Nhập khẩu dầu ăn ở Ấn Độ, quốc gia nhập khẩu dầu cọ lớn nhất thế giới, tháng 3 ước tính tăng tháng thứ 4 liên tiếp do nhu cầu nội địa tăng cao và giá thế giới sụt giảm.

Các đơn hàng mua dầu thực vật, bao gồm các loại dầu dùng cho các ngành công nghiệp đã tăng 17% từ mức 727.706 tấn cách đây 1 năm lên mức 850.000 tấn trong tháng trước, theo bình quân ước tính của 5 nhà sản xuất và công ty môi giới thương mại tổng hợp bởi Bloomberg. Nhập khẩu dầu cọ đã tăng mạnh từ 465.484 tấn lên 700.000 tấn, tương đương mức tăng trưởng 50%, theo kết quả khảo sát.

Việc tăng nhập khẩu vào Ấn Độ có thể giúp giảm tồn trữ dầu ở Indonesia và Malaysia, những nhà sản xuất lớn nhất, đồng thời ngăn chặn mức giảm giá 34% tại thị trường Kuala Lumpur trong năm qua. Các hợp đồng giao sau đã giảm liên tục trong 4 quý liền, đợt giảm dài nhất kể từ năm 1999 do mối lo ngại nhu cầu của mặt hàng này tại châu Âu sẽ sụt giảm do khủng hoảng nợ công, từ đó gây quá tải lượng hàng tồn kho.

Đề cập qua điện thoại, Govindlal G. Patel, quản lý của GG Patel & Nikhil Research Co. cho biết, “Mức tiêu thụ đang tăng, trong khi sản xuất nội địa không đủ đáp ứng nhu cầu này”. Sự tăng nguồn cung dầu cải có khả năng sẽ kiềm chế lượng hàng nhập khẩu trong tháng này, ông cho biết.

Nhu cầu nội địa hàng tháng của Ấn Độ đạt khoảng 1.45 triệu tấn, con số này tăng 5% mỗi năm, theo Sandeep Bajoria, giám đốc điều hành của công ty môi giới thương mại Sunvin Group tại Mumbai. Vijay Data, chủ tịch hiệp hội nhà khai thác đã phát biểu trong ngày 04/02 nhập khẩu  các loại dầu có thể sẽ tăng kỷ lục lên mức 11.5 triệu tấn cả năm kể từ ngày 01/11.

 
Indonesia, Malaysia

Ấn Độ, quốc gia ở khu vực Nam Á, nhà tiêu thụ dầu ăn lớn thứ 2 thế giới sau Trung Quốc, đáp ứng hơn một nửa nhu cầu sử dụng mặt hàng này thông qua nhập khẩu. Nước này mua dầu cọ từ Indonesia, Malaysia và dầu đậu nành từ Mỹ, Brazil và Argentina.

“Giá dầu tinh luyện nội địa cao hơn dầu nhập khẩu do giá đậu nành đã tăng mạnh trong vòng vài tháng qua, đồng thời nông dân cũng bắt đầu kết thúc mùa vụ”, theo giám đốc điều hành của Sethia Oils, Ashok Sethia cho biết qua điện thoại từ Kolkata.

Dầu cọ giao trong tháng 6 đã giảm 1% xuống 2.371 ringgit (tương đương $783) mỗi tấn theo công bố ngày hôm qua của Malaysia Derivatives Exchange. Lượng hàng dự trữ ở Malaysia giảm 11% xuống 2,17 triệu tấn vào tháng 3 so với một tháng trước đó. Đây là mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 01/2011, theo Hội đồng Dầu cọ Quốc gia.

Nhập khẩu dầu ăn tăng mạnh 22% lên mức 3,74 triệu tấn trong vòng 4 tháng kể từ tháng 2, theo hiệp hội nhà khai thác nhận định. Các kho lưu trữ, bao gồm kho cảng và các nguồn hàng vận chuyển liên tục, sẽ có khả năng sụt giảm còn 1,6 triệu tấn vào đầu tháng so với mức kỷ lục 1,96 triệu tấn vào tháng 3, theo Bajoria.

“Lượng nhập khẩu sẽ chậm lại khi lượng hàng tồn kho quá nhiều đồng thời các nhà nhập khẩu sẽ không vội vàng thay thế nhà cung cấp của họ”, Pradip Desai, giám đốc điều hành của công ty môi giới thương mại Palmtrade Services Pvt. có trụ sở tại Mumbai cho biết.

Theo kết quả khảo sát, nhập khẩu dầu đậu nành thô giảm 40% từ mức 100.615 tấn cách đây 1 năm xuống còn 60.000 tấn trong tháng 3 năm nay, trong khi các đơn hàng mua dầu hướng dương có thể sẽ giảm từ 104.150 tấn xuống còn 80.000 tấn.

Bloomberg


Nguồn: Vinanet