Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa ban hành Thông tư 08/2015/TT-BNNPTNT quy định về kiểm tra, giám sát vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm đối với sản xuất, kinh doanh mật ong xuất khẩu.
Theo đó, hệ thống kiểm tra, giám sát vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm trong nuôi ong, thu gom, chế biến, kinh doanh mật ong gồm: Cục Thú y; các cơ quan Thú y vùng; trung tâm kiểm tra vệ sinh thú y trung ương I, II; chi cục Thú y các tỉnh có nuôi ong.
Các cơ quan giám sát theo nhiệm vụ, quyền hạn thực hiện những công việc được phân công đảm bảo hệ thống giám sát khép kín từ khâu sản xuất tới vận chuyển, sơ chế, chế biến, kinh doanh xuất khẩu.
Trong các tháng 2-4 và tháng 8-10 hàng năm, Cục thú y tổ chức thực hiện việc kiểm tra, đánh giá phân loại điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm và lấy mẫu mật ong giám sát các chất tồn dư độc hại tại các cơ sở nuôi ong, cơ sở thu gom, chế biến, kinh doanh mật ong.
Trong trường hợp cần thiết, việc kiểm tra các cơ sở và lấy mẫu mật ong có thể được thực hiện đột xuất.
Thông tư quy định, mật ong phải được phân tích các chỉ tiêu chất tồn dư độc hại như các chất kháng sinh, kim loại nặng, hóa chất bảo vệ thực vật và các chất tồn dư khác theo kế hoạch hàng năm được phê duyệt.
Chỉ xuất khẩu mật ong đủ điều kiện vệ sinh thú y
Thông tư cũng nêu rõ, chỉ các cơ sở sản xuất, kinh doanh mật ong tham gia chương trình giám sát vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm và được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y mới được phép xuất khẩu mật ong.
Việc kiểm dịch lô hàng mật ong để xuất khẩu được thực hiện theo yêu cầu của nước nhập khẩu. Trường hợp phát hiện lô hàng có chứa chất tồn dư vượt quá giới hạn cho phép, cơ quan kiểm dịch động vật xuất khẩu thông báo ngay cho cơ sở sản xuất, kinh doanh biết và thực hiện các biện pháp xử lý theo quy định.
Về sử dụng thuốc thú y và thức ăn trong nuôi ong, Thông tư quy định, các tổ chức, cá nhân nuôi ong để xuất khẩu, ngoài việc thực hiện các quy định của pháp luật về sử dụng thuốc thú y, thức ăn trong nuôi ong mà còn phải thực hiện theo yêu cầu của các nước nhập khẩu. Nghiêm cấm việc pha trộn kháng sinh, hoóc môn và các hóa chất độc hại khác vào thức ăn nuôi ong.
Về xử lý mật ong xuất khẩu không đạt yêu cầu của nước nhập khẩu, trường hợp các lô hàng đã xuất khẩu, nếu nước nhập khẩu phát hiện có chất tồn dư vượt quá giới hạn cho phép hoặc không đúng nguồn gốc thì chủ hàng hoặc cơ sở sản xuất lô hàng phải thông báo cho Cục thú y để phối hợp với các cơ quan liên quan và nước nhập khẩu xử lý lô hàng. Chủ hàng phải chịu toàn bộ chi phí cho việc xử lý lô hàng.
Nguồn: Chinhphu.vn