Theo Thương vụ Việt Nam tại Mỹ, nếu làm tốt công tác sản xuất, có sự đầu tư và cách tiếp cận thị trường phù hợp, quả bơ Việt Nam có thể sẽ có doanh thu xuất khẩu cao tại thị trường khó tính này.
Có tiềm năng nhưng không dễ
Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), năm 2018 nước này đã chi 2,35 tỷ USD để nhập 1,04 triệu tấn bơ. Quả bơ được 51% các hộ gia đình tại Mỹ tiêu thụ, số tiền trung bình một hộ gia đình tại Mỹ dành để mua quả bơ là 24,5 USD/năm.
Trong khi đó, cây bơ là loại cây ăn quả chỉ phù hợp với một số vùng địa lý nhất định. Như Trung Quốc và Thái Lan là những nước xuất khẩu nông sản lớn nhưng cũng không trồng được bơ. Như vậy, Việt Nam hoàn toàn có thể tận dụng tiềm năng thị trường của loại quả này.
Tuy vậy, để đưa được quả bơ vào thị trường này là điều không hề đơn giản. Theo Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại San Francisco (Mỹ), hầu hết quả bơ tại Mỹ được tiêu thụ qua kênh các siêu thị lớn, với khối lượng lớn, do đó phải đáp ứng yêu cầu rất cao: Các công ty cung cấp quả bơ phải chịu trách nhiệm và có khả năng kiểm soát các khâu trong chuỗi cung ứng, từ sản xuất tới phân phối; các doanh nghiệp xuất khẩu cần đảm bảo có đủ các chứng chỉ chất lượng.
Về quy cách, để vào được thị trường Mỹ, quả bơ phải bảo đảm các yêu cầu tối thiểu các quy định của cơ quan chức năng về độ chín, màu sắc, trọng lượng.
Quả bơ phải nguyên vẹn, sạch sẽ, không mang côn trùng, không qua tiếp xúc với các môi trường quá ẩm ướt, ở trong tình trạng có thể vận chuyển, đóng gói được...
Do vậy, các nhà xuất khẩu có quy mô nhỏ thường gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận thị trường này nếu không có kinh nghiệm hoặc không có sự liên kết với các chuỗi cung ứng. Ngoài ra, quá trình vận chuyển quả bơ từ nơi sản xuất đến thị trường là một thách thức rất lớn.
Cũng theo Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại San Francisco, Việt Nam hiện có nhiều giống bơ cho quả gần như quanh năm.
Tuy nhiên giá trị hàng hóa quả bơ Việt Nam còn thấp do hạn chế trong khâu ứng dụng khoa học kỹ thuật, quy mô sản xuất manh mún, chưa xây dựng được thương hiệu, chỉ dẫn địa lý.
Do đó, để có thể xuất khẩu bơ vào thị trường tiềm năng nhưng cũng rất khó tính này, đòi hỏi các doanh nghiệp xuất khẩu cần đảm bảo có đủ các chứng chỉ chất lượng; thiết lập lòng tin với các đối tác trong chuỗi cung ứng với các cam kết mạnh mẽ về chất lượng, sự minh bạch thông tin và sự tin cậy trong việc đáp ứng các đơn hàng…
Nếu làm tốt công tác sản xuất, có sự đầu tư và cách tiếp cận thị trường phù hợp, quả bơ Việt Nam có thể sẽ có doanh thu xuất khẩu cao tại thị trường khó tính này.
Trước đó, Việt Nam đã phải mất 10 năm mới đưa được quả xoài vào thị trường Mỹ.
Cây bơ và tình hình sản xuất bơ ở Việt Nam
Cây bơ có nguồn gốc đầu tiên ở Mexico với sự phát triển từ hàng trăm triệu năm trước. Đây là loại cây có kỹ thuật trồng không quá khó nhưng lại đòi hỏi điều kiện sinh thái cao, chỉ khi ở trong điều kiện khí hậu và đất đai phù hợp cây bơ mới cho năng suất tốt.
Quả bơ có thành phần dinh dưỡng cao hơn nhiều so với các loại quả khác. Trong quả bơ có chứa đến 14 loại vitamin phổ biến A,C, E, B2, B6, B5… và nhiều loại khoáng chất như: canxi, mangan, kali, sắt, kẽm… có công dụng cung cấp cho cơ thể các chất chống oxi hóa, ngăn ngừa tình trạng lão hóa da và phòng ngừa được nhiều bệnh ung thư, bệnh đục tinh thể...
Bơ cũng chứa chất béo không bão hòa, rất tốt cho tim mạch. Đây cũng là thực phẩm lý tưởng cho người bị bệnh tiểu đường.
Hiện nay trên thế giới có rất nhiều chủng bơ được lai tạo từ các giống bơ cổ. Tuy nhiên, giống bơ được sử dụng nhiều và đem lại hiệu quả kinh tế cao đa phần là những giống bơ thuộc họLauraceae, gồm 3 chủng: chủng Mexico, chủng Guatemala và chủng Antilles hay West Indian. Mỗi chủng bơ có những đặc tính khác nhau nên phù hợp với những vùng sinh thái khác nhau.
Các quốc gia trồng bơ nhiều nhất trên thế giới có thể kể đến Mexico, Indonesia, Tây Ban Nha, Brazil, Peru, Chile, Nam Phi và một số nước Nam Mỹ khác…
Tại Việt Nam, Viện khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên đã tạo được một tập đoàn 57 giống bơ mới tuyển chọn từ những cây đầu dòng trong nước và 12 giống nhập ngoại.
Bơ dễ trồng, gần như không cần phải bón phân và để công chăm sóc. Cây trồng khoảng 3-4 năm thì cho quả. Vụ bơ chính bắt đầu từ tháng 5-9, bình quân mỗi cây có thể cho từ 100-150 kg quả.
Hiện nay bơ được trồng ở nhiều các tỉnh, thành phố trong cả nước, nhưng tập trung nhiều ở vùng Tây Nguyên.
Trong đó, Đắk Lắk là vùng có diện tích trồng bơ lớn nhất nước với trên 4.300 ha; Đắk Nông gần 2.600 ha; các tỉnh Lâm Đồng, Gia Lai, diện tích trồng bơ cũng tăng đáng kể. Tổng diện tích toàn vùng đạt gần 8.000 ha.
Cây bơ đã có một vị thế mới trên vùng đất Tây Nguyên khi thị trường dần ưa chuộng hơn thứ trái cây nhiều dinh dưỡng và tốt cho sức khỏe này.
Những năm gần đây, trái bơ Tây Nguyên đã có mặt tại các chợ, siêu thị trong cả nước, và còn xuất khẩu sang Trung Quốc.
Hiện nay trên thị trường đã xuất hiện giống bơ có tên Booth, nguồn gốc từ Mỹ được nghiên cứu và tiến hành khảo nghiệm từ Công ty TNHH tư vấn đầu tư phát triển nông lâm nghiệp EaKmát (Viện Khoa học kỹ thuật nông-lâm nghiệp Tây Nguyên).
Ưu điểm nổi trội của bơ Booth là hàm lượng chất béo cao, có hương vị thơm ngon. Ngoài ra, trái bơ có vỏ dày, thời gian bảo quản có thể kéo dài trên 10 ngày, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.
Nguồn: Bnews.vn, TTXVN