Các doanh nghiệp xuất khẩu thực phẩm đi Mỹ đang ráo riết chuẩn bị để đáp ứng các quy định sắp có hiệu lực của Luật hiện đại hóa an toàn thực phẩm (FDA Food Safety Modernization Act – FSMA).
Theo một quy định có hiệu lực từ ngày 1-1-2013, thuộc Luật hiện đại hóa an toàn thực phẩm (FDA Food Safety Modernization Act – FSMA), các cơ sở sản xuất nội địa và nước ngoài chuyên sản xuất, chế biến, đóng gói hoặc lưu trữ thực phẩm cho người, động vật phải đăng ký lại với Cơ quan quản lý an toàn thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA).
Các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản đi Mỹ cho biết, việc đăng ký lại tên cơ sở sản xuất với FDA không gặp khó khăn gì vì đây là một thủ tục hành chính mà doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản phải làm theo đúng quy định.
Bên cạnh đó, đối với những cơ sở tại Mỹ, khi đăng ký, FDA đòi hỏi phải cung cấp địa chỉ email của người liên lạc đại diện cho cơ sở này, còn các cơ sở không đặt tại Mỹ thì phải cung cấp địa chỉ email của một đại diện tại Mỹ (US agent).
Theo quy định mới của Mỹ, FDA sẽ tăng cường thanh tra cơ sở các công ty xuất khẩu thực phẩm sang Mỹ. Theo thông tin do ông David Lennarz, từng là chuyên gia kỹ thuật FDA, hiện là Phó chủ tịch của Công ty Registrar Corp. (Mỹ) cung cấp trước đó, FDA dự kiến thực hiện 1.200 cuộc thanh tra ở cơ sở nước ngoài trong năm 2012, và tăng gấp đôi số lần kiểm tra qua mỗi năm. Trong năm 2011, Mỹ đã thực hiện khoảng 600 chuyến thanh tra.
Doanh nghiệp sẽ có khả năng nằm trong danh sách các cơ sở sản xuất bị kiểm tra nhiều nhất, nếu có hàng hóa từng bị giữ tại cảng, hoặc sản xuất xuất khẩu sản phẩm có nguy cơ cao cho sức khỏe, như hải sản, hàng đông lạnh (thay vì sản xuất thực phẩm khô, như mì gói). Luật FSMA được Tổng thống Mỹ Obama ký vào ngày 4-1-2011. Đến năm 2016, các quy định của luật này mới được ban hành đầy đủ, nhưng hiện từng phần trong luật sửa đổi này đã được ban hành dần và có hiệu lực ngay.
Quy định mới dựa trên bốn nguyên tắc, là: 1. phòng ngừa, 2. kiểm tra, tuân thủ, và phản hồi, 3. an toàn nhập khẩu và 4. tăng cường quan hệ đối tác (công nhận kết quả kiểm tra của các cơ quan khác, bao gồm của chính phủ nước ngoài). Với mỗi nguyên tắc này, Mỹ sẽ ban hành dần các quy định sửa đổi liên quan đến an toàn thực phẩm, trong đó có một số quy định sẽ có hiệu lực trong năm nay và năm 2013.
Trước đây, chỉ cần có số đăng ký và mã số PIN này, doanh nghiệp có thể xuất khẩu thực phẩm qua Mỹ.
Tuy nhiên, với quy định mới, sau khi có các số này, nếu FDA có đợt thanh tra tại Việt Nam, họ sẽ liên hệ đến cơ sở để kiểm tra xem các quy trình sản xuất của công ty có phù hợp với quy chuẩn an toàn vệ sinh của Mỹ hay không. Quy định về thanh tra này giống như quy định bấy lâu của châu Âu.
Theo đại diện của Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cách đây khoảng 1 tháng, một đoàn thanh tra của FDA cũng đã tổ chức thanh tra cơ sở sản xuất một số mặt hàng nông sản của Việt Nam. Vị này cũng cho hay, hoạt động xuất khẩu một số loại trái cây tươi (thanh long và chôm chôm) xử lý để nhập khẩu vào Mỹ đang tiến triển tốt, bình quân mỗi tuần các doanh nghiệp xuất khoảng 50 tấn thanh long bằng đường biển. Lượng chôm chôm xuất khẩu ít hơn do chưa vào cao điểm.
Nếu sản phẩm nhập khẩu bị phát hiện có vấn đề, lập tức phía Mỹ sẽ tăng tần suất kiểm tra, lấy mẫu lên 100% và duy trì tần suất này một thời gian. Nhưng kiểm tra liên tục không phát hiện thì sẽ giảm tần suất xuống.
Nguồn: TBKTSG