Với mặt hàng dệt may, việc Đạo luật Bảo vệ môi trường cho người tiêu dùng Mỹ có hiệu lực từ ngày 1/1/2010 là một thách thức lớn với các doanh nghiệp trong ngành. Đạo luật này quy định, các lô hàng xuất khẩu vào Mỹ phải có giấy phép kiểm nghiệm của bên thứ ba xác nhận sản phẩm được sử dụng nguyên liệu đảm bảo an toàn cho sức khoẻ người tiêu dùng. Nhà sản xuất sẽ phải chịu trách nhiệm về bất kỳ thiệt hại nào gây ra cho người tiêu dùng.

Quy định trên ràng buộc trách nhiệm rất lớn đối với nhà sản xuất và đòi hỏi quá trình kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm dệt may, cũng như nguồn nguyên liệu rất khắt khe. Yêu cầu này đặt ra cho Việt Nam phải có phòng thí nghiệm hiện đại, đủ tiêu chuẩn để được phía Mỹ công nhận và cấp giấy chứng nhận. Ngành dệt may cũng phải nâng cấp các trung tâm giám định, kiểm định, kiểm tra chất lượng sản phẩm dệt may để hỗ trợ doanh nghiệp trong nước.

Yêu cầu đã rõ và mục tiêu cũng được ngành dệt may đặt ra, nhưng với thời gian 3 tháng (ngày 1/1/2010, Đạo luật Bảo vệ môi trường cho người tiêu dùng Mỹ có hiệu lực) đang gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp.

Một lo ngại khác đặt ra với xuất khẩu thuỷ sản sang thị trường EU là quy định 1005/2008 của Uỷ ban châu Âu – EC (có hiệu lực từ ngày 1/1/2010). Đây được xem là rào cản lớn tác động tới xuất khẩu thuỷ sản của các doanh nghiệp Việt Nam. EC yêu cầu các lô hàng xuất khẩu vào EU phải có cam kết về nguồn gốc thuỷ sản, hoặc chứng nhận khai thác của các nhà máy chế biến, trong khi đó, đến nay, Việt Nam vẫn chưa có hệ thống kiểm soát để đáp ứng.

Luật Lacey sửa đổi của Mỹ kể từ ngày 1/10/2009 sẽ thực hiện giai đoạn 3. Theo đó, khai báo nhập khẩu các sản phẩm gỗ sẽ được mở rộng, bổ sung các sản phẩm nằm trong chương 44 như bột giấy và ván ép, cùng một số sản phảm trong Chương 47. Việc mở rộng sản phẩm phải khai báo sẽ được tiếp tục vào tháng 4/2010.

Theo Luật Lacey, việc khai báo của các nhà nhập khẩu về chi tiết các thông tin tên khoa học của thực vật, giá trị nhập khẩu, khối lượng thực vật, tên của quốc gia mà thực vật được thu hoạch (có thể khác với nước xuất xứ thành phẩm)… là bắt buộc. điều này đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam phải hỗ trợ doanh nghiệp mua hàng những thông tin trên. Nó cũng đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ xuất khẩu phải cập nhật các thông tin có liên quan theo quy định của Luật Lacey để đáp ứng yêu cầu của đối tác.

Bộ Công Thương cho biết, các rào cản này sẽ gây thêm khó khăn cho các doanh nghiệp Việt Nam và Bộ sẽ cố gắng  cập nhật thông tin để hỗ trợ doanh nghiệp. Nhưng cũng dễ nhận thấy, thời gian mà các quy định mới (được coi là rào cản kỹ thuật) có hiệu lực đang rất cập kề, đòi hỏi cả cơ quan quản lý và doanh nghiệp phải “nhanh chân” hoàn tất những khâu chuẩn bị cuối cùng, để đáp ứng một cách hiệu quả những yêu cầu mà thị trường xuất khẩu đặt ra.

 

Nguồn: Báo đầu tư