Tổng cục Thống kê cho biết, tổng kim ngạch xuất khẩu 8 tháng đầu năm ước đạt 60,8 tỷ USD, tăng 33,7% so cùng kỳ 2010. Tính chung 8 tháng, cả nước nhập siêu 6,22 tỷ USD, bằng 10,23% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước ước 28,1 tỷ USD, bằng 46,2% tổng kim ngạch cả nước, tăng 32,6% cùng kỳ. Tính riêng tháng 8, kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 8,3 tỷ USD, giảm 10,9% tháng trước.

Dệt may là mặt hàng duy nhất có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD trong tháng 8, tương đương tháng trước. Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực khác là dầu thô đạt kim ngạch 750 triệu USD, thủy sản đạt 590 triệu USD; gạo đạt 284 triệu USD...Đáng chú ý, tổng kim ngạch xuất khẩu đá quý, kim loại quý và sản phẩm chỉ đạt khoảng 200 triệu USD trong tháng 8, giảm 82% so tháng trước.

Tổng kim ngạch nhập khẩu 8 tháng ước đạt 67,02 tỷ USD, tăng 25,4% cùng kỳ. Kim ngạch nhập khẩu của khu vực kinh tế trong nước ước 36,9 tỷ USD, bằng khoảng 55% tổng kim ngạch nhập khẩu. Riêng trong tháng 8, kim ngạch nhập khẩu cả nước ước 9,1 tỷ USD, tăng 10,7% tháng trước.

Một số mặt hàng nhập khẩu chính trong tháng này là xăng dầu đạt 976 triệu USD, tăng gần 99% so tháng trước; vải đạt 540 triệu USD, xấp xỉ tháng trước; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 600 triệu USD, tăng 5,4% tháng trước...

 

Xuất khẩu gạo năm 2011 chắc chắn vượt kỷ lục năm 2010

 

(DVT.vn) - Theo kế hoạch của VFA, lượng xuất khẩu năm nay có thể đạt trên 7 triệu tấn, tăng 3,5% so năm 2010.

Bộ Công thương khẳng định, xuất khẩu gạo của Việt Nam năm 2011 chắc chắn đạt vượt mức kỷ lục năm 2010, theo kế hoạch của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), có thể đạt trên 7 triệu tấn, tăng 3,5% so năm 2010.

Tính đến 23/8, xuất khẩu gạo đạt gần 5 triệu tấn gạo các loại, trị giá FOB đạt 2,361 tỷ USD. Giá xuất khẩu bình quân FOB đạt 473,82 USD/tấn, tăng 43 USD/tấn so cùng kỳ năm ngoái.

Trong trường hợp thuận lợi không có đột biến về sâu bệnh và thời tiết, lượng gạo hàng hóa xuất khẩu cả năm thậm chí còn đạt tới con số khoảng 8 triệu tấn, chưa kể lượng tồn kho khoảng 0,8 triệu tấn năm 2010 chuyển sang, thì đủ cân đối cho nhu cầu xuất khẩu những tháng còn lại của năm 2011 và gối đầu cho năm 2012.

Cụ thể diễn biến xuất khẩu trong mấy tháng gần đây: Tháng 4/2011 xuất khẩu 717.000 tấn so với 682.000 tấn cùng kỳ 2010, tăng 5%. Tháng 5 xuất khẩu 702.000 tấn so 709.000 tấn cùng kỳ năm 2010, giảm xấp xỉ 1%. Tháng 6 xuất khẩu 642.900 tấn so với 645.400 tấn của cùng kỳ năm 2010, giảm 0,4%. Sau 2 tháng giảm liên tiếp, đến tháng 7 xuất khẩu 708.000 tấn so với 629.600 tấn cùng kỳ năm 2010 tăng 12%.

Trong năm 2011, Việt Nam không những duy trì được các thị trường xuất khẩu truyền thống mà còn khai thông được một số thị trường mới và tăng cường giao dịch thương mại, đặc biệt là Bangladesh, Indonesia, một số thị trường ở châu Phi.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên, thời gian qua, xuất khẩu có những bước tiến, khi mức tăng về lượng chỉ 11,14% nhưng tăng về giá là 22,26% - gấp đôi so với lượng.

Thị trường xuất khẩu diễn biến phức tạp

Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên cho biết, thị trường gạo năm 2011 có nhiều diễn biến khó lường. Thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam là Philippines có sự điều chỉnh chính sách theo hướng tư nhân hóa hoạt động nhập khẩu, sử dụng đấu thầu cho các doanh nghiệp. Điều này kéo theo tình trạng ép giá từ các thương lái của Philippines đối với xuất khẩu. Và hiện tại, nước này chưa có dấu hiệu có nhu cầu nhập thêm vì đã nhập đủ.

Một thị trường lớn nữa là Indonesia đã ký mua với Việt Nam vào tháng 12/2010 là 600.000 tấn và tháng 3 là 500.000 tấn. Sau đó, nước này cũng đã nhập từ Thái Lan 300.000 tấn. Do vậy, về cơ bản là đáp ứng đủ nhu cầu.

Diễn biến tăng giá đã gây không ít bất lợi cho Việt Nam. Với chênh lệch giá cao hơn so gạo Thái Lan 25 USD/tấn, đối tác là Indonesia đã chuyển kế hoạch mua 300.000 tấn gạo của Việt Nam sang phương án mua gạo Thái. Trong khi gạo Thái Lan đứng mức 525-530 USD/tấn với gạo 5% tấm thì gạo Việt Nam lên tới 560 USD/tấn nên không bán được

Thị trường Malaysia nếu có nhu cầu thì phải đến tháng 12 tới, Thứ trưởng cho hay.

Tình hình giá gạo thế giới trong thời gian tới nhiều khả năng vẫn tăng, và phụ thuộc một phần vào lộ trình tăng giá gạo của Chính phủ mới Thái Lan, lên mức 650 USD/tấn. Đồng thời, trước thông tin Ấn Độ được mùa lớn và tồn kho tới 62 triệu tấn nên thị trường có tâm lý chờ phía Ấn Độ xuất khẩu bao nhiêu. Thứ trưởng cho biết, nhiều khả năng nước này sẽ xuất 2 triệu tấn vào đầu tháng 9 tới (cao hơn thông tin dự kiến 1 triệu tấn rò rỉ vào trước đó).

Chính sách điều hành xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian tới được cho biết sẽ theo hướng linh hoạt để ứng phó kịp thời với diễn biến thị trường.

Nguồn: Tin tham khảo