Từ giữa tháng 5 đến tuần đầu tháng 6, thị trường gạo trong nước trở nên trầm lắng, giá giảm mạnh do nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đã mua đủ gạo thực hiện hợp đồng nên hạn chế lượng gạo mua vào. Bên cạnh đó, hai nước xuất khẩu gạo lớn như Ấn Độ, Thái Lan đã thông báo tung ra thị trường khoảng 5 triệu tấn gạo khiến giá gạo xuất khẩu giảm mạnh. Tại thị trường trong nước, giá thóc IR 50404 chỉ còn 3.500-3.900 đồng/kg tùy địa bàn, giá thóc hạt dài và thóc thơm khoảng 4.000-4.050 đồng/kg.
Tuy nhiên, những ngày gần đây, giao dịch mua bán gạo Việt Nam đột ngột sôi động trở lại, giá tăng từ 5 - 10 USD/tấn. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã ký được hợp đồng xuất khẩu số lượng lớn, hy vọng mở ra cơ hội tiêu thụ hết lúa gạo hàng hoá trong vụ hè thu sắp tới.
Theo Bộ Công Thương, Chính phủ Philippin dự kiến tăng lượng gạo nhập khẩu lên 2 triệu tấn trong năm nay, cao hơn mức 1,8 triệu tấn dự định ban đầu. Nếu Philippin sử dụng quyền tăng lượng gạo dự trữ, tổng lượng gạo nhập của nước này trong năm nay sẽ lên tới 2,25 triệu tấn. Trước mắt, Philippin, thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam mở thầu 100.000 tấn gạo để làm cơ sở khung giá chung cho 700.000 tấn sẽ nhập vào tháng 7 tới đây. Tương tự, những tháng còn lại cuối năm nay, Malaixia dự kiến sẽ mua thêm 150.000 tấn bổ sung dự trữ. Nhiều khách hàng châu Phi cũng đang tìm mua gạo Việt Nam do có giá mềm hơn các nước. Tại thị trường Trung Quốc, các khách hàng hiện đang quay sang thương lượng mua gạo Việt Nam thay cho gạo Thái Lan do giá gạo Việt Nam rẻ hơn một nửa so với giá gạo Thái. Trong khi đó, kế hoạch xuất khẩu 5 triệu tấn gạo của Ấn Độ và Thái Lan vẫn chưa thể triển khai do Ấn Độ đang phải chịu thiên tai.
Nhu cầu gạo đang tăng trong khi nguồn cung chưa tăng khiến thị trường gạo trong tháng 6, tháng 7 sẽ sôi động trở lại. Tổng hợp mười ngày đầu tháng 6, số lượng gạo mà doanh nghiệp đăng ký xuất khẩu lên tới 285.000 tấn, chủ yếu loại phẩm cấp 5%, 10% và 15%, với mức giá trên 410 USD/tấn, tăng 10 USD so với trước đó. Như vậy, sản lượng gạo đã ký hợp đồng từ đầu năm đến ngày 10/6 là 4,76 triệu tấn, trong đó doanh nghiệp đã giao 3,2 triệu tấn, đạt kim ngạch 1,3 tỉ USD, tăng 87% về số lượng và 51% giá trị so với cùng kỳ 2008.
Đây là tín hiệu mừng, nhưng diễn biến “nóng” của xuất khẩu gạo hiện nay cũng đòi hỏi cơ quan quản lý và doanh nghiệp phải có sự điều hành, phối hợp ăn ý, kịp thời để tránh thua thiệt cho người nông dân và ảnh hưởng đến an ninh lương thực.
Hiện nay, lúa vụ Đông Xuân các tỉnh ĐBSCL đã thu hoạch xong. Giá lúa hiện đang đứng ở mức 4.100 – 4.300 đ/kg tùy theo chất lượng, địa phương. Giá gạo nguyên liệu loại 1 hiện khoảng 5.600 - 5.630 đ/kg, giá gạo nguyên liệu loại 2, giá khoảng 5.100 – 5.200 đ/kg tùy từng địa phương. Gạo thành phẩm 5% tấm không bao bì tại mạn khoảng 6.850 – 6.900 đ/kg, gạo 15% tấm khoảng 6.400 – 6.500 đ/kg, gạo 25% tấm ở mức 5.600 – 5.650 đ/kg.