Câu chuyện Việt Nam phải nhập khẩu tăm, muối..., làm nhà sản xuất trong nước cảm thấy xót xa. Kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng xa xỉ: xe siêu sang, điện thoại iPhone... không giảm, làm những nhà quản lý chạnh lòng.
Thế nhưng, hai chuyện nhập khẩu kia, phần là do chút lợi nhỏ, ngắn hạn, phần là sự bất lực của một nền công nghệ chưa phát triển, nên các nhà nhập khẩu trong nước không dễ bỏ qua mối lợi làm thương mại đó.
Nhưng với chuyện nhà đầu tư nước ngoài đã bỏ ra hàng chục, trăm triệu USD đầu tư nhà máy sản xuất tại Việt Nam, nay lại đứng ra nhập khẩu chính mặt hàng mà mình sản xuất được để làm thương mại, thật là điều đáng phải suy nghĩ.
Đại diện của hãng Coca-Cola giải thích lý do: mặc dù đã có tới ba nhà máy sản xuất trong nước, tổng công suất 608 triệu lít/năm, nhưng từ đầu năm đến nay vẫn nhập khẩu hàng trăm ngàn thùng Coca - Cola về Việt Nam với mục đích kinh doanh là do sản phẩm Coca - Cola tiêu thụ ở thị trường Việt Nam... nhanh hơn nhiều so với kế hoạch ban đầu, nên không thể cung ứng đủ sản lượng.
Xem ra, câu chuyện của Coca - Cola cũng gần giống như trường hợp Bộ Công Thương quyết định cho Công ty TNHH Nhà máy bia Việt Nam, đơn vị đang sản xuất thương hiệu bia Heineken tại Việt Nam được nhập khẩu tới 650.000 thùng bia Heineken loại 24 lon/thùng (dung tích 330ml) cách đây mới hơn một tháng.
Mục đích nhập khẩu được đưa ra với lý do: sử dụng vào việc tiếp thị, nghiên cứu thị trường (không phải kinh doanh). Tuy nhiên, với số lượng được nhập khẩu là 650 ngàn thùng, xem ra con số này không đơn giản chỉ dùng để tiếp thị, nghiên cứu thị trường.
Vậy nếu cứ cho rằng sản lượng sản xuất tại Việt Nam của Coca - Cola và Công ty TNHH nhà máy bia Việt Nam vẫn đủ đáp ứng nhu cầu thị trường, thì tại sao hai nhà sản xuất có tên tuổi này lại nhập khẩu chính mặt hàng mà mình có sẵn? Câu trả lời là lợi nhuận.
Theo thống kê của Hải quan TP.HCM, từ đầu năm đến cuối tháng 9/2010, lượng Coca - Cola nhập khẩu qua các cảng ở TP.HCM đã lên đến 236.640 thùng các loại, kim ngạch gần 894 ngàn USD. Riêng Công ty TNHH Nước giải khát Việt Nam (chủ thương hiệu Coca - Cola tại thị trường Việt Nam) nhập ba lô với giá trị hơn 200 ngàn USD.
Tuy vẫn được bỏ sỉ với giá tương đương giá hàng trong nước, nhưng lợi nhuận từ hàng nhập khẩu này khá lớn. Hiện giá Coca - Cola nhập khẩu loại chai 1,5 lít khoảng 55.000 đồng/thùng 12 chai. Với mức thuế nhập khẩu đối với nước giải khát có gas hiện nay là 34%, thuế VAT 10%, giá Coca - Cola nhập khẩu chỉ khoảng 79.200 đồng/thùng, tức là chỉ bằng một nửa so với giá bán lẻ trên thị trường.
Trở lại lô hàng nhập khẩu 650 ngàn thùng bia Heineken, giá trị cộng lại tính trên giá bán hiện tại của thị trường của lô hàng này lên tới 165 tỷ đồng. Cũng giống như Coca - Cola, thuế giảm chính là một trong những nguyên nhân khiến bia ngoại nhập tăng vọt.
Hiện nay, bia nhập khẩu kinh doanh đang chịu ba loại thuế: Thuế nhập khẩu (47%), Thuế tiêu thụ đặc biệt (45%), Thuế VAT (10%). Trong đó, thuế tiêu thụ đặc biệt vừa được giảm mạnh. Năm ngoái, mức thuế này là 75%. Đến năm 2012, thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng này chỉ còn 30%.
Với lượng bia mà Công ty TNHH Nhà máy bia Việt Nam nhập khẩu lớn như vậy, tỷ lệ tiêu thụ cao và nhanh được nhà sản xuất kiêm nhập khẩu đã tính toán gần như là chắc chắn. Bởi vì, riêng ở phân khúc bia cao cấp, nhất là với bia Heineken, khách hàng sử dụng loại bia này luôn chuộng bia được nhập khẩu hơn bia sản xuất tại Việt Nam.
Không chỉ Coca - Cola, nhà sản xuất bia Heineken, một thương hiệu trong ngành nước giải khát khác là nước tăng lực Redbull, vốn đã được Công ty TNHH Redbull Việt Nam sản xuất tại Việt Nam, cũng đã xuất hiện hàng nhập khẩu từ Thái Lan.
Không thể trách các doanh nghiệp tìm kiếm lợi nhuận một cách hợp pháp, mà vấn đề ở đây là các quy định, quản lý của Việt Nam bất nhất. Cũng đồng thời cho thấy môi trường đầu tư, sản xuất tại Việt Nam so với các nước láng giềng đã không còn hấp dẫn hơn.
Điều này sẽ trở thành một tiền lệ không tốt cho những doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam đặt nặng mục tiêu kiếm tìm lợi nhuận từ thương mại chứ không phải từ sản xuất.
Sau sự kiện của Sony đóng cửa nhà máy sản xuất tại Việt Nam vào năm 2008 và thành lập công ty 100% vốn đầu tư của Sony nhằm nhập khẩu các sản phẩm nguyên chiếc từ nước ngoài về bán tại thị trường Việt Nam, biết đâu, hiện tượng mới của các thương hiệu giải khát nước ngoài sẽ là xu hướng tiếp nối.
 
 

Nguồn: Tin nhanh hàng ngày