Mặc dù chịu sự ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính kinh tế toàn cầu, nhưng ngành dệt may Hàn Quốc trong những năm qua vẫn có sự tăng trưởng mạnh mẽ với sự phát triển của cả các hãng thời trang trong và ngoài nước. Từ đó, kéo theo sự phát triển của ngành công nghiệp bán lẻ và đem lại nhiều chủng loại hàng dệt may phong phú trên thị trường.

Các kênh phân phối mới, như thương mại điện tử, bán hàng trực tiếp tại nhà thông qua các kênh TV, các khu cửa hàng thời trang và các cửa hàng giảm giá, cách đây 10 năm chưa xuất hiện trên thị trường, thì bây giờ đã được phát triển mạnh mẽ hướng tới nhiều nhóm khách hàng mục tiêu khác nhau. Năm 2010, dự tính ngành hàng dệt may Hàn Quốc đạt doanh thu xấp xỉ 25 tỷ USD, tăng khoảng 5% so với mức 24 tỷ USD năm 2009. Các kênh phân phối mới này hiện nay chiếm khoảng hơn một nửa doanh số bán hàng dệt may tại Hàn Quốc. Người ta kỳ vọng rằng những hình thức marketing mới này sẽ ngày càng trở thành các kênh phân phối quan trọng trong tương lai gần do các công ty Hàn Quốc cũng đang cố gắng nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng về việc có nhiều lựa chọn hình thức mua hàng khác nhau.

 Cũng nhờ sự phát triển mạnh mẽ của các kênh phân phối, khách hàng Hàn Quốc ngày càng có nhiều lựa chọn. Đặc biệt, nhiều công ty Hàn Quốc sẽ cung cấp cả các mặt hàng thời trang sản xuất trong nước và nước ngoài. Theo báo cáo của Thời báo Kinh tế Seoul (Seoul Economic Daily) hồi tháng 9 năm nay, Hàn Quốc được biết đến là một trong những thị trường hàng thời trang nhạy cảm và đặc biệt nhất trên thế giới. Đây cũng là thị trường mà rất nhiều hãng thời trang toàn cầu chọn làm thị trường thử nghiệm trước khi họ đưa các sản phẩm mới đến với khách hàng tại những thị trường khác trên thế giới.

 Yêu cầu của thị trường

Người tiêu dùng Hàn Quốc ở lứa tuổi từ thanh thiếu niên đến 30 tuổi đang ngày càng trở nên đa dạng. Do Hàn Quốc là một trong những nước mở cửa nhất trên thế giới, người tiêu dùng nước này có thể tiếp cận và chấp nhận những mặt hàng thời trang chưa từng có mặt trên thị trường. Nếu như người tiêu dùng truyền thống của Hàn Quốc quen đánh giá các nhãn hiệu thời trang thông qua việc so sánh đó là nhãn hiệu sản xuất trong nước hay nhập khẩu, thì ngày nay, người tiêu dùng ở lứa tuổi thanh thiếu niên đến 30 tuổi cân nhắc nhiều yếu tố khác nhau. Một vài yếu tố trong số đó bao gồm sự vừa vặn, giá cả và tính thời trang.

 Các nhãn hiệu SPA (Specialty Retailer of Private Label Apparel - nhà bán lẻ đặc biệt của những hãng thời trang nhãn hiệu cá nhân) cũng góp phần vào việc hình thành xu thế cho người tiêu dùng. Với việc ra đời của các nhãn hiệu SPA tại Hàn Quốc, thời trang bắt đầu có tính mùa vụ hơn. Các mặt hàng thời trang thường được bày bán trong một mùa và hết mùa sẽ được bán giảm giá.

 Với các mặt hàng thời trang hết mùa và được bán hạ giá, người tiêu dùng Hàn Quốc thường ưu tiên mua qua các kênh bán lẻ hơn là mua tại các trung tâm mua sắm lớn. Ngày nay, các kênh bán lẻ này xuất hiện ngày càng nhiều ở nhiều lĩnh vực khác nhau, như các cửa hàng bán hàng trực tuyến, hệ thống bán hàng tại nhà thông qua các kênh TV, các cửa hàng giảm giá và các cửa hàng thời trang tư nhân.

 Người tiêu dùng truyền thống, những người ở độ tuổi 40 trở lên và có thu nhập ổn định, có thói quen mua hàng ở các trung tâm mua sắm lớn. Họ cho rằng, mua sắm tại các trung tâm này tiện lợi hơn mua hàng trực tuyến hay mua hàng qua các kênh mua bán trên TV. 

Số liệu thị trường

Theo số liệu thống kê của Ngân hàng thế giới, kinh tế Hàn Quốc đứng thứ 15 trên thế giới. Kinh tế Hàn Quốc đạt khoảng gần 1 nghìn tỷ USD và GDP bình quân đầu người khoảng 19.000 USD. Không kể Nhật Bản, Hàn Quốc là nước có GDP bình quân đầu người cao nhất trong số các nước Châu Á với khoảng hơn 30 triệu dân. Theo Viện nghiên cứu Kinh tế Samsung, tăng trưởng kinh tế năm 2010 của Hàn Quốc ước đạt 4,3%.

 Năm 2010, thị trường thời trang Hàn Quốc ước tính sẽ đạt doanh thu 25 tỷ USD, tăng khoảng 5% so với năm 2009. Mặc dù chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính kinh tế thế giới năm 2008, 2009 nhưng thị trường hàng dệt may Hàn Quốc vẫn đứng vững do nhiều công ty Hàn Quốc đã nhanh chóng thích nghi với các thách thức mới bằng việc giảm đầu tư, giảm quy mô sản xuất và giảm quy mô các cửa hàng không sinh lợi nhuận. Các công ty tập trung vào những hình thức bán hàng vẫn hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên, vẫn có khoảng 20 công ty thời trang quy mô vừa và nhỏ đã phải đóng cửa. Các chuyên gia ngành hàng dệt may Hàn Quốc cho rằng mặc dù tốc độ tăng trưởng dự tính của ngành năm 2010 không cao nhưng việc ngành vẫn tăng trưởng năm 2010 cho thấy các công ty thời trang Hàn Quốc đã vượt qua được ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính kinh tế thế giới. Theo Tạp chí Thời trang Fashion Journal & Textiles, động lực tăng trưởng của năm 2010 sẽ là các ngành hàng quần áo thể thao, quần áo thông thường và nội y. Ngược lại, các mặt hàng quần áo cho đàn ông và quần áo trẻ em sẽ không tăng trưởng nhiều.

Nguồn: Vinanet