Châu Phi tiếp tục là thị trường xuất khẩu gạo quan trọng thứ 2 của Việt Nam, sau Châu Á. Trong 9 tháng đầu năm, mặc dù sụt giảm so với cùng kỳ năm 2012, Bờ biển Ngà vẫn là thị trường  gạo lớn nhất của Việt Nam xuất khẩu sang Châu Phi với khối lượng và giá trị xuất khẩu đạt 422 nghìn tấn, xấp xỉ 190 triệu USD, vượt Philippin lên xếp thứ 2 sau Trung Quốc. 

Kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Ghana tăng hơn 13% đạt 141 triệu đô-la Mỹ, là thị trường gạo xuất khẩu lớn thứ 2 ở Châu Phi và thứ 4 trên Thế giới của Việt Nam. Bên cạnh đó, một số thị trường tăng rất mạnh trên 100% về kim ngạch so với cùng kỳ như: U.A.E tăng 143%, Thổ Nhĩ Kỳ tăng 140%. Các thị trường có kim ngạch giảm gồm Senegal (73%), Nam Phi (-12%), Angola (-1,7%), Băng-la-đet (-100%).

 

Xuất khẩu gạo sang các nước Châu Phi, Tây Á, Nam Á 9 tháng 2013

Nước nhập khẩu

Số liệu tháng báo cáo

9T.2013/ 9T.2012 (%)

Lượng (tấn)

Trị giá (USD)

Ăng-gô-la
93.047 
42.442.302
-1,17
Bờ Biển ngà
422.877 
189.705.772
-3,41
Gha-na
299.658 
141.406.221
13,34
NamPhi
17.161 
13.798.525
-12,02
Thổ Nhĩ Kì
4.801 
2.223.780
140,35

Tiểu Vương Quốc Ả-rập thống nhất

13.771 
10.055.368
146,32
Xê-nê-gan
44.057 
17.060.052
-73,61
 

Nguồn: Tổng Cục hải quan

Các tháng đầu năm 2013, xuất khẩu gạo sang một số thị trường như Bờ Biển Ngà, Ghana và Senegal gặp nhiều khó khăn. Tại khu vực thị trường này, gạo Việt Nam đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt của gạo giá rẻ Ấn Độ và Thái Lan: khoảng cách địa lý giữa Việt Nam và châu Phi xa hơn so với Ấn Độ nên chi phí vận chuyển cao hơn; đối với Thái Lan là việc đẩy mạnh việc bán gạo tồn kho và có thể áp dụng các biện pháp linh hoạt như hạ giá xuất khẩu, bán trả chậm…

Lượng gạo dự trữ của châu Phi từ năm ngoái vẫn còn tương đối lớn nên nhu cầu mua gạo giảm và việc nhập khẩu giảm mạnh vào các tháng đầu năm. Bên cạnh đó, để bảo đảm an ninh lương thực, nhiều quốc gia châu Phi đẩy mạnh việc triển khai các chương trình tự túc lương thực, trong đó có việc tập trung phát triển trồng lúa nước, hạn chế hoặc cấm nhập khẩu gạo…

Khó khăn lớn nhất trong hoạt động xuất khẩu gạo sang thị trường châu Phi chính là khâu thanh toán. Do năng lực tài chính có hạn nên nhà nhập khẩu châu Phi thường đề nghị mua gạo trả chậm từ 30 đến 90 ngày, hình thức CIF (giao hàng tại cảng đến) và không mở L/C (do chi phí cao). Một trở ngại nữa là doanh nghiệp hai bên thường thiếu thông tin về thị trường, đối tác của nhau. Vì vậy, để tránh rủi ro, các doanh nghiệp Việt Nam thường xuất khẩu qua các công ty trung gian quốc tế. Điều này làm cho giá gạo xuất khẩu Việt Nam đội lên, làm giảm tính cạnh tranh và đôi khi thương hiệu gạo Việt Nam không được người tiêu dùng địa phương biết đến.

(TTNN)

Nguồn: Tin tham khảo