Năm 2010, Việt Nam đã chi tới 10 tỉ USD để nhập khẩu hàng xa xỉ. Đây là con số thực sự gây sốc khi mà năm nay Việt Nam nhập siêu tới trên 12 tỷ USD, và lạm phát đang ở mức hai con số.
Điều đáng nói là để hạn chế nhập siêu và kiềm chế lạm phát, Việt Nam vốn có chủ trương thắt chặt chính sách tiền tệ, hạn chế cho vay tiêu dùng và cho vay nhập khẩu hàng xa xỉ. Thậm chí, Chính phủ còn có hẳn chính sách kiểm soát, hạn chế nhập khẩu các mặt hàng xa xỉ như ôtô, điện thoại di động, rượu bia, mỹ phẩm, đồ trang sức, đá quý… Thế nhưng, dù áp dụng nhiều biện pháp kinh tế, hành chính, kinh tế Việt Nam vẫn phải oằn mình gánh số tiền gần 10 tỉ USD để nhập khẩu hàng xa xỉ, hàng cần kiểm soát và hạn chế nhập khẩu.
Trên thực tế, ôtô và xe máy trong năm 2010 đã bị đưa vào diện “kiểm soát đặc biệt”. Nhờ chính sách này mà năm 2010, Việt Nam chỉ nhập khoảng 50.000 xe ôtô - tương ứng gần 1 tỉ USD. Đây là con số giảm khoảng 30.000 xe so với năm 2009. Tương tự, xe máy nhập về trong năm này là khoảng 90.000 xe - tương ứng khoảng 110 triệu USD và giảm 10% về lượng so với 2009.
Với kết quả này có thể suy ra là: Gần 9 tỉ USD cho hàng xa xỉ còn lại đã rơi vào nhóm tiêu dùng xa xỉ và cần kiểm soát hạn chế nhập khẩu là điện thoại di động, mỹ phẩm, rượu bia, thuốc lá, trang sức, đá quý… Đến đây sẽ thấy, với một nước đang phát triển như Việt Nam, con số vài tỉ USD chỉ để đáp ứng thú tiêu dùng cho một bộ phận người tiêu dùng thì quả là đáng báo động về tâm lý sính ngoại và tiêu dùng xa xỉ. Hơn nữa, thị hiếu tiêu dùng này đã khiến Việt Nam hụt đi một nguồn lực tài chính không nhỏ, thay vì đầu tư cho sản xuất nhưng lại chệch hướng sang tiêu dùng xa xỉ.
Chưa hết, tháng 10.2010 Bộ Công Thương đã phải phát đi một thông điệp có tính chất báo động khác. Cụ thể là trong khi Việt Nam đã có hẳn “danh mục” những mặt hàng kiểm soát nhập khẩu, thế nhưng chính nhóm hàng này lại tăng tới 38,5% so với cùng kỳ, đạt gần 7,6 tỷ USD, trong đó đá quý và kim loại quý tăng tới 244%. Tương tự nhóm hàng cần hạn chế nhập khẩu cũng tăng mạnh 19%, trong đó nhóm hàng tiêu dùng tăng 22,4%. Song oái oăm thay, nhóm hàng cần nhập khẩu chỉ tăng có… 18%.
Rõ ràng với một nền kinh tế sản xuất, đòi hỏi nhiều nguồn lực máy móc, thiết bị, tài chính để phát triển nhưng lại đã xảy ra xu hướng “ngược đời” là cái cần thì nhập khẩu ít, cái không cần lại nhập nhiều. Bên cạnh đó, phải chăng trong khi Việt Nam đang là “nền kinh tế sản xuất” - nhưng lại đang song hành với “xã hội tiêu dùng”? Vẫn biết xa xỉ chưa hẳn là sự lãng phí, nhưng nó lại ít nhiều là sự không cần thiết và chưa phù hợp. Những câu hỏi lớn này sẽ chắc chắn vẫn nóng trong năm 2011.

Nguồn: Tin nhanh hàng ngày