Dệt may Nhật Bản đang có xu hướng chuyển dịch mới ra khỏi Trung Quốc và đến các nước khác, trong đó Việt Nam đang được xem là quốc gia ứng cử được lựa chọn trong cuộc chuyển dịch này.

Năm 2010 trong cơ cấu hàng Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản, dệt may đứng vị trí thứ nhất với tổng kim ngạch 1,154 tỷ USD. Tuy nhiên con số này rất nhỏ so với tiềm năng của các doanh nghiệp nước ta.

Trong ngắn hạn, sau thảm họa động đất và sóng thần, thị trường Nhật Bản đang có nhu cầu rất lớn về hàng tiêu dùng nói chung và hàng may mặc nói riêng. Trong dài hạn, khi giá các nguyên liệu đầu vào như sợi bông, sợi len tăng cao kỷ lục, các doanh nghiệp Nhật Bản đang có kế hoạch tăng cường nhập khẩu hàng dệt may từ các nước đang phát triển như Việt Nam để giữ giá thành sản phẩm ở mức hợp lý.

Đây là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp ngành tăng cường đẩy mạnh xuất khẩu hàng dệt may sang Nhật Bản, song để giúp các doanh nghiệp đánh giá đúng nhu cầu, nắm bắt đúng thị hiếu của thị trường hàng dệt may Nhật Bản trong hiện tại và tương lai ngày 10/5/2011 tại Hà Nội, Phòng TM&CN Việt Nam tổ chức buổi thuyết trình với chủ đề “Xu hướng dệt may tại thị trường Nhật Bản – Cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam”. Ông  Fumio Koyama –cố vấn cao cấp chương trình JICA (Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản) với 30 năm làm việc trong lĩnh vực dệt may đã chia sẻ kinh nghiệm với các doanh nghiệp cách nhận diện thị trường dệt may Nhật Bản trong xu thế vận động phát triển hiện nay và những năm tới như thế nào.

Nhật Bản có mức tiêu thụ hàng may mặc hàng năm tới 3,7 tỷ USD, sản xuất trong nước chỉ có 5% còn lại 95% là nhập khẩu. Như vậy đây là thị trường màu mỡ cho các nước xuất khẩu hàng dệt may vào Nhật Bản! Việt Nam tuy hàng dệt may xuất khẩu sang Nhật Bản chiếm thị phần khiêm tốn, song từ lâu trong thời kỳ chưa mở cửa Nhật Bản gần như là kênh xuất khẩu duy nhất của hàng dệt may Việt Nam.

Những năm gần đây, xuất khẩu dệt may của Việt Nam vào Nhật Bản tăng bình quân 12%. Năm 2010 -năm đầu tiên thực hiện Hiệp định Đối tác song phương Việt Nam - Nhật Bản, hàng dệt may của Việt Nam nhập khẩu vào Nhật hưởng mức thuế 0%, nên kim ngạch hàng dệt may xuất khẩu vào quốc gia này tăng 20% so với năm 2009, chiếm khoảng 10% kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam. Mới đây, Việt Nam chuyển 8 tấn sản phẩm dệt may, đồ gia dụng dùng một lần, sang Nhật Bản trước hạn giao hàng nửa tháng để sớm tới khu vực bị thảm hoạ vừa qua.

Hiện thị trường hàng dệt may Nhật Bản đang rất sáng sủa với triển vọng tăng trưởng cao nên các doanh nghiệp Việt Nam cần nắm bắt nhu cầu, xu hướng thời trang và phát huy lợi thế về nguồn nhân công với giá tương đối hợp lý. Sự năng động của doanh nghiệp cùng với đội ngũ thợ lành nghề đã được kiểm chứng qua việc vào được các thị trường cao cấp. Về xu hướng thời trang tại Nhật Bản hiện nay rất phổ biến với trang phục đường phố; thời trang “nhanh” –là gia tăng giá trị sản phẩm thông qua các thiết kế và màu sắc hơn là giá cả (tuy nhiên giá cả vẫn phải đảm bảo hợp lý).

