Xuất khẩu gạo năm 2011 đã hơn 7 triệu tấn, vượt qua mức đỉnh 6,8 triệu tấn của năm 2010. Kết quả này rất ấn tượng về mặt con số, và càng có ý nghĩa hơn khi đối tượng hưởng lợi nhiều nhất là người nông dân.

Trong khi đó, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo lại trải qua một năm đầy thăng trầm trước những biến động của giá nguyên liệu, giá xuất khẩu không cao như kỳ vọng và áp lực lãi suất làm xói mòn lợi nhuận.

Nông dân hưởng lợi từ giá tăng

Năm 2011 là một năm hiếm hoi cả được mùa và được giá. Giá lúa trong xu hướng đi lên trong cả hai vụ chính đông xuân và hè thu, lúa hàng hóa sản xuất bao nhiêu được tiêu thụ bấy nhiêu. Có thể nói rằng năm 2011 thị trường đã đứng về phía người sản xuất. Vào thời điểm đầu năm 2011 khi vụ đông xuân đang rậm rịch chuẩn bị thu hoạch, các nhận định lạc quan nhất cũng không kỳ vọng giá lúa sẽ vượt ngưỡng 5.000 đồng/ki lô gam khi vào chính vụ. Song, nhu cầu xuất khẩu thương mại tăng mạnh cộng với nhu cầu của Indonesia và Bangladesh đã nâng đỡ giá lúa tăng lên trong suốt hai quí đầu năm. Bước sang vụ hè thu, xuất khẩu thương mại tăng cùng với xu hướng đầu cơ gom hàng trong kỳ vọng giá thị trường thế giới đi lên vào cuối năm đã đẩy giá lúa chạm mức kỷ lục 7.500 đồng/ki lô gam.

Doanh nghiệp - những rủi ro của đầu cơ từ kỳ vọng giá cao

Năm 2011, mặc dù thiếu vắng thị trường Iraq nhưng hợp đồng tập trung chiếm vị trí quan trọng trong xuất khẩu gạo Việt Nam. Đầu năm, nhu cầu nhập khẩu tăng mạnh của Indonesia, Bangladesh, giữa năm nhu cầu của Philippines, và cuối năm là sự quay trở lại của Indonesia cũng như khối lượng nhập khẩu khá lớn của Malaysia, Cuba trải đều trong các tháng của cả năm đã hỗ trợ đầu ra cho hạt gạo Việt Nam. Tuy nhiên, đã có những thay đổi trong kết cấu của thị trường tập trung. Năm 2011, Philippines đã cho phép tư nhân nhập khẩu gạo phần lớn thay vì Cơ quan Lương thực Quốc gia (NFA) độc quyền. Điều này khiến xuất khẩu gạo của Việt Nam không còn thuận lợi như các năm trước.

Về xuất khẩu thương mại, năm 2011 Trung Quốc đã vươn lên đứng trong top 10 thị trường xuất khẩu gạo quan trọng nhất của Việt Nam. Đây là thông tin rất quan trọng để doanh nghiệp Việt Nam tìm hiểu và có chiến lược xâm nhập hợp lý thị trường đông dân nhất thế giới này.

Năm 2011 cũng chứng kiến những rủi ro của diễn biến giá thế giới. Từ giữa năm, các doanh nghiệp Việt Nam đều có niềm tin thị trường thế giới sẽ đi lên do tác động từ chính sách thu mua lúa gạo mới của Thái Lan. Dự đoán triển vọng giá cao đã thúc đẩy tình trạng đầu cơ diễn ra mạnh mẽ suốt cả vụ hè thu. Kết quả là mặt bằng giá nguyên liệu bị đẩy lên và lượng tồn kho của các doanh nghiệp cũng ở mức cao, luôn duy trì ở mức khoảng 1,2 triệu tấn.

Trong khi thị trường bị tình trạng đầu cơ chi phối, mặt bằng giá nguyên liệu và giá xuất khẩu của Việt Nam đi lên thì Ấn Độ đã quay trở lại thị trường gạo thế giới.  Mức giá gạo của cả Ấn Độ và Pakistan thấp hơn 100 đô la Mỹ/tấn đã hút hết khách của cả Thái Lan và Việt Nam. Đến cuối năm mặt bằng giá có nhích lên nhưng người mua thưa dần và lượng xuất khẩu sụt giảm. Mức giá chào xuất khẩu tham khảo của cả Thái Lan và Việt Nam, ở một góc độ nào đó, đã trở thành “giá ảo”. Trong khi đó, lượng tồn kho cao và áp lực trả lãi vay vào cuối năm đã làm chi phí tăng vọt và đẩy nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo rơi vào tình thế khó khăn.

Giới đầu tư vươn tay sang ngành lúa gạo

Năm 2011, việc triển khai Nghị định 109 về kinh doanh xuất khẩu gạo đã làm xuất hiện những tín hiệu cho thấy giới đầu tư đang ngày càng quan tâm đến ngành hàng lúa gạo. Trước khi Nghị định 109 được triển khai, các dự đoán cho rằng cuộc chơi sẽ chỉ còn những doanh nghiệp đủ năng lực, còn những doanh nghiệp nhỏ lẻ vốn được coi như những tác nhân gây rối loạn thị trường sẽ dần biến mất.

Song, đến thời điểm gần đây đã có 130 doanh nghiệp được cấp phép xuất khẩu gạo, một con số vượt ngoài mọi dự báo. Có đến 29 doanh nghiệp chưa bao giờ xuất khẩu gạo được cấp phép, trong đó có cả các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản và chứng khoán. Có thể con số sẽ không dừng ở đây mà còn tiếp tục tăng thêm.

Nhìn vào doanh thu xuất khẩu trên 3 tỉ đô la Mỹ/năm và xu hướng giá lương thực toàn cầu tăng, có lẽ nhiều người sẽ đánh giá cao khả năng sinh lợi lớn của ngành xuất khẩu gạo. Tuy nhiên, có thể giới đầu tư đang kỳ vọng quá lớn bởi đã xuất hiện những thông tin một loạt doanh nghiệp cung ứng xuất khẩu gạo ở miền Tây thua lỗ và phá sản. Vì sao những doanh nghiệp cung ứng xuất khẩu đã tồn tại trên dưới 20 năm mà vẫn thất bại? Điều đó chứng tỏ sự khắc nghiệt của thị trường đã loại ra khỏi cuộc chơi ngay cả những người “lành nghề”.

Cũng cần lưu ý xuất khẩu gạo là một ngành kinh doanh có điều kiện, với nhiều mục tiêu phải choàng gánh mà trong nhiều thời điểm là mâu thuẫn nhau như lợi nhuận của doanh nghiệp, đảm bảo lãi cho nông dân, giữ vững an ninh lương thực, kiềm chế lạm phát... Đặc thù này cũng hàm ý những rủi ro về mặt chính sách đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất khẩu gạo.

(KTSG)

Nguồn: Thời báo kinh tế Sài Gòn