Những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm mạnh trong 6 tháng đầu năm nay có giày dép giảm 19,6%, xuống còn 990 triệu USD, sản phẩm gỗ giảm 37,1% xuống 267 triệu USD, sản phẩm chất dẻo giảm 21%, xuống 91 triệu USD, nhân điều giảm 25,2% xuống còn 80 triệu USD. Trong khi đó, xuất khẩu một số mặt hàng vẫn duy trì được mức tăng nhẹ như cà phê tăng 3%, đạt 552 triệu USD, túi xách, ví, va li tăng 1,37%, đạt 161 triệu USD. Ngoài ra, xuất khẩu hàng dệt may mặt hàng xuất khẩu chủ lực thứ 2, sau giày dép cũng đạt khá, đạt 743 triệu USD, giảm 3,185…

Cùng với sự phục hồi của kinh tế toàn cầu cũng như kinh tế khu vực châu Âu, dự báo xuất khẩu hàng hoá của nước ta sang thị trường này cũng sẽ tiếp tục xu hướng tăng trở lại. Nhưng do kinh tế EU phục hồi chậm nên tốc độ gia tăng xuất khẩu còn hạn chế so với các thị trường khác.

Theo số liệu của Cơ quan thống kê EU (Eurostat), tỉ lệ thất nghiệp tại EU trong tháng 5/2009 là 8,9%, mức cao nhất kể từ năm 2005 và của khu vực đồng euro là 9,5%, mức cao nhất kể từ năm 1999. Trong khi đó, GDP của EU được dự báo sẽ suy giảm 4% trong năm 2009, với 26/27 nước (trừ Hy Lạp) có mức tăng trưởng âm. Tuy nhiên đã có những dấu hiệu cho thấy thời kỳ suy thoái tồi tệ nhất đã chấm dứt. Kinh tế Anh quý II chỉ còn giảm ở mức 0,3% trong khi mức suy giảm của các quý trước là 1,8% và 2,4%. Tại Đức, doanh số bán lẻ trong tháng tăng 0,4%, tốt hơn so với dự đoán là 0%.

Trao đổi thương mại của EU với thế giới 4 tháng đầu năm 2009

Đvt: tỉ euro

 

Tổng 4 tháng 2009

Tổng 4 tháng 2008

So sánh

EU xuất

342,1

432,0

Giảm 21%

EU nhập

397,6

510,1

Giảm 22%

Cán cân

-55,5

-78,1

 

Những diễn biến của thị trường EU thời gian qua cho thấy, xu hướng tiêu dùng đang có dấu hiệu thay đổi. Từ việc tiêu dùng các mặt hàng giá rẻ dịch chuyển sang các sản phẩm giá cao hơn. Ví dụ đối với giày dép, tỉ lệ nhập khẩu các mặt hàng có giá dưới 10USD/đôi tại khu vực này chiếm khoảng 60% tổng lượng nhập khẩu, trong đó, tại Đức khoảng 75%. Trong các kỳ gần đây nhất, tỉ lệ nhập khẩu các mặt hàng giá thấp liên tục giảm: Anh hiện dưới 50%, Đức khoảng 68-70%.

Đối với hàng thực phẩm: do dân số châu Âu ngày càng già đi, áp lực công việc cao nên xu hướng tiêu dùng thực phẩm sẽ lựa chọn những sản phẩm có tiêu chuẩn chất lượng cao, sạch và an toàn cho sức khoẻ, những sản phẩm tiện lợi, ăn liền. Cộng thêm, xu hướng các hộ gia đình nhỏ không có con ở châu âu cũng đang tăng lên nên các hộ gia đình người châu Âu chuyến sang tiêu dùng ít thực phẩm hơn và tiêu dùng những sản phẩm có kích cỡ nhỏ, vừa phải thay vì chọn mua những sản phẩm có kích cỡ lớn như trước đây.

Đối với hàng thời trang: người châu Âu ưa phong cách thoải mái, các loại bộ đồ thoải mái và giày thể thao đang được ưa chuộng nhiều ở châu Âu. Đồng thời họ cũng hay thay đổi phong cách hơn so với trước đây chỉ mua vào 2 vụ chính là đông, hè thì nay mua vào nhiều lần trong năm. Bởi vậy, xu hướng của các nhà nhập khẩu cũng chuyển sang những nhà xuất khẩu qui mô nhỏ và vừa, linh hoạt thay cho những đơn đặt hàng rất lớn từ Trung Quốc với giá rất rẻ. Đây là một điểm có lợi cho các doanh nghiệp may mặc Việt Nam trong tương lai.

Đối với hàng rau quả: lượng tiêu thụ có xu hướng ngày một tăng tại EU do thói quen ăn uống để bảo vệ, tăng cường sức khoẻ của người dân. Đây là yếu tố làm gia tăng nhu cầu hoa quả từ các nước nhiệt đới tại EU. Một dự báo cho biết mặt hàng này sẽ đạt mức tăng 6-8%/năm.

Đáng chú ý là Việt Nam và một số nước ASEAN đang đàm phán với EU về hiệp định thương mại tự do giữa các nước ASEAN và EU (FTA ASEAN-EU). Hiệp định này nếu sớm được thông qua sẽ tạo ra lợi thế rất lớn cho Việt Nam do gần 60% hàng hoá xuất khẩu của nước ta vào EU đang  phải chịu thuế nhiều hơn các nước trong khu vực (Thái Lan 50%, Malaysia 21%, Singapore 10%...)

Nếu thông qua hiệp định, EU có khả năng giảm 90% thuế suất đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam. Theo tính toán của các chuyên gia, hiệp định cũng sẽ góp phần đẩy mạnh đầu tư vào các ngành định hướng xuất khẩu và đóng góp khoảng 2-15% vào tăng trưởng GDP của nước ta. Xuất khẩu lương thực qua EU có thể tăng 26-44%, hàng dệt may, giày dép có thể tăng tới 154%...

Trong một diễn biến khác, một nhà ngoại giao EU cho biết nhiều nước muốn bãi bỏ các mức thuế chống bán phá giá giày da nhập khẩu từ Việt Nam và Trung Quốc trước mùa Giáng sinh năm nay, thời điểm ngành bán lẻ có doanh thu cao. Hiện đã có 15 nước ủng hộ bỏ loại thuế này. Đây là một thuận lợi lớn do trong hai năm qua, xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam vào thị trường châu Âu giảm đáng kể do bị áp thuế chống bán phá giá.

Với những xu thế và thuận lợi mới, dự báo trong thời gian tới, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường EU sẽ tiếp tục phục hồi và tăng dần vào cuối năm. 

Nguồn: Vinanet