Dẫn nguồn tin từ Vietrade , theo đánh giá chung của Bộ Công Thương tại cuộc họp giao ban trực tuyến tháng 11, nhìn chung, hoạt động xuất nhập khẩu tháng 11 và 11 tháng/năm 2011 khá tích cực, tốc độ tăng xuất khẩu cao hơn tốc độ tăng nhập khẩu (xuất khẩu tăng 34,7%, nhập khẩu tăng 26,4%). Cán cân thương mại nhờ đó đã được cải thiện. Nguyên nhân kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh là do hầu hết giá các mặt hàng nông sản, nhiên liệu và khoáng sản đều tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Khối các doanh nghiệp FDI vẫn tiếp tục duy trì vị trí dẫn đầu trong việc tạo giá trị xuất khẩu, tỷ trọng xuất khẩu FDI trong tổng kim ngạch xuất khẩu vẫn tiếp tục tăng, trong đó xuất hiện thêm mặt hàng mới của khối có quy mô và tốc độ tăng trưởng cao là mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện đã đóng góp thêm khoảng hơn 4,2 tỷ USD vào kim ngạch xuất khẩu.
Về Xuất khẩu: Kim ngạch xuất khẩu tháng 11 ước đạt 8,6 tỷ USD, tăng 2,4% so với tháng 10 và tăng 28,2% so với tháng 11/2010, trong đó: xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt 4,8 tỷ USD, tăng 2,4% so với tháng 10 và tăng 43,5% so với tháng 11/2010.
Tính chung 11 tháng, kim ngạch xuất khẩu ước đạt gần 87,2 tỷ USD, tăng 34,7% so với cùng kỳ, trong đó, xuất khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt 42,6 tỷ USD, tăng 39,2%. Đến nay đã có 23 nhóm/mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó có 5 nhóm/mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 5 tỷ USD, đó là: Hàng dệt và may mặc ước đạt 12,8 tỷ USD, dầu thô ước đạt 6,7 tỷ USD, điện thoại các loại và linh kiện ước đạt 6,2 tỷ USD, giầy, dép các loại ước đạt 5,7 tỷ USD, thủy sản ước đạt 5,5 tỷ USD.
Xét theo nhóm hàng, so với cùng kỳ, kim ngạch xuất khẩu nhóm nông, lâm, thuỷ sản ước đạt hơn 17,8 tỷ USD, tăng 32,0% và chiếm tỷ trọng 20,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Kim ngạch xuất khẩu nhóm nhiên liệu, khoáng sản ước đạt 10,2 tỷ USD, tăng 42,7% và chiếm tỷ trọng 11,7%. Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt gần 51,9 tỷ USD, tăng 32,8% và chiếm tỷ trọng 59,5%. Tuy nhiên, một số mặt hàng kim ngạch giảm như: máy ảnh, máy quay phim và linh kiện giảm 45,7%, đá quý và kim loại quý giảm 7,1%,... Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng hóa khác ước đạt gần 7,3 tỷ USD, tăng 46,2% và chiếm tỷ trọng 8,3% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Xét về giá, so với cùng kỳ, giá bình quân nhiều nhóm/mặt hàng xuất khẩu tăng cao như: nhân điều tăng 45,2%, cà phê tăng 49,3%, chè các loại tăng 3,4%, hạt tiêu tăng 66,5%, gạo tăng 9,1%, sắn và sản phẩm từ sắn tăng 15,1%, cao su tăng 37,3%, than đá tăng 17,3%, dầu thô tăng 43,6%, xăng dầu các loại tăng 37,9%, quặng và khoáng sản khác tăng 19,3%, chất dẻo nguyên liệu tăng 18,2%, sắt thép tăng 13,0%,...
Xét về lượng, so với cùng kỳ, một số nhóm/mặt hàng có lượng xuất khẩu tăng như: sắn và các sản phẩm sắn tăng 58,5%, sắt thép tăng 43,4%, quặng và các khoáng sản khác tăng 16,0%, xăng dầu các loại tăng 15,2%, hạt tiêu tăng 10,3%, gạo tăng 6,2%, dầu thô tăng 5,1%, ... Tuy nhiên, một số nhóm/mặt hàng lượng xuất khẩu giảm như: than đá giảm 12,3%, chất dẻo nguyên liệu giảm 11,4%, nhân điều giảm 9,5%.
