Năm 2008, cả nước nhập khẩu gần 400 ngàn tấn hoa quả, với kim ngạch tới 107,5 triệu USD. Trong khi đó, Việt Nam chỉ xuất khẩu được 277 ngàn tấn. Bình quân lượng nhập khẩu hoa quả vào Việt Nam khoảng 320 ngàn tấn/năm. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, 9 tháng năm 2009, kim ngạch nhập khẩu các loại trái cây đạt 191,95 triệu USD. Tuy nhiên, hoa quả nhập theo đường tiểu ngạch không ai thống kê được. Các loại trái cây mà nước ta đang nhập nhiều là táo, lê, quýt và đào của Trung Quốc; sầu riêng, xoài, măng cụt và vú sữa của Thái Lan; nho, táo của Mỹ và New Zealand.

Việt Nam có nhiều loại rau, trái, củ ngon cho cả thế giới, không phải chỉ ngon theo khẩu vị dân bản xứ. Đơn cử như một người Nhật ăn những trái cây ngon ở miền Tây nói, hương vị đáng nhớ so với trái cây Thái nhưng không phải người nước ngoài nào cũng có điều kiện so sánh. Giá sầu riêng Thái 1 USD/kg trong khi sầu riêng Chín Hoá đầu mùa gần 3 USD/kg rất khó cạnh tranh và khi khách hành cần mua số lượng lớn thì thị trường không đủ hàng.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hoa quả Việt Nam bị thua ngay trên trên nhà như chất lượng thấp, kỹ thuật chế biến thủ công… Đối với những trái cây nhập ngoại, mặc dù phải qua quá trình vận chuyển dài, nhưng do được bảo quan trong các xe, kho lạnh nên vẫn giữ được sự tươi mới, đồng thời về mặt hình thức, hầu hết trái cây ngoại hiện nay đều được đóng thành hộp, trông khá bắt mắt. Bên ngoài hộp có chụp hình loại trái cây, ghi rõ nguồn gốc xuất xứ, ngày xuất đi, thời hạn sử dụng… Trong khi đó, trái cây Việt Nam thường bán xô, để trong các sọt tre lớn, không gây được thiện cảm với người mua.

Mặc dù hiện nay, trái cây Việt Nam đã có mặt ở hơn 50 quốc gia, vùng lãnh thổ nhưng lượng trái cây Việt Nam còn rất hạn chế. Năm 2008, mới chỉ đạt kim ngạch khoảng 350 triệu USD và dự kiến năm 2009 cũng chỉ đạt khoảng 400 triệu USD.

Từ ngày 1/7 trở lại đây, thực hiện chính sách kiểm soát nguồn gốc trái cây lẫn nhau giữa 2 nước, mặc dù phía Trung Quốc chưa làm chặt, song hầu như các doanh nghiệp mua gom, xuất khẩu trái cây trong nước lại tỏ ra khá e dè, cầm chừng hoạt động, do việc triển khai chứng nhận nguồn gốc khó khăn….Bởi vậy, sản lượng trái cây xuất sang thị trường Trung Quốc đã và đang giảm sút đáng kể. Nếu như năm 2008, kim ngạch xuất khẩu trái cây của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc đạt 48,94 triệu USD, thì 9 tháng đầu năm 2009, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này sang thị trường Trung Quốc đạt 37 triệu USD.

Với nhiều thuận lợi về khí hậu nhiệt đới, Việt Nam có rất nhiều loại trái cây đa dạng, có chất lượng tốt phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Các vùng có thế mạnh trồng trái cây xuất khẩu chủ yếu tập trung tại khu vực phía Nam. Các loại trái cây xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam hiện nay là dứa đóng hộp, bưởi, xoài, thanh long… Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm thị trường xuất khẩu trái cây Việt Nam bị thu hẹp, trong đó có koảng 10 thị trường lớn, như Thuỵ Sỹ Thuỵ Điển, Hungary, Ấn Độ, UAE, Braxin… không có đơn đặt hàng xuất khẩu. Hiện các doanh nghiệp đang rất khó khăn trong việc tìm kiếm thị trường, đơn hàng.

9 tháng đầu năm 2009, Hà Lan đứng đầu về kim ngạch nhập khẩu trái cây của Việt Nam với 86,14 triệu USD, tăng hơn 7 lần (tức tăng 748,5%) so với cùng kỳ năm ngoái, đứng thứ hai là thị trường Trung Quốc với 37 triệu USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ….

Thị trường xuất khẩu trái cây của Việt Nam đạt kim ngạch trên 10 triệu USD trong 9 tháng năm 2009

Thị trường

Tháng 9

9 tháng

Hà Lan

8.720.518

86.145.411

Trung Quốc

6.996.631

37.098.374

Nga

3.135.543

27.056.300

Nhật Bản

2.649.613

23.152.402

Đài Loan

2.052.353

14.964.766

Hoa Kỳ

2.695.714

13.924.223

Theo bộ NN-PTNT đưa ra mục tiêu, đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu trái cây của cả nước đạt khoảng 760 triệu USD và đến năm 2020 là 1,2 tỷ USD. Trong đó, năm 2010 diện tích trồng cây ăn trái là 1 triệu ha, sản lượng khoảng 10 triệu tấn.  Để đạt được mục tiêu đề ra, chúng ta cần giải quyết dứt điểm tình trạng buông lỏng quy hoạch, tránh để xảy ra tình trạng “xé” quy hoạch, nông dân đổ xô trồng những cây ăn quả theo phong trào. Việc đầu tiên là nhà nước phải quy hoạch lại các vùng trồng cân ăn quả, theo hướng tập trung, có quy mô lớn, bảo đảm các tiêu chuẩn sạch để làm ra lượng sản phẩm dồi dào, đủ sức đáp ứng cho các cơ sở chế biến xuất khẩu nhưng phải đảm bảo tính chất “liên kết vùng”. Từ đó, mỗi vùng, mỗi tỉnh chỉ được phép chọn trồng một hoặc hai cây chủ lực là đặc sản của vùng miền, có lợi thế cạnh tranh cao để tránh tình trạng nông dân các tỉnh đổ xô vào trồng cùng một loại cây khi có giá cao, sau đó sản lượng dư thừa, giá rớt lại đua nhau đốn hạ như nhiều năm qua.

Để vực dậy thị trường trái cây theo hướng xuất khẩu, theo Chủ tịch Hội Rau quả Việt Nam, phải có chính sách  và các giải pháp về giống, liên tục lai tạo ra các giống mới có năng suất và chất lượng cao, đầu tư đồng bộ về công nghệ bảo quan sau thu hoạch. Đặc biệt, phải xây dựng được những vựa trái cây theo tiêu chuẩn sạch, giá thành hạ… Đây là những yêu cầu quan trọng để đưa trái cây Việt Nam xuất ngoại, vì trong tương lai, hầu như các nước đều thắt chặt việc kiểm soát chất lượng, an toàn vệ sinh và dư lượng trong trái cây nhập khẩu.

Nguồn: Vinanet