Trung Tâm Thông tin CN&TM cho biết, trong những ngày đầu tháng 9/2009, các doanh nghiệp Trung Quốc mở rộng nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng nguyên liệu rẻ tiền từ Việt Nam, chủ yếu là các loại thứ phẩm, phế liệu như: lốp ôtô đã qua sử dụng, quần áo thải loại, đồ nhựa, bao bì carton cũ, giấy vụn… Nhu cầu nhập khẩu các loại này của phía đối tác Trung Quốc hiện nay rất lớn, không hạn chế về sản lượng, giá cả thoả thuận. Phương thức giao hàng theo hệ tiểu ngạch, phía đối tác nhận hàng theo phương thức FOB, tại cảng Thọ Xuân trên sông KaLong (Móng Cái) sau đó làm thủ tục đưa hàng về Đông Hưng. Hiện nay, có khoảng chục đơn vị Việt Nam đang xuất khẩu các mặt hàng nói trên sang thị trường Trung Quốc với khối lượng lên đến hàng nghìn tấn, hiệu quả kinh tế khá tốt.

Giá cao su xuất khẩu sang Trung Quốc vẫn giữ khá ổn định trong khoảng 13.400 NDT/tấn – 13.600 NDT/tấn. Mặc dù giá và khối lượng cao su xuất khẩu duy trì khá ổn định nhờ nhu cầu mua vào của các đối tác Trung Quốc vững, nhưng các chuyên gia xuất nhập khẩu cao su tại Móng Cái vẫn khuyến cáo các doanh nghiệp cần hết sức cẩn thận trong việc điều tiết lượng hàng xuất khẩu bởi các đối tác Trung Quốc có thể đột ngột giảm lượng nhập nhằm ép giá nếu như họ thấy nguồn cung hàng đưa lên cửa khẩu tăng mạnh.

Theo dự báo của các chuyên gia, tháng 9/2009, nhu cầu nhập khẩu cao su thiên nhiên của thị trường Trung Quốc tăng khoảng 20% so với tháng 8 nhưng giá khó tăng và sẽ dao động quanh mức 13.500 NDT/tấn.

Về mặt hàng thép, các nhà xuất khẩu thép Trung quốc đang mở rộng tiếp thị và chào hàng các chủng loại thép hình để đưa vào thị trường Việt Nam, trong đó tập trung nhất là thép hình chữ I và chữ U. Để kích cầu xuất khẩu các loại thép hình, phía Trung Quốc giảm thuế xuất khẩu từ 4% đến 6% tuỳ loại, theo đó giá xuất khẩu cũng giảm trung bình từ 8% so với trước đây. Phía đối tác tập kết khoảng 300.000 tấn thép hình chờ xuất khẩu.

 

Nguồn: Vinanet