“Cơn lốc” hàng Trung Quốc vào VN tăng đột biến trong vài tháng gần đây. Hàng Trung Quốc giờ đây không chỉ có tại các cửa khẩu, vùng biên giới mà còn xuất hiện ở nhiều nơi trong nội địa.
Hàng TQ nhập vào VN đa dạng chủng loại, mẫu mã bắt mắt và đặc biệt giá các mặt hàng thấp hơn rất nhiều so với hàng cùng loại của VN.

Mỗi ngày Lạng Sơn nhập hơn 1.000 tấn hàng. Con đường từ cửa khẩu Tân Thanh về TP Lạng Sơn mờ mịt sương, nhưng từng tốp xe Minsk chở những kiện hàng quá khổ, những chiếc xe “con cóc” (ôtô khách loại nhỏ được tháo hết ghế để chở hàng) vẫn cứ chạy với tốc độ chóng mặt, bất chấp đường từ cửa khẩu về vừa dốc vừa quanh co. Đứng ở lối rẽ vào cửa khẩu Cốc Nam (huyện Văn Lãng) chừng 15 phút, chúng tôi đếm có gần 30 xe máy, hơn chục chiếc “con cóc” chở hàng từ hướng cửa khẩu Tân Thanh về TP Lạng Sơn.

Theo báo cáo của Cục Hải quan Lạng Sơn tính đến hết tháng 11-2008, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 1,479 tỉ USD (tăng 59,3% so với cùng kỳ 2007). Trong đó, kim ngạch nhập khẩu đạt 1,123 tỉ USD (tăng 67,1% so với cùng kỳ năm 2007).

Theo phó cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn, do khủng hoảng kinh tế, dự báo thời gian tới sẽ còn rất nhiều mặt hàng chất lượng cao của TQ ồ ạt đổ bộ vào VN, bởi chi phí đưa sang VN thấp hơn rất nhiều khi đưa sang Mỹ, EU, mà các nhà sản xuất TQ thì không thể đóng cửa nhà máy.

Phó chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Tân Thanh, nói những ngày cuối tháng 11, đầu tháng 12, lượng xe sang TQ lấy hàng mỗi ngày đã tăng từ 250 xe lên 350-400 xe. Dự kiến những ngày gần tết, lượng xe này sẽ tăng lên con số 500 xe/ngày. Cửa khẩu Tân Thanh chủ yếu chỉ xuất - nhập các mặt hàng nông sản (xuất thanh long, xoài, nhãn, vải, mít và nhập táo, lê, đào, cà rốt, khoai tây, hành tỏi, rau xanh...). Tính từ 1-1 đến hết 30-11, Hải quan cửa khẩu Tân Thanh đã làm thủ tục cho nhập gần 370.000 tấn hàng (bình quân hơn 1.000 tấn/ngày). đó là chưa kể đến lượng hàng khổng lồ mà cư dân biên giới được phép mang về mỗi ngày (theo quy định, mỗi cư dân biên giới được mua 2 triệu đồng tiền hàng mỗi ngày mà không phải chịu thuế).

Ngay tại các chợ ở quanh khu vực cửa khẩu Tân Thanh, hàng hóa sau khi vào đất Việt được bày la liệt trên giá, trên quầy và tràn cả xuống lòng hè đường. Tại chợ Đông Kinh, Kỳ Lừa cũng chẳng thua kém. Ở các chợ này, các mặt hàng từ chiếc kim nhỏ xíu, cuộn chỉ, giày dép trẻ em, quần áo, điện thoại, đồ nhựa, thuốc men đến các mặt hàng điện tử, điện máy... tất cả đều có xuất xứ từ TQ. Khách muốn mua bất kể thứ gì cũng có, song hầu hết là hàng TQ.

Giá cả các mặt hàng TQ thường thấp hơn rất nhiều so với mặt hàng cùng loại sản xuất trong nước. Chẳng hạn một chiếc quần jean nam nếu mua đúng giá không vượt quá 80.000 đồng/chiếc, áo rét loại 2-3 lớp vừa đẹp vừa ấm, đủ màu sắc từng giới, từng tuổi chỉ có giá không quá 150.000 đồng/chiếc, dù người bán “hét” giá 400.000-500.000 đồng. Thậm chí tivi LCD “hàng trung ương (TQ) sản xuất” loại 29-32 inch cũng chỉ dao động 4,5-5 triệu đồng/chiếc...

Tại cửa khẩu Cốc Nam, Phó chi cục trưởng hải quan - cho biết dịp cuối năm, hàng qua Cốc Nam tăng ít nhất 50% so với ngày bình thường. Tuy nhiên đây chỉ là hàng qua khai báo, làm thủ tục đàng hoàng. Cửa khẩu này nằm sát hang Dơi, thác ném và còn biết bao lối mòn dẫn sang TQ mà ngay sát cột mốc biên giới phía bên kia là chợ Pò Chài và các kho chứa hàng. Từ cột mốc này, hàng chỉ mất 3-4 phút người dân vác thì đã đến quốc lộ. Chính vì thế, chỉ cần lực lượng chức năng “sơ sẩy” 5 phút thì đã có một vác hàng là vải vóc, quần áo, giày dép được mang lậu qua biên giới để chất lên xe chờ sẵn bên đường chạy vù về Lạng Sơn.

Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Cốc Nam, cho biết: “Do chính sách mua bán trao đổi hàng hóa đối với cư dân biên giới, mỗi người có thể mua hàng (trị giá 2 triệu đồng) mà không phải chịu thuế, nên có những thời điểm tại cửa khẩu Cốc Nam và cả Tân Thanh có đến 1.500 người dân qua lại vác hàng thuê cho dân buôn”.

 

Nguồn: Internet