Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu thực hiện tháng 02/2015 đạt 10,5 tỷ USD, cao hơn 1,2 tỷ USD so với số ước tính, trong đó hàng điện tử máy tính và linh kiện cao hơn 298 triệu USD; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác cao hơn 154 triệu USD; xăng dầu cao hơn 191 triệu USD; điện thoại các loại và linh kiện cao hơn 112 triệu USD; thức ăn gia súc và nguyên phụ liệu cao hơn 81 triệu USD; vải cao hơn 65 triệu USD.
Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng Ba năm nay ước tính đạt 13,3 tỷ USD, tăng 26,9% so với tháng trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 5,1 tỷ USD, tăng 32,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 8,2 tỷ USD, tăng 23,6%. Kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng tăng khá: Khí đốt hóa lỏng tăng 325,1%; lúa mỳ tăng 165,1%; phương tiện vận tải khác và phụ tùng tăng 157,6%; thủy sản tăng 156,3%; tân dược tăng 100%; bông tăng 67,8%; sữa và sản phẩm sữa tăng 58,8%.
So với cùng kỳ năm trước kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng Ba tăng 7,4%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 0,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 12,4%. Một số mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn có kim ngạch tăng cao: Máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác tăng 34,7%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 12,4%. Một số mặt hàng nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất hàng dệt may giảm: Bông giảm 7,4 %; vải giảm 22,6%; nguyên phụ liệu dệt, may, giày dép giảm 12,7%.
Kim ngạch hàng hoá nhập khẩu 3 tháng đầu năm nay ước tính đạt 37,5 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 14,4 tỷ USD, tăng 5,7% và chiếm 38,4% (thấp hơn mức tỷ trọng 42,2% của cùng kỳ năm trước); khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 23,1 tỷ USD, tăng 24,1% và chiếm 61,6% tổng kim ngạch nhập khẩu (cao hơn mức tỷ trọng 57,8% của quý I/2014). Nếu loại trừ yếu tố giá, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu quý I đạt 38,5 tỷ USD, tăng 19,4% so với cùng kỳ năm 2014. Một số mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu tăng mạnh: Ô tô đạt 1,1 tỷ USD, tăng 73,6% (ô tô nguyên chiếc tăng 154,7%); máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác đạt 6,9 tỷ USD, tăng 44,4%; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 5,5 tỷ USD, tăng 31,1%; sản phẩm chất dẻo đạt 849 triệu USD, tăng 27,4%; điện thoại các loại và linh kiện đạt 2,6 tỷ USD, tăng 25%; thức ăn gia súc và nguyên phụ liệu đạt 812 triệu USD, tăng 24,9%.
Về cơ cấu hàng hóa nhập khẩu, nhóm hàng tư liệu sản xuất ước tính đạt 34,4 tỷ USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 91,7 % tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu (giảm 0,2 điểm % so với tỷ trọng cùng kỳ năm 2014), trong đó máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng đạt 15 tỷ USD, tăng 20%, chiếm 40% (tăng 1,2 điểm phần trăm); nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu đạt 19,4 tỷ USD, tăng 13,2%, chiếm 51,7% (giảm 1,4 điểm phần trăm so với tỷ trọng cùng kỳ năm trước). Nhóm hàng vật phẩm tiêu dùng đạt 3,1 tỷ USD, tăng 19,2%, chiếm 8,3% (tăng 0,2 điểm phần trăm).
Về thị trường hàng hóa nhập khẩu 3 tháng đầu năm, Trung Quốc tiếp tục là thị trường lớn nhất với kim ngạch ước tính đạt 11,6 tỷ USD, tăng 31,5% so với cùng kỳ năm 2014 với kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng tăng cao: Máy móc thiết bị, phụ tùng tăng 54%; sắt thép tăng 97%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 23%; điện thoại các loại và linh kiện tăng 52%; vải tăng 32%. Nhập siêu từ Trung Quốc ước tính đạt 8,1 tỷ USD, tăng 58,5% so với cùng kỳ năm 2014. Nhập khẩu từ thị trường Hàn Quốc đạt 6,2 tỷ USD, tăng 12,1%; ASEAN đạt 5,4 tỷ USD, tăng 2,3%; Nhật Bản đạt 3,3 tỷ USD, tăng 31,5%; EU đạt 2,1 tỷ USD, tăng 9,8%.
Tháng Hai nhập siêu 967 triệu USD. Tính chung 3 tháng đầu năm nay, nhập siêu ước tính 1,8 tỷ USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 3,8 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 2 tỷ USD. Nếu sản xuất trong nước tiếp tục phục hồi thì khả năng cán cân thương mại năm 2015 theo hướng nhập siêu do phần lớn các nguyên, nhiên vật liệu đầu vào phục vụ cho quá trình sản xuất, gia công lắp ráp được nhập khẩu từ nước ngoài. Đồng đô la Mỹ mạnh lên so với các ngoại tệ khác sẽ có ảnh hưởng đến tính cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam tại ở các thị trường này do hầu hết giao dịch của Việt Nam được thanh toán bằng USD.