Theo dự thảo Thông tư Quy định về tốc độ và khoảng cách của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ thì tốc độ tối đa cho phép xe tham gia giao thông trên đường bộ sẽ tăng so với quy định hiện hành và được phân chia theo loại đường.
Cụ thể, tốc độ tối đa cho phép xe cơ giới tham gia giao thông trên đường bộ trong khu vực đông dân cư là 60 km/h đối với đường đôi có dải phân cách giữa và đường một chiều có từ hai làn xe cơ giới trở lên; và 50 km/h đối với đường hai chiều không có dải phân cách giữa và đường một chiều có một làn xe cơ giới.
Dự thảo quy định tốc độ theo loại đường, không quy định tốc độ tối đa theo loại xe như hiện nay (theo quy định hiện nay, ô tô chở người đến 30 chỗ ngồi, ô tô tải có trọng tải dưới 3.500 kg: 50 km/h; ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi, ô tô tải có trọng tải từ 3.500 kg trở lên, ô tô sơ mi rơ moóc, ô tô kéo rơ moóc, ô tô kéo xe khác, ô tô chuyên dùng, xe mô tô, xe gắn máy: 40 km/h).
Đối với tốc độ tối đa cho phép xe cơ giới tham gia giao thông trên đường bộ ngoài khu vực đông dân cư thì dự thảo vừa quy định theo loại xe vừa quy định theo loại đường.
Theo đó, xe ô tô con, xe ô tô chở người đến 30 chỗ ngồi (trừ xe buýt), ô tô tải có trọng tải đến 3,5 tấn được chạy với vận tốc tối đa 90km/h đối với đường đôi có dải phân cách giữa và đường một chiều có từ 2 làn xe cơ giới trở lên, và 80 km/h đối với đường hai chiều không có dải phân cách giữa và đường một chiều có 1 làn xe cơ giới.
Tương ứng với hai loại đường nói trên, xe ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi (trừ xe buýt), ô tô tải có trọng tải trên 3,5 tấn được chạy tối đa 80 km/h và 70 km/h; ô tô buýt, ô tô đầu kéo kéo sơ mi rơ moóc, ô tô chuyên dùng, xe mô tô được chạy tối đa là 70 km/h và 60 km/h; còn ô tô kéo rơ moóc, ô tô kéo xe khác, xe gắn máy có tốc độ tối đa là 60 km/h và 50 km/h.
Đối với đường cao tốc, dự thảo quy định, khi tham gia giao thông, người điều khiển xe cơ giới, xe máy chuyên dùng phải tuân thủ tốc độ tối đa, tốc độ tối thiểu ghi trên biển báo hiệu đường bộ nhưng không vượt quá tốc độ tối đa cho phép là 120 km/h. Riêng đối với xe ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi, ô tô buýt, ô tô tải có trọng tải trên 3,5 tấn, ô tô đầu kéo kéo sơ mi rơ moóc, ô tô chuyên dùng, ô tô kéo rơ moóc, ô tô kéo xe khác không được phép chạy quá 100 km/h kể cả trường hợp có biển hạn chế tốc độ có giá trị lớn hơn 100 km/h.
Sở dĩ, Bộ Giao thông Vận tải muốn nâng vận tốc tối đa của xe cơ giới trên đường bộ và quy định vận tốc theo loại đường và không quy định vận tốc theo loại xe trong khu vực đông dân cư là vì "tình trạng đường sá hiện nay đã được đầu tư cải tạo nâng cấp, yếu tố hình học, chất lượng mặt đường tốt hơn; phương tiện tham gia giao thông có tiêu chuẩn kỹ thuật cao, hệ thống an toàn, hệ thống phanh, điều khiển hiện đại hơn..."; cũng như “việc chia thành hai nhóm tốc độ 40km/h và 50km/h trên đoạn đường trong khu vực đông dân cư dẫn đến thao tác vượt xe nhiều trong điều kiện đường sá đông đúc tiềm ẩn nguy cơ va chạm, tai nạn giao thông, kìm hãm năng lực thông hành chung.”
Quy định hiện hành (Thông tư 13/2009) quy định tốc độ tối đa cho phép xe cơ giới tham gia giao thông trên đường bộ ngoài khu vực đông dân cư như sau: Ô tô chở người đến 30 chỗ ngồi (trừ ô tô buýt); ô tô tải có trọng tải dưới 3.500 kg được chạy vận tốc tối đa 80 km/h. Ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi (trừ tô buýt); ô tô tải có trọng tải từ 3.500 kg trở lên được chạy tối đa 70 km/h. Ô tô buýt; tô sơ mi rơ moóc; ô tô chuyên dùng; xe mô tô được chạy tối đa 60 km/h. Ô tô kéo rơ moóc; ô tô kéo xe khác; xe gắn máy được chạy tối đa 50 km/h.
Theo Quang Chung
TBKTSG