Trong tuần từ 3-7/8/2009, giá cao su xuất khẩu của nước ta sang Trung Quốc đã tăng mạnh, lên 13.600 NDT/T, tăng 1.600 NDT/T so với đầu tuần trước đó. Sức ép mua vào tăng mạnh của các đối tác Trung Quốc cùng với giá cao su tại sàn giao dịch Thượng Hải cũng đã tăng rất mạnh, lên trên 18.000 NDT/T chính là nguyên nhân giúp giá cao su tại Móng Cái bứt phá mạnh. Khối lượng cao su giao dịch trong những ngày cuối tuần đã nâng lên 600 tấn/ngày. Đã có một số doanh nghiệp và thương gia Trung Quốc chuyên kinh doanh nguyên liệu cao su, chuyển địa bàn hoạt động từ Thượng Hải xuống cửa khẩu Đông Hưng – Móng Cái để tìm hiểu nhập khẩu cao su từ Việt Nam.

Thời gian này, cao su tạm nhập tái xuất (kho ngoại quan), chuyển khẩu, chuyển tải cũng tập kết khá nhiều ở khu vực cửa khẩu Móng Cái để chờ chuyển giao sang thị trường Trung Quốc và cạnh tranh đáng kể với cao su xuất khẩu của Việt Nam. Điều này đã hạn chế sự gia tăng về giá và khối lượng cao su xuất khẩu của nước ta sang Trung Quốc.

Trong tháng 8/2009, thị trường khu vực đông nam Trung Quốc có nhu cầu cao về nhập khẩu đay bẹ, đay tơ và các sản phẩm cói sơ chế. Theo thống kê, tổng lượng đay bẹ, đay tơ mà các doanh nghiệp Trung Quốc xin nhập khẩu là 800 tấn, các sản phẩm cói sơ chế là 1.100 tấn, trong vòng 5 tháng qua, thị trường Trung Quốc ít nhập khẩu các mặt hàng này của Việt Nam. Nguồn nhập từ Myanmar, Lào, Campuchia và Thái Lan giảm mạnh, nên các đối tác Trung Quốc lại quay về nhập khẩu các mặt hàng trên từ Việt Nam. Mức giá chào mua cụ thể từng chủng loại như sau: đay bẹ 1.750 NDT/T, đay tơ 2.300 NDT/T, cói sơ chế nguyên cây 1.100 NDT/T, cói chẻ sơ chế 1.450 NDT/T.

Sản phẩm công nghệ thông tin, chủ yếu là máy tính và linh, phụ kiện vi tính là những mặt hàng đang được phía Trung Quốc đẩy mạnh xuất khẩu cũng như được các doanh nghiệp Việt Nam nhập về nhiều. Tập đoàn máy vi tính Lenovo đã đặt gần 10 đại lý xuất khẩu ở Đông Hưng, tập kết lượng hàng lớn để chờ xuất sang Việt Nam và các quốc gia ASEAN.

 

Nguồn: Vinanet