam ở Canada, khó khăn đáng kể cho xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn là việc không có thương hiệu nên người tiêu dùng không nhận biết được để lựa chọn. “Quyết định lựa chọn mua gạo của Việt Nam chủ yếu vẫn dựa vào yếu tố giá chứ không phải sự trung thành với thương hiệu. Bên cạnh đó, vấn đề khoảng cách địa lý khiến cho xuất khẩu gạo của Việt Nam gặp bất lợi lớn về chi phí vận tải, thời gian giao hàng so với các đối thủ cạnh tranh. Trong bối cảnh một số nước còn có các hình thức trợ giá xuất khẩu, trợ giá vận tải hoặc hỗ trợ tỷ giá, các sản phẩm gạo của Việt Nam còn gặp rất nhiều khó khăn do chi phí, thời gian logistics nội địa quá cao, làm ảnh hưởng đến chất lượng”, bà Trần Thu Quỳnh phân tích.
Cũng theo Thương vụ Việt Nam ở Canada, xuất khẩu vào Canada trong thời gian tới đối diện với nhiều khó khăn đến từ việc: lợi thế thuế quan mà CPTPP mang lại cho hàng xuất khẩu Việt Nam sẽ dần mất đi do Canada đã có và đang đẩy mạnh ký kết các Hiệp định thương mại tự do với một loạt các đối tác Nam Mỹ và trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (Malaysia, Ấn Độ, Indonesia, Canada-ASEAN…). Đây đều là những nước có cơ cấu mặt hàng khá tương đồng với Việt Nam.
Bên cạnh đó, Canada cũng kêu gọi các doanh nghiệp hướng về khối kinh tế Nam Mỹ và hướng về các nước đồng minh để xây dựng chuỗi cung ứng bền vững và đáng tin cậy. Xu hướng này tác động tiêu cực đến xuất khẩu một số mặt hàng Việt Nam có thế mạnh như: trái cây, thuỷ sản, dệt may.
Ngoài việc mất lợi thế về thuế quan, chi phí logistics nội địa tại Canada cao khiến giá xuất khẩu của Việt Nam kém cạnh tranh so với các nước láng giềng Nam Mỹ. Yếu tố giá xăng dầu vận tải cao, tình trạng chậm bốc dỡ hàng tại các cảng ở Canada do thiếu nhân công, chi phí logistics cao cũng là những lý do khiến hàng Việt Nam kém cạnh tranh hơn so với các nhà xuất khẩu Nam Mỹ.
Tuy nhiên, theo đại diện Thương vụ Việt Nam tại Canada, hiện Việt Nam vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Canada trong ASEAN và là đối tác nhập khẩu lớn thứ 7 của Canada; Canada là đối tác xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam ở châu Mỹ. Đặc biệt, Canada tiếp tục định vị Việt Nam là đối tác thương mại quan trọng trong chiến lược đa dạng hoá thương mại, đa dạng hoá nguồn cung và tăng cường sự bền vững của chuỗi cung ứng. Giữa hai nước có sự bổ trợ chứ không cạnh tranh về mặt hàng. “Canada có thế mạnh về máy móc công nghệ cao, công nghệ năng lượng, công nghệ viễn thông, y sinh và các sản phẩm đầu vào cho công nghiệp của Việt Nam như khoáng sản, nhựa, gỗ, dầu khí, ngũ cốc, hạt có dầu, phân bón… Ngược lại, Việt Nam có thể cung cấp các sản phẩm gia dụng, da dày, dệt may, nội thất… cho thị trường Canada nhờ lợi thế ưu đãi thuế quan trong CPTPP”, bà Trần Thu Quỳnh nhấn mạnh.
“Đặc biệt, năm 2024, Uỷ ban hỗn hợp về hợp tác kinh tế lần 2 sẽ nhóm họp tại Việt Nam, cùng với đó là đoàn doanh nghiệp lớn nhất của Canada sẽ vào Việt Nam, có thể sẽ mang lại nhiều xung lực mới cho quan hệ hợp tác giữa hai nước, góp phần đa dạng chuỗi cung ứng, thúc đẩy chuyển đổi xanh và kết nối sáng tạo giữa hai nền kinh tế. Bên cạnh đó với những lợi thế về công nghệ, tài chính, mạng lưới bạn hàng và logistics ở châu Mỹ, Canada có thể là cánh cửa cho các doanh nghiệp Việt Nam nâng quy mô và đi ra thế giới”, Thương vụ thông tin.