Giá gạo vẫn cao, giá lúa sụt giảm

Giá gạo tại thị trường TPHCM - cho dù đã có biện pháp bình ổn sau cơn sốt gạo - vẫn còn ở mức cao. Cụ thể: Gạo loại ngon từ 16.000 - 19.000 đồng/kg (cao hơn thời điểm trước khi xảy ra sốt giá gạo từ 4.000 - 6.000 đồng/kg) và gạo thông dụng từ 11.000 - 13.000 đồng/kg (cao hơn trước đây từ 2.000 - 4.000 đồng/kg).

Vài ngày gần đây, sau khi có lệnh ngừng ký hợp đồng XK gạo đến hết tháng 6.2008, giá lúa gạo tại các tỉnh ĐBSCL bắt đầu sụt giảm trông thấy. Theo HHLTVN, giá lúa các tỉnh ĐBSCL đã giảm từ đầu tháng 5.2008 và hiện nay đang đứng ở mức bình quân 5.500 đồng/kg, tuỳ địa phương và tuỳ độ ẩm.

Giá gạo nguyên liệu (gạo lứt) để làm ra gạo 5% tấm là 7.200 - 7.400 đồng/kg, gạo thành phẩm 5% tấm khoảng 9.200 - 9.300 đồng/kg, gạo 15% tấm là 8.800 đồng/kg và 25% tấm là 8.200 đồng/kg, tuỳ từng địa phương. Trong lúc đó, khảo sát ngoài thị trường cho thấy lúa hạt dài, trước đây có giá từ 6.000 - 6.200 đồng/kg, nay sụt giảm còn 5.000 - 5.200 đồng/kg... và gạo cho XK cũng giảm bình quân 1.500 đồng/kg, còn khoảng 6.000 - 6.500 đồng/kg.

Theo một chuyên giá lúa gạo của HHLTVN, sự sụt giảm giá lúa gạo trong mấy ngày qua ở ĐBSCL là do các DN chế biến, XK gạo đã ngừng mua lúa của nông dân, sau lệnh không ký thêm hợp đồng XK gạo của Chính phủ, nhằm bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Đây là một biện pháp đúng đắn của Chính phủ, giữa bối cảnh khủng hoảng lương thực trên thế giới. Song, tại thời điểm này, ở các tỉnh ĐBSCL thì... trớ trêu, có vẻ gây bất lợi cho người nông dân.

Ông Trương Thanh Phong - TGĐ TCty Lương thực Miền Nam, kiêm Chủ tịch HHLTVN - cho biết: Mặc dù tại các nước khác đang xảy ra khan hiếm lúa gạo; song ở VN, tại ĐBSCL, vụ đông - xuân thu hoạch hơn 9,4 triệu tấn; đến thời điểm này, chúng ta vẫn còn tồn trong kho từ 1,3 - 1,4 triệu tấn gạo. Trong lúc đó, cuối tháng 5 và đầu tháng 6.2008, bà con nông dân đang tiếp tục thu hoạch vụ hè - thu, với 300.000ha. Đồng thời, vụ hè - thu chính vụ, ước tính ĐBSCL sẽ bội thu sản lượng, với 1,9 triệu hécta. Như vậy, VN hoàn toàn bảo đảm an ninh lương thực, không thể thiếu gạo.

Tuy nhiên, do không ký tiếp hợp đồng XK gạo, dẫn tới các DN ngừng thu mua lúa của nông dân, vô tình đẩy nông dân vào... thế khó. Ông Nguyễn Ngọc Nam - GĐ Cty LT Tiền Giang - cho biết: "Người nông dân phải chi phí cho phân bón, thuốc trừ sâu, vận chuyển lúa, xăng - dầu, tiền nhân công..., với giá cao hơn hẳn những năm trước, trong khi không tiêu thụ được lúa, họ lấy đâu ra tiền để trang trải, bù đắp các khoản chi phí đã bỏ ra? Nông dân lo lắng, khó khăn là phải".

Trong lúc đó, ông Nguyễn Thanh Ngọc - GĐ Cty LT Bạc Liêu - cho rằng: "Vụ hè thu sắp tới, thu hoạch sẽ bội thu, lúa chất đầy kho, đầy sân, mà không có ai mua, nông dân sẽ càng khó hơn". Chưa kể, theo ông Trương Thanh Phong, chỉ riêng các Cty trực thuộc TCty LT Miền Nam, gần 500.000 tấn gạo đang tồn trong kho như: Cty LT Tiền Giang (46.000 tấn), Cty LT Long An (67.000 tấn), Cty LT Bạc Liêu (14.000 tấn), Cty LT Đồng Tháp (54.000 tấn)...

Trước tình hình trên, HHLTVN có kế hoạch sẽ kiến nghị Chính phủ cho phép các DN tiếp tục ký hợp đồng XK gạo. Từ đó, việc thu mua lúa của nông dẫn tiếp tục diễn ra bình thường sẽ góp phần đẩy giá lúa lên một mức hợp lý, "giải cứu" giá lúa đang có xu hướng tuột dốc như hiện nay, giúp nông dân ĐBSCL thoát thế bí.

Theo một chuyên gia về lúa gạo, hành động như vậy là hợp lý; bởi VN đang dồi dào nguồn gạo, giá gạo XK được giá hơn bao giờ hết và nhu cầu nhập khẩu gạo tại các nước như: Philippines, Iran, Iraq, Myanmar... đang hết sức nóng bỏng, thì không cớ gì lại không ký tiếp hợp đồng XK gạo, để nông dân lo lắng như hiện nay? 

Nguồn: Báo lao động