Đắc Nông được xếp vào vùng khai thác bauxit và sản xuất alumin quy mô công nghiệp. Tại tỉnh này, trong giai đoạn 2007-2015 sẽ xây dựng 4 nhà máy luyện alumin. Ngoài nhà máy luyện alumin Nhân Cơ, công suất 600.000 tấn/năm, ở Đắc Nông còn có 3 nhà máy luyện alumin khác có công suất từ 1,5 đến 2 triệu tấn/năm được đặt tại các mỏ: 1-5 (Quảng Sơn, huyện Đắc G’long), Gia Nghĩa, Đắc Song và Tuy Đức.
Giai đoạn 2016-2025, các nhà máy luyện alumin tại Đắc Nông sẽ nâng công suất lên 3-4 triệu tấn/năm. Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắc Nông, việc khai thác quặng bauxit ở Đắc Nông nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung đáp ứng được yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế của vùng theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Từ chương trình khai thác bauxit, sản xuất alumin, tỉnh Đắc Nông có những cơ hội thuận lợi thu hút đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng, tạo đổi thay nhanh chóng trên nhiều mặt của đời sống kinh tế-xã hội và dân sinh. 
 
Trong xây dựng cơ sở hạ tầng, phục vụ khai thác, sản xuất alumin, hiện tỉnh Đắc Nông đang đầu tư các tuyến giao thông huyết mạch. Nhằm đảm bảo vận chuyển alumin ra các cảng biển, từ nay đến 2015, Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch và giao cho Tập đoàn Than-khoáng sản Việt Nam (TKV) chủ trì thành lập Công ty cổ phần xây dựng tuyến đường sắt nối Đắc Nông-Lâm Đồng với Bình Thuận, có công suất vận chuyển 10-15 triệu tấn/năm, trong đó đoạn qua Đắc Nông dài gần 70km. Ngoài ra, Chính phủ cũng cho phép TKV đầu tư xây dựng cảng biển tại mũi Kê Gà (Bình Thuận), có quy mô cho tàu từ 30.000 đến 50.000 tấn cập cảng, công suất xuất khẩu đạt 10 đến 15 triệu tấn/năm. Bên cạnh đó, tuyến đường bộ dài 2km nối quốc lộ 14 với Nhà máy luyện alumin Nhân Cơ rộng 26m, quy mô 4 làn xe cũng đã được đầu tư xây dựng và chuẩn bị đưa vào khai thác.
Tới đây, Công ty Cổ phần alumin Nhân Cơ tiếp tục đầu tư 100 tỷ đồng xây dựng Nhà máy tuyển quặng bauxit có công suất 1,8 triệu tấn bauxit/năm, quy mô 30ha tại thôn Quảng Sơn, xã Nghĩa Thắng, huyện Đắc R’lấp; đồng thời đầu tư xây dựng tuyến băng tải có chiều dài 5km để phục vụ việc chuyển tải quặng bauxit từ nhà máy tuyển quặng tới nhà máy luyện alumin.
Hiện tại, các nhà máy luyện alumin ở Nhân Cơ (Đắc Nông) và Tân Rai (Lâm Đồng) đang được xây dựng, dự kiến đến cuối năm 2010 tỉnh Đắc Nông sẽ có sản phẩm alumin xuất khẩu với doanh thu lên đến 100 triệu USD/năm

Nguồn: Quân đội nhân dân