Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM cho biết, ngành điện đang gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp của ngành chế biến gỗ. Tình trạng cắt điện mà không thông báo trước của ngành điện đang làm các doanh nghiệp khốn đốn. Việc cắt điện bất ngờ trong ca làm việc khiến hiệu quả sản xuất của doanh nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Ngành thuỷ sản, da giày hay ngành sản xuất thép cũng gặp khó khăn tương tự. Theo Hiệp hội Thuỷ sản Việt Nam, điện bị cắt liên miên đã làm giảm công suất khai thác của dây chuyền chế biến thuỷ sản (chỉ hoạt động được khoảng 50% công suất).

Tại hội nghị, còn nhiều rào cản khác đang làm doanh nghiệp khó khăn hơn trong việc đạt mục tiêu xuất khẩu của năm 2008 được kế ra như việc khó tiếp cận nguồn vốn từ các ngân hàng khiến doanh nghiệp Da giày bị thiếu vốn sản xuất; tình trạng quá tải tại các cảng biển, đẩy chi phí hàng xuất khẩu tăng lên, ảnh hưởng tới khả năng cạnh tranh của sản phẩm, cũng như thời gian giao hàng cho đối tác; việc thiếu hụt nguồn nguyên liệu cũng là một thực tế khiến hầu hết các doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu khốn đốn...

Theo Thứ trưởng Bùi Xuân Khu, nhiệm vụ xuất khẩu trong 6 tháng cuối năm là rất nặng nề. Theo thống kê, 6 tháng đầu năm, cả nước đạt kim ngạch xuất khẩu 30,6 tỷ USD, trong khi nhiệm vụ xuất khẩu của cả năm là 61,2 tỷ USD. Dầu khí, dệt may, da giày, thuỷ sản, đồ gỗ, cà phê, ca cao... là các ngành gánh trọng trách rất lớn với nhiệm vụ trên. Vì vạy ngoài những biện pháp đẩy xúc tiến thương mại, cải cách thủ tục hành chính...., các cơ quan chức năng cần nghiên cứu các đề xuất của doanh nghiệp về vốn, chất lượng nguồn lao động, nguồn nguyên liệu, để giúp các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu trong 6 tháng cuối năm. Bộ Công Thương kiến nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu lại quy định khống chế mức tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng thương mại dưới 30%. Nếu phải hạn chế thì nên hạn chế cho vay với lĩnh vực bất động sản, chứng khoán. Ngoài ra, việc giảm lãi suất cho vay cần thiết nhằm giúp doanh nghiệp giảm được chi phí.

Lãnh đạo Bộ Công thương cho biết,  thời gian tới, Bộ sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan thành lập tổ công tác thường trực để theo dõi và chỉ đạo xuất khẩu. Cứ 10 ngày, tổ này lại họp một lần, nhằm tập hợp các khó khăn của doanh nghiệp xuất khẩu và kiến nghị với các cơ quan chức năng để giải quyết kịp thời, nhằm thúc đẩy xuất khẩu trong thời gian còn lại của năm.

Nguồn: Vinanet