Trong 7 tháng đầu năm 2013, kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam sang châu Phi đã tăng lên 1 triệu tấn với tổng giá trị 441,2 triệu USD (tương đương kim ngạch xuất khẩu gạo cùng kỳ năm 2012). Hiện giá gạo xuất sang châu Phi có xu hướng tăng và các nhà nhập khẩu châu Phi đang tìm mua gạo thơm vì giá bán vẫn thấp hơn gạo cùng loại của Thái Lan.

Theo Tổ chức Nông lương Liên Hiệp quốc (FAO), mức tiêu thụ gạo của châu Phi vàokhoảng từ 24-24,5 triệu tấn/năm giai đoạn 2011-2013 và mức tiêu thụ  bình quân tính theo đầu người là 22,1 kg/năm.

Với số dân hơn 1 tỷ người, nhu cầu tiêu thụ gạo ở châu Phi ngày càng lớn bởi sự tiện dụng của việc chế biến gạo so với kê và những loại ngũ cốc truyền thống khác cũng như do tỷ lệ đô thị hóa ngày càng tăng tại các nước trong khu vực này.

Mặt khác, giá gạo không còn quá cao so với thu nhập của đại bộ phận người dân châu Phi, vì vậy gạo trở thành thức ăn phổ biến trong bữa ăn hàng ngày. Những nước có mức tiêu thụ gạo bình quân đầu người cao nhất là Guinea Bissau (112kg/người/năm), Sierra Leon (88,6 kg/người/năm), Guinea (73 kg/người/năm) và Gabon (72 kg/người/năm).

Các quốc gia nhập khẩu gạo lớn nhất châu Phi là Nigeria, Senegal, Côte d’Ivoire, Ghana, Nam Phi, Tanzania, Algeria, Cameroon, Guinea… trong đó Nigeria đã chiếm 30% tổng lượng gạo nhập khẩu vào khu vực. Ngoại trừ hai nước nhập khẩu nhiều gạo đồ chất lượng cao là Nam Phi và Nigeria, các nước châu Phi khác chủ yếu nhập khẩu loại gạo tấm có phẩm cấp và giá thành vừa phải.

Tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam sang châu Phi

Năm 2012, Việt Nam đã xuất khẩu mặt hàng gạo sang 30 trên tổng số 55 nước châu Phi (giảm 2 thị trường so với năm 2011) với kim ngạch 763,3 triệu USD, tăng 2% so với năm trước đó. Gạo tiếp tục là mặt hàng xuất khẩu số 1 của nước ta tại khu vực này, chiếm 30% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang châu Phi và chiếm 20% tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam ra thế giới.

Những thị trường nhập khẩu gạo nhiều nhất của Việt Nam ở châu Phi  năm 2012 gồm có Bờ Biển Ngà (203,4 triệu USD), Ghana (149,6 triệu USD), Senegal (66 triệu USD), Angola (54,6 triệu USD), Cameroon (43,9 triệu USD), Algeria (35,6 triệu USD), Mozambique (32,5 triệu USD), Kenya (31,2 triệu USD), Tanzania (26 triệu USD), Guinea (22,8 triệu USD), Nam Phi (17,2 triệu USD), Nigeria (16,9 triệu USD), Liberia (11,4 triệu USD), Gabon (10,75 triệu USD)…

Trong 3 tháng đầu năm 2012, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng gạo sang châu Phi chỉ đạt 115,33 triệu USD, giảm 21% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân là do xuất khẩu gạo sang một số thị trường lớn như Bờ Biển Ngà, Ghana và Senegal gặp nhiều khó khăn do phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt của gạo giá rẻ Ấn Độ và Thái Lan (chủ yếu là gạo tồn kho). Mặt khác, các nước châu Phi đang đẩy mạnh chương trình tự túc lương thực trong đó có phát triển lúa nước đồng thời hạn chế nhập khẩu trong những tháng đầu năm vì lượng gạo mua từ năm ngoái vẫn còn.

Tuy nhiên, kể từ tháng 5/2013, theo Hải quan Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đã tăng trở lại so với những tháng trước đây. Do lượng gạo dự trữ của châu Phi đã giảm nên các nước trong khu vực tăng cường nhập khẩu gạo, nhất là để phục vụ cho tháng Ramadan bắt đầu từ cuối tháng 7.

6 tháng đầu năm 2013, Việt Nam đã xuất khẩu 373,6 triệu USD mặt hàng gạo sang 28 nước châu Phi, giảm 8% so với cùng kỳ năm 2012.

Các thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam tại châu Phi gồm  Bờ Biển Ngà, đạt 131,44 triệu USD (317.613 tấn), Ghana đạt 99,27 triệu USD (214.019 tấn), Cameroon 38,8 triệu USD, Angola đạt 38,94 triệu USD, An-giê-ri 28,6 triệu USD, Mozambique 15,7 triệu USD, Senegal 15,45 triệu USD, Tanzania 9,7 triệu USD, Togo 9,3 triệu USD, Gabon 8,3 triệu USD…

Đến tháng 7/2013, theo số liệu của Hiệp hội lương thực Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu gạo sang châu Phi đã tăng lên 1 triệu tấn với tổng giá trị 441,2 triệu USD (tương đương kim ngạch xuất khẩu gạo cùng kỳ năm 2012). Hiện giá gạo xuất sang châu Phi có xu hướng tăng và các nhà nhập khẩu châu Phi đang tìm mua gạo thơm vì giá bán vẫn thấp hơn gạo cùng loại của Thái Lan.

(ttnn)

Nguồn: Tin tham khảo