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, đến cuối tháng 6, nông dân Đồng bằng sông Cửu Long gieo sạ hết 1,6 triệu ha lúa hè thu theo kế hoạch, dự kiến sẽ có khoảng 2 triệu tấn gạo hàng hoá cần tiêu thụ trong tháng 7, 8 và 9 tới đây. Hiện, một số địa phương như Đồng Tháp, Long An, Hậu Giang thu hoạch khoảng 120.000ha, giá lúa trung bình giảm còn 3.600 - 3.800đ/kg. Hiện Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Hiệp hội Lương thực Việt Nam đang phối hợp các tỉnh tính toán giá thành sản xuất lúa hè thu để thống nhất khung giá mua lúa đảm bảo nông dân có lời tối thiểu 30% theo chỉ đạo Thủ tướng Chính phủ.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc Chính phủ đồng ý cho xuất khẩu hết lúa, chắc chắn sẽ tạo thuận lợi doanh nghiệp chủ động đàm phán ký hợp đồng, mua hết lúa cho nông dân. Do đó, sản lượng gạo xuất khẩu năm nay có thể lên tới 6 triệu tấn chứ không dừng lại ở con số 4,5 - 5 triệu tấn như dự kiến ban đầu.
Trong 5 tháng đầu năm 2009, sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu lúa, gạo đã đạt được yêu cầu, mục tiêu của Chính phủ; cụ thể: vụ đông xuân đã thu hoạch xong, năng suất toàn vùng đạt gần 64 tạ/ha, sản lượng thóc đạt trên 9,8 triệu tấn, duy trì được mức năm 2008; vụ hè thu đã xuống giống đạt gần 70% diện tích, dự kiến sản lượng đạt trên 9,5 triệu tấn thóc, tăng so với năm 2008.
Nếu tính cả vụ mùa, diện tích gieo trồng của toàn vùng ĐBSCL có thể đạt 3,944 triệu hécta, tăng so với năm 2008 và sản lượng ước đạt 20,7 triệu tấn thóc, tạo nguồn gạo hàng hóa đảm bảo mức xuất khẩu dự kiến từ đầu năm khoảng trên 5 triệu tấn, sau khi đã cân đối bảo đảm đủ lương thực cho các nhu cầu trong nước.
Để công tác điều hành sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu gạo đạt hiệu quả cao trong 6 tháng cuối năm 2009 và chuẩn bị tốt cho kế hoạch năm 2010, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, các bộ, ngành, các cơ quan chức năng tập trung chỉ đạo tăng cường hơn nữa công tác điều hành theo chức năng quản lý nhà nước của từng cơ quan và các địa phương đối với sản xuất, tiêu thụ lúa gạo trong nước và xuất khẩu; Bộ Công Thương, Bộ NNPTNT và Hiệp hội Lương thực Việt Nam bàn với các tỉnh có sản lượng lúa hàng hóa lớn để bổ sung cán bộ có thẩm quyền của tỉnh tham gia Tổ điều hành xuất khẩu gạo của Chính phủ và tăng cường giao ban điều hành sản xuất, tiêu thụ lúa gạo trong nước và xuất khẩu - nhất là vào trước thời điểm của từng vụ sản xuất; tăng cường công tác thông tin, dự báo về sản xuất, dịch bệnh, thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của kế hoạch năm 2009 và chuẩn bị tốt các điều kiện sản xuất cho năm 2010.

Trước mắt, đối với vụ hè thu, trên cơ sở giá thành sản xuất do Bộ Tài chính công bố, Bộ Công Thương phối hợp với UBND các tỉnh và Hiệp hội Lương thực Việt Nam chỉ đạo các doanh nghiệp thành viên hiệp hội thu mua khoảng 2 triệu tấn gạo hàng hóa theo giá bảo đảm lợi nhuận tối thiểu 30% cho nông dân.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương bàn bạc để thực hiện việc sửa đổi, bổ sung các quy định về quản lý, điều hành xuất khẩu gạo. 
 
(tonghop)

Nguồn: Vinanet