Do ảnh hưởng của lạm phát trong thời gian dài, người tiêu dùng thay đổi tư duy từ chỗ “tôi thích và tôi cần sản phẩm này” sang “sản phẩm này phù hợp với tôi”; những sản phẩm thời trang hàng hiệu đang giảm dần sức mua. Xu hướng tiêu dùng của giới trẻ Nhật Bản cũng có nhiều điểm khác biệt, do sinh ra và lớn lên trong thời kỳ kinh tế suy thoái, họ không có nhu cầu mua hàng hóa nhiều như những người sống trong thời kỳ kinh tế phát triển. Dựa trên những thông tin về thời trang qua tạp chí và truyền hình họ có khả năng tự thiết kế phong cách trang phục cho riêng mình; Thích gu ăn mặc của riêng mình, kết hợp trang phục thông thường hơn là dùng hàng hiệu đắt đỏ. Đây là cơ hội tốt cho các nhà xuất khẩu nghiên cứu sáng tạo ra những sản phẩm hàng may mặc vừa mang tính phổ thông, hiện đại nhưng dễ chỉnh sửa sẽ đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng trẻ tuổi Nhật Bản với số lượng hàng xuất khẩu ngày một tăng cao.

Tuy nhiên để tăng thị phần tại thị trường hàng dệt may Nhật Bản các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần phải thấu hiểu thực tế: hàng dệt may Trung Quốc xuất khẩu vào Nhật Bản chiếm tới 90% tổng khối lượng nhập khẩu mặt hàng này của Nhật Bản. Và họ có những lợi thế như nguồn nguyên liệu dồi dào; vị trí địa lý thuận lợi vì rất gần Nhật Bản; Giá nhân công hợp lý, trong các nhà máy liên doanh, nhiều công nhân Trung Quốc nói được tiếng Nhật; Trung Quốc có chính sách ưu đãi thuế đối với nguyên liệu phụ kiện nhập khẩu từ Nhật Bản được giảm thuế khi xuất khẩu trở lại Nhật Bản… so với Việt Nam.

Ông Fumio Koyama đã đưa ra lời khuyên, các doanh nghiệp Việt Nam cần có những biện pháp khắc phục nhược điểm như cầu chủ động hơn về nguyên liệu như có kế hoạch nhập khẩu sớm trước khi bắt tay vào sản xuất; Cố gắng rút ngắn thời gian các công đoạn từ sản xuất đến giao nhận vận tải hàng sang Nhật Bản (riêng việc gửi hàng Việt Nam phải  mất từ 7 -10 ngày hàng mới tới Nhật, trong khi Trung Quốc chỉ mất từ 3-5 ngày. Công tác quản lý, hệ thống kiểm tra chất lượng còn nhiều việc phải hoàn thiện). Trong nhà máy sản xuất Việt Nam tuy ít người biết nói tiếng Nhật nhưng tâm lý làm việc của người Việt Nam lại giống người Nhật nên cần được phát huy…

Mặt khác, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cũng cần tính đến một số giải pháp sau để việc đẩy mạnh xuất khẩu hàng dệt may sang Nhật Bản được thành công mỹ mãn: thứ nhất, đẩy mạnh sản xuất vải, sợi, các phụ liệu khác để chủ động nguyên liệu, sản phẩm có giá trị gia tăng cao; thứ hai, điều tra dung lượng, thị hiếu thời trang của người Nhật. Tổng cầu lớn, nhưng lại thường có nhiều đơn hàng nhỏ, điều đó càng đòi hỏi sự nhạy bén của các nhà xuất khẩu Việt Nam, sự vào cuộc của xúc tiến thương mại với tai mắt tại chỗ là cơ quan Đại diện thương mại Việt Nam tại thị trường này; thứ ba, tăng cường đầu tư đổi mới dây chuyền sản xuất, để nâng cao phẩm cấp, năng lực thiết kế, tạo mẫu mã mới, xây dựng thương hiệu; Cải tiến quản lý, rút ngắn thời gian từ sản xuất đến xuất khẩu. thứ tư đáp ứng đơn hàng lớn và cả những đơn hàng nhỏ, thời trang hâp dẫn, giao hàng đúng hạn; thứ năm, nâng cao tay nghề, cải thiện điều kiện làm việc, chính sách đãi ngộ hợp lý  giữ chân được thợ thạo việc, khích lệ nâng cao năng xuất. Những giải pháp sẽ góp phần giảm chi phí để tạo ra sức cạnh tranh với hàng tương tự của nước khác cùng xuất khẩu vào Nhật Bản, tăng lợi nhuận bền vững.

(TBKTVN)

Nguồn: Vinanet