Trả lời vấn đề này, Bộ NN&PTNT cho biết, để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu hàng nông lâm thuỷ sản nói chung, các doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản nói riêng, thời gian qua Bộ đã có những đề xuất với Chính phủ và các  Bộ, ngành liên quan một số cơ chế, chính sách liên quan đến tài chính, thuế, vốn….

Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, việc liên kết với các doanh nghiệp chế biến thuỷ sản là rất cần thiết nhằm đảm bảo ổn định đầu ra tiêu thụ sản phẩm khai thác. Muốn vậy phải thực hiện tốt liên kết giữa cá tàu khai thác thành tổ, đội khai thác để tập trung được khối lượng lớn sản phẩm khai thác tạo ra ưu thế có cung cấp nguồn nguyên liệu ổn định cho doanh nghiệp chế biến, và có ưu thế trong thương thảo hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp chế biến, giảm chi phí tiêu thụ sản phẩm, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của đội tàu. Để làm tốt việc liên kết với các doanh nghiệp chế biến và giữa các đội khai thác với nhau, các tàu cần thống nhất đảm bảo việc phân loại và bảo quản sản phẩm, không sử dụng chất bảo quản bị cấm.

Về việc miễn giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu thuỷ sản, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Bộ NN-PTNT và Bộ Công thương giải quyết. Bộ NN-PTNT đã có Công văn số 599/BNN-CB ngày 16/3/2009 gửi Bộ Tài chính, đồng ý giảm thuế nhập khẩu xuống 0% đối với các loại nguyên liệu thuỷ sản mà trong nước không có hoặc có sản lượng nhỏ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu chế biến xuất khẩu, tạo thêm việc làm, giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh, nhưng không làm ảnh hưởng  đến nuôi trồng và khai thác thuỷ sản trong nước. Nhiều ngư dân kiến nghị Nhà nước tăng cường thúc đẩy khuyến ngư. Bộ NN&PTNT cho biết, Bộ đã chỉ đạo trung tâm KNKNQG dành 30% kinh phí khuyến ngư cho khai thác thuỷ sản, kinh phí khuyến ngư năm 2009 tăng 12% so với 2008.

Để hỗ trợ đầu ra của sản phẩm cho các doanh nghiệp, Bộ đã có chỉ đạo tăng cường công tác xúc tiến thương mại; xúc tiến nhiều đề án để giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm, hướng dẫn các doanh nghiệp vay vốn từ nguồn vốn hỗ trợ lãi suất do Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Quyết định 131/QĐ-TTg ngày 23/1/2009 của Thủ tướng Chính phủ.

Việc giá nông sản xuống thấp cùng với nạn ép giá, Bộ NN&PTNT nêu rõ, Bộ đã chỉ đạ tiến hành tổng kết kiểm tra việc thực hiện Quyết định 80/2009/QĐ-TTg ngày 24/6/2002 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hoá thông qua hợp đồng để tránh tình trạng trên. Bên cạnh đó, đã phát triển hệ thống thông tin để người dân tiếp cận tốt hơn với thị trường; tạo điều kiện để người dân tham gia sàn giao dịch hàng hoá nhằm chủ động hơn trong thương mại.Hướng dẫn sản xuất theo hướng bền vững để giảm chi phí, tăng năng suất, và nâng cao tính cạnh tranh.

Đối với cà phê và nhiều loại nông sản khác, sẽ tăng cường theo dõi, quản lý tình hình sản xuất, thị trường để có quy định về giá sàn thu mua cà phê phù hợp mỗi đầu vụ; đồng thời có chính sách hỗ trợ, giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp khi giá xuất khẩu cà phê xuống thấp.

Như hiện nay, nhà nước đang hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp để tạm ứng cho người dân thu mua, ký gửi cà phê… Đồng thời, đã có kế hoạch ổn định phát triển diện tích cà phê là 500.000 ha. Với những rủi ro của người nuôi tôm, cá ba sa…. những mặt hàng xuất khẩu lớn, bị thiệt hại do dịch bệnh, mất trắng và có nguy cơ không còn vốn sản xuất, Bộ cho biết đang chỉ đạo các cơ quan tham mưu khẩn trương soạn thảo chính ách hỗ trợ rủi ro trong nuôi trồng thuỷ sản để ban hành ngay trong năm 2009. Trong lúc chưa ban hành được chính sách Bộ đề nghị các địa phương căn cứ vào từng điều kiện cụ thể để có sự hỗ trợ kịp thời cho người nuôi.

Nguồn: Thời báo kinh tế Việt nam