Trước đó, Bộ Tài chính đã từ chối đề nghị áp giá trần cho những loại sữa tăng giá bất hợp lý của Vụ Chính sách thuế - Bộ Tài chính với lý do phương án này thiếu tính thị trường, tính pháp lý và thiếu khả thi. Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu, phương án áp giá trần cho sữa ngoại là việc tính toán giá trần cho rất nhiều mặt hàng sữa với mức giá có thể thay đổi hằng ngày, là rất khó có thể thực hiện.
Theo Thông tư số 104, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn có trên 50% vốn điều lệ thuộc sở hữu Nhà nước sẽ phải đăng ký giá. Giá bán đăng ký của doanh nghiệp sẽ được cơ quan chức năng thẩm định và quyết định phê duyệt trong thời hạn dự kiến là 8 ngày tính từ ngày nhận hồ sơ. Trường hợp cơ quan chức năng không chấp thuận phải có văn bản trả lời vì sao từ chối.
Theo phương án đang được tính toán, các loại sữa ngoại cũng phải đăng ký giá để các cơ quan chức năng nắm được cấu thành đầu vào. Cơ quan chức năng cũng sẽ phải sửa đổi quy định hiện hành là yêu cầu các doanh nghiệp đăng ký giá bán các mặt hàng thuộc danh mục bình ổn theo hình thức nộp hồ sơ đăng ký giá bán với giải thích về cơ cấu giá nhập khẩu, thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, giá vốn nhập khẩu, lợi nhuận dự kiến, mức giá dự kiến...
Theo các chuyên gia, hiện Việt Nam chưa có quy định giới hạn tối đa các vi chất dinh dưỡng nên các hãng sữa ngoại mặc sức quảng cáo việc bổ sung vô tội vạ các vi chất này, gây ngộ nhận cho người tiêu dùng. Kết quả khảo sát chỉ tiêu an toàn, chất lượng dinh dưỡng một số sản phẩm sữa ngoại bán tại TP.HCM vừa được Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam công bố cho thấy giá bán lẻ của sữa nhập khẩu cao hơn 46% so với giá sữa sản xuất trong nước. Giá bán lẻ trung bình của sữa nước ngoài là 32.100 đồng/lít trong khi giá sữa nước sản xuất tại Việt Nam 22.000 đồng/lít.
Kết quả thử nghiệm trên 9 mẫu sữa sản xuất tại Việt Nam và 7 mẫu sữa nhập khẩu cũng cho thấy các chỉ tiêu về an toàn vi sinh vật, kim loại nặng và hàm lượng dinh dưỡng của sữa nội và sữa ngoại tương đương nhau đều đạt mức quy định. Riêng về chỉ tiêu hàm lượng đạm, có 2/16 mẫu có kết quả thử nghiệm hàm lượng đạm thấp hơn so với hàm lượng đạm ghi trên nhãn.
Trong thời gian tới, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam sẽ phối hợp với Bộ Y tế tiến hành lấy mẫu xét nghiệm với tất cả các loại sữa bán trên thị trường nhằm kiểm tra hầu hết các chỉ số mà doanh nghiệp kinh doanh sữa công bố. Việc lấy mẫu này sẽ tiến hành cả với các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nhập khẩu sữa.
 
 

Nguồn: Vinanet