Sự chênh lệch quá nhiều về giá bán có thể làm nhiều người dùng nhanh chóng đồng ý với mức giá "hời" sau khi nhận được những lời giải thích từ người bán như chủ xe đi nước ngoài định cư nên cần bán gấp hay gia đình chủ xe có việc gấp đang cần tiền.
Những chiếc xe bị ngập nước, hay theo các nói vui vẻ của cư dân mạng là những mẫu xe đã qua "bơi lội" có thể chứa những rủi ro không thể phát hiện. Có những mẫu xe sau hàng năm trời mới bắt đầu "phát bệnh" và sẽ rất tốn kém để phục hồi. Đồng thời, cũng không chắc chắn là xe sẽ phục hồi hoàn toàn sau khi sửa chữa.
|
Một mẫu xe đã qua "bơi lội" thường có mức giá khá "hời"
|
Chưa kể những trục trặc có thể xảy ra bất cứ lúc nào với hệ thống điện cũng như cơ khí chính là nguy cơ gây ra những tai nạn nghiêm trọng.
Sau đây là một số điểm lưu ý giúp bạn phát hiện ra chiếc xe cũ mình sắp mua đã bị ngập nước hay chưa. Xin lưu ý là ngoài những bước kiểm tra này, tốt nhất bạn nên mang xe tới trung tâm bảo hành chính hãng để được kiểm tra toàn diện nhất.
1. Kiểm tra gầm xe
Gầm xe là khu vực dễ để lại dấu vết cũng như khó làm sạch nhất. Khi xe bị ngập nước, các mảnh rác nhỏ hay bụi, đất sẽ theo nước chui vào các khe kẽ. Và đây sẽ là những nơi lưu giữ các dấu vết như rỉ sét hay lá cây nhỏ.
|
Gầm của một mẫu xe mới, với các chi tiết và mối nối sạch sẽ
|
Khu vực chứa lốp dự phòng dưới gầm (hoặc trong cốp để đồ với các mẫu sedan) cũng thường là những nơi chủ xe bỏ quên khi dọn dẹp. Vết rỉ để lại do mức nước ở trên kim loại sẽ là dấu vết rõ ràng nhất về việc xe đã bị ngập nước.
|
Khu vực chứa lốp dự phòng là một nơi nên kiểm tra khi mua xe cũ
|
2. Kiểm tra ngoại thất xe
Khu vực đầu tiên nên kiểm tra là các khe kẽ trên đèn xe cũng như bên trong đèn. Những xe bị ngập nước thường sẽ có nước chui vào chóa đèn và tạo ra sự ố vàng hay hơi nước bám trên mặt kính đèn. Vẫn có những mẫu xe bị hơi nước lọt vào trong chóa đèn, dù xe không ngập nước. Tuy nhiên kính pha mờ vẫn là một dấu hiệu để đặt câu hỏi về tình trạng của xe.
|
Đèn xe ố vàng, mờ, và có vết nước là dấu hiệu nghi vấn hàng đầu
|
Bản lề, hay các khớp nối giữa các chi tiết cũng là những nơi dễ "tố cáo" lịch sử của xe. Những khu vực này khó vệ sinh hoàn toàn cũng như có khả năng bị bỏ sót khi chủ xe mang xe đi "tân trang" sau khi ngập nước.
|
Viền cửa của một chiếc xe ngập nước
|
Bên cạnh đó, khoang máy cũng là một khu vực phức tạp, khó vệ sinh và dễ để lại vết rỉ sét khi xe bị ngập nước. Vách của khoang máy hay các chi tiết nằm sâu bên trong máy là những nơi bạn nên kiểm tra.
|
Khoang máy với nhiều chi tiết phức tạp, thường khó vệ sinh sạch sẽ sau khi xe bị ngập nước
|
3. Kiểm tra nội thất xe
Dấu hiệu đầu tiên đáng đặt nghi vấn là mùi thơm quá mạnh khi mở cửa xe. Các salon bán xe cũ thường sử dụng các hóa chất tạo mùi thơm khá giống với mùi ghế da, nội thất mới để mang lại cho khách mua xe cảm giác "xe còn rất mới". Tuy nhiên đây cũng là cách để người bán che giấu mùi ẩm mốc với những mẫu xe đã bị ngập nước.
|
Ghế xe, đặc biệt là ghế nỉ, sẽ có mùi ẩm mốc và dấu vết hầu như không thể xóa bỏ nếu xe bị ngập nước
|
Tiếp đó, việc mở điều hòa thật mạnh cũng là một mẹo để biết xe đã ngập nước hay chưa. Những mẫu xe có mùi điều hòa bất thường hoặc có hơi ẩm mốc là dấu hiệu nghi vấn của việc bị ngập nước.
|
Mở điều hòa thật mạnh để ngửi mùi cũng là một cách phát hiện xe ngập nước
|
Với khu vực sàn xe, tốt nhất bạn nên lột lớp trải sàn được người bán gắn thêm để kiểm tra lớp trải sàn "gốc" của xe. Một khi xe bị ngập nước, lớp trải sàn này chắc chắn sẽ có màu lạ hoặc có mùi ẩm mốc.
|
Kiểm tra sàn xe
|
Một chi tiết nữa khi vệ sinh xe, chủ xe cũng thường quên đó là các khớp nối, ốc vặn ở giá lắp ghế. Ngoài ra, trong khoang xe cũng có nhiều chi tiết, khớp nối khó vệ sinh như trên táp-lô, hốc đặt máy chơi nhạc hay các đường chỉ khâu ghế. Tập trung, xem xét kỹ lưỡng các chi tiết này có thể giúp bạn tránh được rủi ro mua phải xe ngập nước.
4. Kiểm tra lịch sử bảo dưỡng, sửa chữa
Nhiều hãng xe hiện nay đã lưu giữ lịch sử về bảo dưỡng, sửa chữa của các mẫu xe. Chỉ với biển số xe hoặc số VIN, người mua xe cũ cũng dễ dàng có được những thông tin quan trọng, đáng tin cậy về lịch sử chiếc xe mình định mua. Do đó, việc tham vấn các trung tâm bảo hành của các hãng xe là điều hết sức cần thiết.
Với các mẫu xe không sửa chữa chính hãng hay hãng xe không lưu lại lịch sử bảo dưỡng, nguồn thông tin từ các xưởng sửa chữa chủ cũ hay sử dụng cũng là một điểm để tham khảo.
Tư Quảng