Gạo là một trong 4 loại lương thực quan trọng nhất của châu Phi, cùng với kê, ngô và lúa miến. Với số dân hơn 1 tỷ người, nhu cầu tiêu thụ gạo ở châu Phi ngày càng lớn, bởi sự tiện dụng của việc chế biến gạo so với kê và những loại ngũ cốc truyền thống khác cũng như do tỷ lệ đô thị hóa ngày càng tăng tại các nước trong khu vực này.

Mặt khác, giá gạo không còn quá cao so với thu nhập của đại bộ phận người dân châu Phi, vì vậy gạo trở thành thức ăn phổ biến trong bữa ăn hàng ngày. Những nước có mức tiêu thụ gạo bình quân đầu người cao nhất trong khu vực là Guinea Bissau (112kg/người/năm), Sierra Leon (88,6 kg/người/năm), Guinea (73 kg/người/năm) và Gabon (72 kg/người/năm).

Theo Tổ chức Nông lương Liên Hiệp quốc (FAO), mức tiêu thụ gạo của châu Phi ước khoảng từ 24-24,5 triệu tấn/năm giai đoạn 2011-2013 và mức tiêu thụ  bình quân tính theo đầu người là 22,1 kg/năm.

Lúa chiếm 10% diện tích canh tác các loại ngũ cốc và 15% sản lượng lương thực của châu Phi. Tuy nhiên, do sản xuất không đáp ứng được nhu cầu nên từ  năm 2009 đến nay, châu Phi phải nhập khẩu từ 8 đến 10 triệu tấn gạo, trị giá từ 3,5 đến 4 tỷ USD trong đó chủ yếu là loại gạo 25% tấm. Đây là mặt hàng có giá trị thấp nên mặc dù lượng gạo nhập khẩu lớn nhưng chỉ chiếm tỷ trọng khiêm tốn so với những loại hàng hóa có hàm lượng giá trị cao hơn như các sản phẩm tiêu dùng, máy móc thiết bị. Tốc độ tăng trưởng nhập khẩu gạo không cao, chỉ ở mức 2-3%/năm do phụ thuộc vào tình hình sản xuất lúa trong nước, đặc biệt là yếu tố thời tiết. Những nước nhập khẩu gạo lớn nhất châu Phi là Nigeria, Senegal, Côte d’Ivoire, Nam Phi, Ghana, An-giê-ri, Tanzania, Cameroon, Ghi nê…

Tổ chức FAO dự báo, năm 2011, các nước châu Phi sẽ nhập khẩu khoảng 9,8 triệu tấn gạo, tăng 2% so với năm 2010. Trong đó, Ai Cập có thể cần phải nhập 100 nghìn tấn để đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Do sản lượng gạo trong nước không đủ nên Cameroon sẽ tăng nhập khẩu gạo từ 200 nghìn lên 500 nghìn tấn. Sau vụ bạo động của người dân xảy ra vào tháng 9/2010 để phản đối tình trạng lạm phát leo thang, chính phủ Mozambique đã bãi bỏ mức thuế 15% đối với gạo tấm nhập khẩu, một biện pháp nhằm giảm áp lực lên giá gạo trong nước. Điều này dẫn đến việc Mozambique tăng 47% lượng gạo nhập khẩu, tương đương 380 nghìn tấn. Tiêu thụ gạo tại Kenya tăng và mức thuế nhập khẩu gạo thấp là nguyên nhân khiến nhập khẩu gạo tại đây năm 2011 tăng 9% đạt 380 nghìn tấn. Do nhu cầu tiêu thụ gạo tăng nên Senegal sẽ tăng nhập khẩu gạo 3%, đạt 720 nghìn tấn và Nam Phi tăng 6% lên 950 nghìn tấn. Trong khi đó, dự báo Nigeria sẽ ​​giảm 9% lượng gạo nhập khẩu xuống còn 2 triệu tấn, còn Bờ Biển Ngà sẽ giữ nguyên mức nhập khẩu là 900 nghìn tấn.

Ngoại trừ hai nước nhập khẩu nhiều gạo đồ chất lượng cao là Nam Phi và Nigeria, các nước khác trong khu vực chủ yếu nhập khẩu loại gạo tấm có phẩm cấp và giá thành vừa phải. Riêng thị trường Nigeria đã chiếm 30% tổng lượng gạo nhập khẩu vào châu lục, tiếp đến là Nam Phi (5%), Bờ Biển Ngà, Senegal (5%), Ghana (4%)…

Các nước cung cấp gạo chính cho khu vực này là Thái Lan, Ấn Độ, Trung Quốc, Pakistan, Việt Nam và Mỹ, trong đó Thái Lan vẫn là nhà cung cấp gạo với khối lượng lớn nhất và chủng loại đa dạng.

Năm 2010, Thái Lan đã xuất khẩu 9.03 triệu tấn gạo với tổng trị giá 5.3 tỷ USD trong đó khoảng 55% được xuất sang Châu Phi. Nigeria và Nam Phi là hai nước nhập gạo Thái Lan lớn nhất trong đó Nigeria mua 900.000 tấn và Nam Phi mua 600.000 tấn. Thậm chí, năm 2006, Nigeria đã nhập khẩu đến 2 triệu tấn gạo của Thái Lan. Phần lớn gạo Thái xuất khẩu sang Nigeria và Nam Phi là gạo đồ (trong khi thời gian qua ta chưa sản xuất được loại gạo này). Song song với đó, nhiều nước Châu Phi cũng chuyển sang tiêu thụ gạo trắng phẩm cấp cao của Thái Lan sau nhiều thập kỷ là khách hàng mua gạo thân thiết như Mozambique, Angola, Senegal, Togo, Bờ Biển Ngà, Bénin và Ghana.

Sở dĩ các nước châu Phi tăng nhập khẩu gạo Thái trong thời gian gần đây là do kể từ năm 2009, nguồn cung gạo từ Ấn Độ thiếu nên các nhà chức trách Ấn Độ đã tạm ngưng xuất khẩu gạo non-basmati, gồm cả gạo sấy. Mặt khác, do thu nhập được cải thiện, người tiêu dùng Châu Phi tại Senegal, Bờ Biển Ngà, Ghana.. chuyển sang dùng gạo chất lượng cao hơn, đặc biệt là gạo trắng của Thái.

 Từ lâu, gạo luôn là mặt hàng xuất khẩu số 1 của nước ta sang châu Phi. Năm 2010, gạo Việt Nam đã có mặt tại 34 nước trong khu vực này với kim ngạch XK đạt 558,4 triệu USD, chiếm khoảng 32% tổng giá trị xuất khẩu sang Châu Phi và 30% tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam ra thế giới. Những thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam lớn nhất là Bờ Biển Ngà(118,3 triệu USD năm 2010), Angola (82,3 triệu), Ghana (65,2 triệu), Senegal (59,7 triệu), CH Guinea (37,3 triệu), Mozambique (31 triệu), Tanzania (29,4 triệu), Cameroon (23,5 triệu), Togo (19 triệu), Kenya (18,6 triệu USD)…

(Nguồn: TTNN)

Nguồn: Vinanet