Chưa bao giờ những vụ cháy nổ liên quan đến gas lại xảy ra nhiều như trong thời gian vừa qua. Ngày 18/10/2015, một vụ nổ bình gas ở TP.HCM đã khiến hai mẹ con thiệt mạng đầy thương tâm. Tình trạng chiếm dụng vỏ bình gas của một thương hiệu để sang chiết trái phép vẫn đang diễn ra tràn lan và khó kiểm soát. Điều đáng nói, ngay cả những vỏ bình quá hạn và tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ vẫn được sử dụng một cách ngang nhiên.

Theo ghi nhận của phóng viên VTV tại tỉnh Bình Dương, mỗi ngày, Đại lý gas Phước Hưng cung cấp hàng chục, thậm chí hàng trăm bình gas, với đủ mọi thương hiệu cho các gia đình trong khu vực. Tuy nhiên, không ai biết đó là gas giả ngoại trừ… chủ đại lý.

Tương tự như Đại lý gas Phước Hưng, chủ Đại lý gas Tuấn Khang, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương đã không ngần ngại thừa nhận doanh nghiệp của mình cũng kinh doanh gas trôi nổi.

Thực tế cho thấy, các trạm sang chiết gas đã chiếm dụng vỏ bình của thương hiệu khác. Đại lý gas “đánh lận con đen” lấy hàng giá rẻ nhưng bán với giá chính hãng. Trong khi đó, người tiêu dùng không thể phân biệt đâu là hàng chính hãng, đâu là hàng giả?

Theo đại diện Chi hội Gas TP.HCM, các trạm sang chiết gas lậu không cần sản xuất vỏ bình, cũng không cần mua bảo hiểm và không mất tiền kiểm định, bảo trì, bảo dưỡng vỏ bình. Tất nhiên, họ cũng không cần quan tâm tới chất lượng vỏ bình cũng như tính mạng của người tiêu dùng.

“Hiện nay, trên thị trường có khoảng 1 triệu vỏ bình gas đã đến hạn kiểm định nhưng không thể thu hồi về được để kiểm định, không biết chúng đang nằm ở đâu?” - ông Trần Minh Hà, Phó Tổng Giám đốc Sài Gòn Petro cho biết.

Như vậy, cả triệu vỏ bình gas đến niên hạn không thể thu hồi, cũng không biết ở đâu. Điều này có thể đồng nghĩa với việc cả triệu gia đình đang phải sử dụng những bình gas mất an toàn và đang có hàng triệu nguy cơ mất an toàn cháy nổ mà không thể kiểm soát.

 

Theo VTV

Nguồn: VTV