Từ đầu năm 2013 đến nay, ASEAN đã trở thành thị trường NK cá ngừ lớn thứ 4 sau Mỹ, EU và Nhật Bản. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, tính đến hết tháng 7/2013, NK cá ngừ của các nước ASEAN từ Việt Nam đạt 20,798 triệu USD, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

 Trong cơ cấu mặt hàng cá ngừ XK sang các nước ASEAN, cá ngừ chế biến khác (thuộc mã HS16, trừ cá ngừ đóng hộp) là sản phẩm có giá trị XK lớn nhất, chiếm hơn 51% tổng giá trị XK cá ngừ của Việt Nam 7 tháng đầu năm nay. Tiếp đến là cá ngừ tươi/sống/đông lạnh/ khô chiếm hơn 35,7%, cá ngừ thuộc mã 0304 chiếm 10% và cá ngừ đóng hộp chỉ chiếm 2,8%. Hiện tại, XK các sản phẩm cá ngừ chế biến khác của Việt Nam đang có xu hướng ngày càng tăng,  trong khi XK cá ngừ tươi/sống/đông lạnh/khô chững lại và XK các sản phẩm còn lại cũng giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này cho thấy giá trị XK cá ngừ sang ASEAN của Việt Nam thời gian tới khó có thể trở lại mức tăng trưởng như hồi đầu năm.

Nhìn vào cơ cấu thị trường XK sẽ nhận thấy, hiện chỉ có 2 thị trường NK sản phẩm cá ngừ chế biến khác của Việt Nam là Thái Lan và Singapore,  mặc dù đây là sản phẩm có giá trị XK lớn nhất nhưng số thị trường NK lại quá ít. Thái Lan NK nhiều nhất sản phẩm này của Việt Nam, chiếm tới 99% tổng giá trị XK sản phẩm này của Việt Nam. Nếu tính theo giá trị NK các mặt hàng cá ngừ của Việt Nam, Thái Lan luôn là thị trường NK chính chiếm tới hơn 74% tổng giá trị XK các mặt hàng cá ngừ của Việt Nam, tiếp đến Philippines chiếm 20% và Singapore chiếm 2,4%.

Theo số liệu thống kê, giá trị XK cá ngừ của Việt Nam sang Thái Lan hiện đang có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù có sự gia tăng về giá trị XK các sản phẩm cá ngừ chế biến khác sang thị trường này nhưng vẫn không đủ bù đắp lượng sụt giảm về giá trị XK các sản phẩm cá ngừ tươi/sống/đông lạnh/ khô. Và cũng chính do sự sụt giảm giá trị XK các mặt hàng sang thị trường này đã khiến cho tốc độ tăng trưởng giá trị XK của Việt Nam sang khối thị trường ASEAN ngày càng chậm lại.

Tuy xếp sau Thái Lan nhưng tính đến hết tháng 7, XK cá ngừ của Việt Nam sang Philippines lại có tốc độ tăng trưởng vượt bậc, đạt 4.706% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó chủ yếu là thăn cá ngừ hấp chín đông lạnh, đạt 3,7 triệu USD, chiếm hơn 88% tổng giá trị NK cá ngừ của nước này từ Việt Nam. Điều này cho thấy, dù là một nước có đội tàu khai thác lớn nhưng nền sản xuất của Philippines lại không phát triển mạnh như Thái Lan nên một mặt, nước này tăng cường XK các sản phẩm cá ngừ có giá trị cao như cá ngừ tươi/sống/đông lạnh từ nguồn nguyên liệu trong nước, mặt khác, để tận dụng những ưu đãi về thuế quan được hưởng đối với mặt hàng cá ngừ đóng hộp, Philippines đang tăng cường NK nguyên liệu cho chế biến sản phẩm này từ các nước để gia tăng XK.

Trong khi đó, là nước xếp thứ 2 trong khối về NK cá ngừ của Việt Nam năm ngoái, nhưng năm nay Singapore đã tụt xuống vị trí thứ 3. NK cá ngừ của nước này tính đến hết tháng 7 năm nay giảm hơn 57% so với cùng kỳ năm ngoái do sự sụt giảm giá trị XK thăn cá ngừ hấp chín đông lạnh sang đây. Điều này cho thấy, các DN Việt Nam thời gian qua đã quá chú trọng XK thăn cá ngừ hấp chín đông lạnh sang EU để hưởng ưu đãi thuế quan nên đã bỏ ngỏ thị trường ASEAN. Dự báo thời gian tới, sau khi không còn được hưởng ưu đãi của EU đối với sản phẩm thăn cá ngừ hấp chín đông lạnh, XK dòng sản phẩm này của Việt Nam sang các nước ASEAN sẽ tăng trở lại.

Tuy nhiên, theo phân tích, hiện nay các nước ASEAN đang trở thành thị trường mục tiêu trong chiến dịch mở rộng thị trường XK cá ngừ của các nhà sản xuất cá ngừ trong khu vực. Các thị trường ưu tiên trong khối gồm Indonesia, Cămpuchia, Lào, Myanmar và cả Việt Nam. Chính vì vậy, các nhà XK cá ngừ của Việt Nam từ nay đến  cuối năm sẽ gặp phải sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các nước láng giềng.

(Vasep)

Nguồn: Vasep