Xét theo thị trường, xuất khẩu sang các thị trường đều có mức tăng trưởng khá cao: xuất khẩu sang ASEAN tăng 30,6% và chiếm tỷ trọng 14,1%; xuất khẩu sang Nhật Bản tăng 38,2% và chiếm tỷ trọng 11,0%; xuất khẩu sang thị trường Mỹ tăng 19,2% và chiếm tỷ trọng hơn 17,6%; xuất khẩu sang EU tăng 48,2% và chiếm tỷ trọng 17,0%.
Về Nhập khẩu: Kim ngạch nhập khẩu hàng hoá tháng 11 ước đạt 9,3 tỷ USD, tăng 1,7% so với tháng 10 và tăng 15,5% so với tháng 11/2010, trong đó: kim ngạch nhập khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 4,6 tỷ USD, tăng 3,0% so với tháng 10 và tăng 27,3% so với tháng 11/2010.
Tính chung 11 tháng, kim ngạch nhập khẩu ước đạt gần 96,1 tỷ USD, tăng 26,4% so với cùng kỳ, trong đó: kim ngạch nhập khẩu của các doanh nghiệp 100% vốn trong nước đạt 52,6 tỷ USD, tăng 23,0% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 54,7%; kim ngạch nhập khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 43,5 tỷ USD, tăng 30,8% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 45,3% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước.
Như vậy, ước nhập siêu 11 tháng hơn 8,9 tỷ USD, chiếm 10,22% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó, khối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) nhập siêu hơn 862 triệu USD. Tỷ lệ nhập siêu giảm dần, chủ yếu từ các nước như: ASEAN 59,0%; Trung Quốc 126,6%; Hàn Quốc 167,5%; Đài Loan 371,0%;... Tỷ lệ xuất siêu từ Mỹ 74,3%; Ôxtrâylia 15,5%; Đức 32,8%; Pháp 40,0%; Hồng Kông 51,5%; Nhật Bản 2,15%; ...
Qua đánh giá kết quả thực hiện 11 tháng và rà soát các mặt hàng xuất nhập khẩu chủ yếu, tình hình xuất nhập khẩu cả năm 2011 có thể được dự báo như sau:
Dự báo xuất khẩu tháng 12 tiếp tục tăng, nếu không có yếu tố đột biến, khả năng tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2011 đạt khoảng 96 tỷ USD, tăng 33% so với năm 2010, vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra (tăng 10%).
Dự báo, nhập siêu năm 2011 khoảng 10 tỷ USD, bằng 10,4% kim ngạch xuất khẩu, thấp hơn chỉ tiêu Quốc hội (không vượt quá 18% kim ngạch xuất khẩu) cũng như của Chính phủ (không quá 16% kim ngạch xuất khẩu).
Về Thị trường trong nước: Tháng 11 bắt đầu sôi động hơn so với tháng trước khi các nguồn hàng, các chương trình khuyến mãi lớn được các doanh nghiệp và các siêu thị triển khai để chuẩn bị cho nhu cầu mua sắm Tết Nguyên đán. Vì vậy, tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ xã hội tháng 11 ước đạt 176,4 nghìn tỷ đồng, tăng 1,8% so với tháng 10; tính chung 11 tháng ước đạt 1.814 nghìn tỷ đồng, tăng 23,5% so với cùng kỳ (nếu trừ yếu tố giá thì tốc độ tăng là 4,1% so với cùng kỳ). Xét theo ngành kinh tế, so với cùng kỳ, ngành thương nghiệp ước đạt 1.430 nghìn tỷ đồng, tăng 23,6% và chiếm tỷ trọng 78,8 %; khách sạn nhà hàng đạt 204,7 nghìn tỷ đồng, tăng 26,3% và chiếm tỷ trọng 11,3%; dịch vụ đạt 162,8 nghìn tỷ đồng, tăng 20,6% và chiếm tỷ trọng 9,0 %; du lịch đạt 16,4 nghìn tỷ đồng, tăng 11,7% và chiếm tỷ trọng 0,9%.
Chỉ số giá tiêu dùng cả nước theo chiều hướng thuận, tháng 11 chỉ tăng 0,39% so với tháng 10. Hai tháng liên tiếp biên độ biến động hẹp và mức tăng thấp so với các tháng khác trong năm cho thấy chỉ số lạm phát đã ổn định hơn. So với tháng 12/2010 tăng 17,5% và bình quân 11 tháng tăng 18,6% so cùng kỳ. Trong tháng, chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,56%, trong đó: nhóm lương thực có mức tăng cao nhất 3,25% nhưng nhóm thực phẩm giảm 0,26%. Ngoài ra, chỉ số giá của 3 nhóm hàng hóa giảm so với tháng 10 là giao thông, bưu chính viễn thông và văn hóa, giải trí, du lịch.