Nhóm nông - lâm - thuỷ sản 9 tháng xuất khẩu (XK) đạt 14,971 tỷ USD, tăng 39,8% so với cùng kỳ năm 2010, gần chạm đích với tỷ lệ 98,1% kế hoạch năm 2011, do tăng trưởng đều tay của các mặt hàng, nổi bật là: Gạo, cá tra… Nhóm công nghiệp chế biến cũng khẳng định được vị thế chủ công với tỷ trọng 58,4% trong tổng kim ngạch XK của cả nước.

Gạo - cơ hội mới

9 tháng đầu năm XK được 6,080 triệu tấn, trị giá 3,013 tỷ USD, tăng 13% về số lượng, nhưng do giá XK bình quân FOB tăng 130 USD/tấn nên kim ngạch tăng 20,1% so với cùng kỳ năm 2010.

Hiện thị trường gạo thế giới gần như hình thành 2 cấp, gồm nhu cầu gạo cấp thấp đến từ Ấn Độ và nhu cầu gạo cấp cao đến từ Thái Lan và Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam còn có cả gạo trung bình, trong khi do chính sách mới, việc xuất gạo của Thái Lan sẽ có biến động, nên Việt Nam có thể cạnh tranh được với cả Ấn Độ và Thái Lan. Dự kiến quý IV sẽ giao từ 1,1 đến 1,2 triệu tấn, nên cả năm Việt Nam XK 7 triệu tấn là trong tầm tay.

Cá tra sáng giá

XKcá tra tính đến cuối tháng 8 đã đạt 1,16 tỷ USD, tăng gần 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Mỹ là thị trường nhập khẩu (NK) cá tra cao nhất trong tổng số hơn 133 quốc gia và vùng lãnh thổ NK mặt hàng này từ Việt Nam, đạt 195,79 triệu USD. Từ đầu năm đến nay, XK cá tra sang Mỹ có nhiều thuận lợi, liên tục tăng trưởng cả khối lượng và trị giá. Hiệp hội Thủy sản quốc gia Mỹ vừa xếp cá tra Việt Nam vào top 10 loại thủy sản được ưa chuộng nhất tại Mỹ năm 2010, ở vị trí thứ 9, tăng một bậc so với năm 2009 (năm 2009 là năm đầu tiên cá tra lọt vào danh sách các loại thủy sản được ưa chuộng nhất tại Mỹ và xếp thứ 10 với mức tiêu thụ bình quân 0,78 kg/người, sang năm 2010 tăng lên 0,89 kg/người). Đáng chú ý, cá tra là một trong 4 loại thủy sản có mức tiêu thụ tăng so với năm trước đó (cùng với cá rô phi, cá ngừ, cá tuyết), trong khi 6 loại khác có mức tiêu thụ giảm, chứng tỏ cá tra ngày càng khẳng định được vị thế tại Mỹ.

Dệt may vượt khó

Đơn hàng được ký từ đầu năm, đặc biệt là nhiều đơn hàng có giá trị gia tăng cao giao hàng vào 6 tháng cuối năm. Giá hàng xuất vừa qua tăng. Bên cạnh ba thị trường chính là Mỹ, EU, Nhật Bản, năm 2011, Hàn Quốc trở thành thị trường XK lớn thứ 4 của ngành dệt may Việt Nam, dự kiến XK vào thị trường này năm 2011 khoảng 760-780 triệu USD, tăng 80% so với năm 2010. Đó là 3 yếu tố vừa tạo nên mức tăng trưởng XK thuyết phục, đạt 10,5 tỷ USD, tăng 31,1% so với cùng kỳ năm 2010, vừa nâng hiệu quả kinh doanh. 

Mới đây, Hiệp hội Dệt may đã ký kết tham gia Liên đoàn các nhà sản xuất dệt may quốc tế (IMTF). Đây cũng được xem là cơ hội để ngành dệt may Việt Nam tăng cường tìm kiếm đối tác trên toàn cầu.

Tuy nhiên, hiện ngành đang phải đối mặt với những khó khăn về vốn, về lao động. Đồng thời, chính sách thắt chặt chi tiêu của Chính phủ Hoa Kỳ sau khi gỡ trần nợ công hồi đầu tháng 8/2011 cũng khiến cho các doanh nghiệp Việt Nam đứng trước nguy cơ mất bớt đơn hàng hoặc giảm số lượng trong đơn hàng từ các khách hàng truyền thống. Tình hình đó cũng lan toả sang thị trường châu Âu. Mặt hàng bị ảnh hưởng lớn là áo jacket, nhiều đơn hàng đã bị giảm tới 30% sản lượng. Vì thế, dự báo kim ngạch XK dệt may vào các thị trường này sẽ giảm từ 10-15%. Trước tình hình đó, để tránh bị động, một số công ty đang chuyển dần sang các thị trường khác.

Da giầy hứa hẹn

Giầy dép XK của Việt Nam hiện được đánh giá là có ưu thế cạnh tranh so với các nước trong khu vực. Sản xuất và tiêu thụ sản phẩm da giầy trong 9 tháng 2011 ổn định và tăng trưởng cao so với cùng kỳ, mà một trong những nguyên nhân là Uỷ ban Châu Âu ra thông báo chấm dứt áp thuế chống bán phá giá 10% đối với giầy mũ da có xuất xứ Việt Nam.

Kim ngạch các tháng gần đây đều tăng cao so với cùng kỳ, 9 tháng đạt 4,76 tỷ USD, tăng 30,8% so với cùng kỳ năm 2010. Hoa Kỳ, Bỉ, Italy, Pháp, Tây Ban Nha - 5 thị trường NK chính mặt hàng này - tiếp tục khẳng định vị thế. Bồ Đào Nha, Philippines, Thái Lan NK giầy da Việt Nam còn khiêm tốn nhưng tỷ lệ cũng tăng khá cao.

Từ đầu năm đến nay, ngành da giầy đã tăng thêm trên 3.000 dây chuyền sản xuất giầy mũ da và cặp, túi, ví; mở rộng 400 dây chuyền gò ráp và hoàn chỉnh sản phẩm. Với những tín hiệu đó, khả năng năm 2011 toàn ngành hàng XK sẽ đạt 6 tỷ USD.     

Đồ gỗ giữ nhịp

Trong tháng 9, XK đồ gỗ đạt 360 triệu USD, đưa tổng kim ngạch 9 tháng đầu năm lên 2,8 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước, vươn lên đứng đầu khu vực Đông Nam Á và thứ 10 thế giới. Đồ gỗ Việt Nam ngày càng được ưa chuộng tại Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc, Trung Đông…

Tuy vậy, do phải NK khối lượng lớn gỗ nguyên liệu trong khi giá mua gỗ ngày càng tăng khiến đồ gỗ Việt Nam càng khó cạnh tranh. Để giải quyết cơ bản việc thiếu nguyên liệu, cần phải đẩy mạnh việc trồng rừng mới, khuyến khích dùng nhiều gỗ rừng trồng trong nước, gỗ nhân tạo, các vật liệu xen ghép phi gỗ.

 

Nguồn: Tin tham khảo