Xuất khẩu dệt may Việt Nam trong tháng 9-2010 tiếp tục có bước tăng trưởng ngoạn mục với kim ngạch XK đạt trên 1 tỷ USD/tháng. Với đà tăng trưởng này, chắc chắn XK dệt may sẽ về đích sớm trong tháng 11 tới và kim ngạch XK sẽ vượt xa chỉ tiêu 10,5 tỷ USD trong năm nay.

Kế hoạch của giai đoạn năm 2006-2010, ngành dệt may VN đặt mục tiêu sẽ đạt kim ngạch XK 11,5 tỷ USD vào năm 2010. Tuy nhiên, với ảnh hưởng khủng hoảng tài chính toàn cầu trong năm 2008-2009, ngành dệt may chỉ dám đặt mục tiêu ở mức khiêm tốn, với 10,5 tỷ USD. Nhưng với những lợi thế cạnh tranh, thuận lợi về thị trường, dệt may VN đã giữ vững XK trong giai đoạn khó khăn nhất của khủng hoảng kinh tế.

Trong khi phần lớn các nước XK dệt may trên thế giới đều đạt kim ngạch “âm” trong năm 2009 thì dệt may VN vẫn có tăng trưởng dương gần 2% so với năm 2008. Và vượt ngoài dự kiến, trong 3 quý đầu năm 2010, XK dệt may đạt mức tăng trưởng khá cao. Đặc biệt, trong tháng 8 và 9-2010, lần đầu tiên trong năm, XK dệt may vượt ngưỡng 1 tỷ USD/tháng.

Riêng trong tháng 9-2010, kim ngạch XK đạt 1,05 tỷ USD, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2009. Tính chung 9 tháng năm 2010, tổng kim ngạch XK dệt may đạt trên 8 tỷ USD, tăng gần 21% so với cùng kỳ năm 2009.

Thị trường Mỹ vẫn giữ vững tăng trưởng khá với mức tăng hơn 22% so với cùng kỳ năm 2009. Với thuận lợi từ hiệp định thương mại giữa Việt Nam – Nhật Bản và ASEAN – Nhật Bản, dệt may VN cũng đang nhắm đến mục tiêu XK 1 tỷ USD vào Nhật Bản trong năm nay.

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, mùa cao điểm của XK dệt may rơi vào những tháng cuối năm. Với nhiều đơn hàng có giá trị cao, chắc chắn ngành dệt may sẽ đạt 1 tỷ USD/tháng trong 3 tháng còn lại của năm. XK dệt may sẽ về đích sớm vào tháng 11-2010 và sẽ vượt chỉ tiêu XK trong năm nay. Xem ra ngành dệt may vẫn có nhiều khả năng thực hiện được mục tiêu 11,5 tỷ USD đề ra trước đây.

Các doanh nghiệp đều cho rằng, sản xuất và XK hàng dệt may VN đang có nhiều thuận lợi về thị trường cũng như đơn hàng. Hiện nay, nhiều đơn hàng sản xuất tại Trung Quốc bị dội, các nhà nhập khẩu nước ngoài phải cầu cứu doanh nghiệp dệt may VN thực hiện. Nhiều nước sản xuất, XK hàng dệt may trong khu vực châu Á cũng đang rơi vào cảnh thiếu lao động và VN có thuận lợi hơn khi được nhà nhập khẩu (NNK) tin tưởng lựa chọn.

Trong cuộc gặp gỡ, đối thoại mới đây giữa các NNK dệt may của Mỹ với các doanh nghiệp dệt may VN tại TPHCM, vấn đề thiếu lao động và việc chăm lo đời sống cho người lao động được doanh nghiệp VN đề cập khá nhiều. Đây chính là trở ngại lớn nhất hiện nay của doanh nghiệp dệt may. Để điều chỉnh gia tăng chi phí đầu vào, hỗ trợ doanh nghiệp VN thực hiện tốt đơn hàng, NNK phải chia sẻ khó khăn với nhà sản xuất.

Việc tăng giá bán và gia công là điều NNK phải chia sẻ tại thị trường VN. Doanh nghiệp dệt may VN nên chủ động đàm phán tăng giá bán với NNK. Nhiều doanh nghiệp dệt may cho biết, tại thời điểm này, giá bán và gia công hàng dệt may được nhiều NNK điều chỉnh tăng 15%-20% so với cùng thời điểm năm trước.

Ngoài 3 thị trường chính là Mỹ, EU và Nhật, hàng dệt may VN cũng đã có bước tiến đột phá vào thị trường Hàn Quốc. Việc thiết lập Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Hàn Quốc (AKFTA) đã mang lại lợi ích đáng kể cho dệt may VN. Có nhiều tháng, XK dệt may VN vào Hàn Quốc tăng trên 80% so với cùng kỳ năm 2009.

Với mức thuế trung bình đối với hàng dệt được giảm từ 8% xuống 0% và mức thuế trung bình đối với hàng may được giảm từ 13% xuống 0%, đây sẽ là cơ hội cho hàng dệt may VN gia tăng XK và mở rộng thị phần vào Hàn Quốc trong thời gian tới.

 

Nguồn: Vinanet