Việc thực hiện đề án thí điểm này, theo Thủ tướng, sẽ giúp tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với ngành vận tải hành khách dựa trên nền tảng công nghệ thông tin, đồng thời tạo tiền đề cho việc triển khai các dự án ứng dụng khoa học công nghệ cho ngành vận tải trong tương lai.

Với đề án này, Công ty TNHH GrabTaxi là doanh nghiệp đầu tiên được cho phép triển khai dịch vụ kết nối cho loại xe chở khách dưới 9 chỗ theo hình thức hợp đồng (xe hợp đồng điện tử) tại Việt Nam. Theo nội dung đề án, Công ty TNHH GrabTaxi sẽ thường xuyên báo cáo danh sách đơn vị và các xe sử dụng phần mềm kết nối, từ đó giúp các cơ quan chức năng giám sát nghĩa vụ thuế và trách nhiệm đối với hành khách.

Theo Bộ Giao thông Vận tải, loại hình xe vận chuyển khách kết nối với hành khách bằng công nghệ thông tin sẽ góp phần tăng cường trật tự an toàn giao thông, giảm ùn tắc nhờ việc kiềm chế phương tiện cá nhân lưu thông trên đường, tối ưu hóa hiệu quả sử dụng xe và vẫn đảm bảo quản lý thu thuế nhờ vào cơ chế thanh toán trực tiếp giữa hành khách và đơn vị cung cấp dịch vụ vận tải trong nước.

Theo đề án, các xe hợp đồng điện tử sẽ được lắp thiết bị giám sát hành trình và có phù hiệu "xe hợp đồng" theo đúng quy định. Đề án thí điểm Grabcar được áp dụng đối với các đơn vị có giấy phép kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô theo hợp đồng, tại 5 tỉnh, thành phố: Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Khánh Hòa trong thời gian 2 năm.

Theo M.Q

Thanh Niên




/Uploaded/truongthanh/2015_09_28/logo-animated_thpk_ZETG.gif

Nguồn: Thanh Niên