Chỉ trong vòng khoảng hơn hai tháng gần đây, mọi hoạt động nhập khẩu thực phẩm đông lạnh bị siết chặt bằng nhiều rào cản kỹ thuật do các bộ ngành đặt ra. Trong lúc đó, thị trường đang thiếu hụt nguồn cung, giá cao và người tiêu dùng, nhất là đối tượng thu nhập thấp phải gánh chịu.

Trước đây, thịt gà nhập về cảng, doanh nghiệp mất thời gian tối đa ba ngày làm thủ tục thông quan, thì từ ngày 12.7.2010 phải kéo dài thêm một, thậm chí hai, ba tuần vì những rắ́c rối khi thực hiện quy định giấy phép nhập khẩu tự động của bộ Công thương. Đến đầu tháng 9, hoạt động nhập khẩu thịt còn bị siết chặt hơn khi phải có giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm của nước xuất khẩu theo quy định của bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn. Hậu quả là hàng ngàn tấn thịt kẹt cảng, doanh nghiệp phải trả thêm chi phí, thậm chí không dám nhập thịt về…

Những hàng rào kiểm soát thực phẩm nhập khẩu dựng lên trong thời gian gần đây, ngoài mục đích giám sát chất lượng, còn nhằm hạn chế nhập khẩu, góp phần giảm nhập siêu, bảo vệ sản xuất trong nước.

Trong nước giá thành cao

Ngành chăn nuôi nội địa, theo thống kê của cục Chăn nuôi, mỗi năm tạo ra khoảng 26 – 28 triệu con heo (70 – 100kg/con), 240 – 260 triệu con gia cầm. Về cơ bản, số thực phẩm này đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa, nhưng trước mắt thiếu hụt do vừa trải qua dịch bệnh. Ngoài ra, việc phụ thuộc tới 70% nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập ngoại, nên sản phẩm chăn nuôi nội địa không thể nào cạnh tranh với hàng ngoại nhập. Sự yếu kém ở đây, thể hiện ở giá thành chăn nuôi thường cao hơn 20 – 25% so với các nước trong khu vực và gấp nhiều lần với quốc gia có ngành chăn nuôi phát triển như Mỹ, Brazil hay Argentina.

Hiện nay, một ký đùi gà mua từ Mỹ, Brazil hay Argentina, cộng 25% thuế nhập khẩu và các chi phí khác, về đến cảng có giá 21.000 – 22.000 đồng; trong khi sản phẩm cùng loại nội địa lên tới 35.000 – 38.000 đồng. Ngoài ra, giá thành một kg thịt heo nhập về chỉ dao động 50.000 – 55.000 đồng, trong khi sản phẩm nội địa lên tới trên 70.000 đồng.

Lại chặn hàng giá rẻ...

Mỗi tháng, Việt Nam vẫn nhập trung bình 5.000 – 10.000 tấn thịt gà, heo; có thời điểm lên đến 40.000 – 50.000 tấn như năm 2008. Trong bữa cơm hàng ngày của đại bộ phận người thu nhập thấp như công nhân, học sinh, sinh viên, từ nhiều năm nay không có thịt gà nội do giá quá cao. Từ khi xâm nhập chính thức vào Việt Nam (năm 2007), gà ngoại nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường. Hầu hết bếp ăn, quán cơm chuyên phục vụ người thu nhập thấp phải sử dụng thịt gà lạnh để giảm giá thành. Trung bình TP.HCM tiêu thụ khoảng 400 tấn thịt gà thì riêng thịt lạnh chiếm khoảng một nửa. Thời gian gần đây, thịt gà lạnh không chỉ tiêu thụ mạnh ở thành phố, mà theo cơ quan thú y, còn đưa về các tỉnh với số lượng 200 – 300 tấn mỗi ngày.

Nhưng nay, do hạn chế nhập khẩu, nguồn gà lạnh bắt đầu khan hiếm, giá đùi góc tư tăng từ 27.000 đồng/kg hồi đầu tháng 7.2010 lên 32.000 đồng, gần ngang bằng với gà nội địa… Hầu hết bếp ăn công nghiệp, quán cơm, hộ gia đình là công nhân, sinh viên đang phải mua gà ngoại giá đắt. Với số lượng tiêu thụ khoảng 200 tấn/ngày, chỉ tính riêng cư dân TP.HCM, mỗi ngày phải chi thêm 1 tỉ đồng cho việc gà lạnh tăng giá (tăng 5.000 đồng/kg).

Thị trường mấy tháng gần đây còn ghi nhận, không chỉ bản thân nội tại gà lạnh tăng giá, mà ngay chính gà nội cũng ăn theo.

Trung tâm thú y vùng VI cho hay, tháng 7 và 8, lượng thịt nhập về giảm 50% so với cùng kỳ, còn từ đầu tháng 9 đến nay thì hầu như không có. Như vậy, việc dựng hàng rào đối với thịt nhập khẩu lại đẩy giá tăng, gây lạm phát. Trong khi đó, ngành chăn nuôi nội địa còn phát triển thiếu bền vững, nông dân luôn đối mặt với rủi ro về dịch bệnh, giá cả bấp bênh.

Theo SGTT

Nguồn: Vinanet