Xuất khẩu đã trở thành cứu cánh cho đầu ra của doanh nghiệp và là điểm sáng nổi bật của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2011.

Điều này đã được Tổng cục Thống kê nhấn mạnh tại Hội nghị Giao ban sản xuất - kinh doanh tháng 10 và 10 tháng đầu năm, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức.

 Số liệu thống kê cho thấy, trái ngược với năm 2009, khi Việt Nam lần đầu tiên sau hơn 20 năm đổi mới có kim ngạch xuất khẩu giảm so với năm trước, nối tiếp đà tăng mạnh của năm 2010, kim ngạch xuất khẩu 10 tháng đầu năm đã tăng tới 34,6% so với cùng kỳ, đạt 78,03 tỷ USD. Theo dự báo, cả năm, tổng kim ngạch xuất khẩu có thể đạt 95 tỷ USD, tăng 31,6% so với năm trước, vượt xa so với kế hoạch năm (tăng 10%) mà Quốc hội quyết từ cuối năm ngoái. Đây là một điểm sáng nổi bật của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2011.

 Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công thương) Nguyễn Thanh Hòa nêu rõ, có được mức tăng rất cao này là có sự đóng góp của yếu tố tăng giá của các mặt hàng xuất khẩu. Song rõ ràng, theo đây là một kết quả rất đáng ghi nhận.

 Điều đặc biệt là, bên cạnh một loạt mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu rất cao như thường lệ là dệt may (11,69 tỷ USD), dầu thô (6,1 tỷ USD), giày dép (5,1 tỷ USD), thủy sản (4,9 tỷ USD), gạo (3,2 tỷ USD)…, năm nay, có sự “lên ngôi” của mặt hàng điện thoại di động và linh kiện. Tổng kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng này sau 10 tháng đã đạt tới 3,3 tỷ USD, tăng 197% so với cùng kỳ năm trước. Sự đóng góp ngày càng nhiều hơn của nhóm hàng công nghiệp chế biến trong tổng kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước cũng là một sự chuyển biến tích cực.

 9 tháng đầu năm 2011 cũng đã ghi nhận nét nổi bật là các ngành công nghiệp chủ lực tiếp tục phát triển trong thế ổn định.

 Việc sản xuất, cung ứng và vận hành lưới điện quốc gia trong 9 tháng qua cơ bản ổn định. Đã có nhiều yếu tố thuận lợi so với dự kiến đầu năm như: thuỷ văn các hồ thuỷ điện diễn biến khả quan, tổng lượng nước các hồ thuỷ điện cao hơn dự kiến. Các nguồn điện mới đưa vào vận hành đúng tiến độ đã bổ sung đáng kể nguồn điện cung cấp điện. Các nhà máy nhiệt điện than mới và tua bin khí khai thác, đáp ứng nhu cầu phụ tải.

 Tổng điện năng sản xuất và nhập khẩu toàn bộ hệ thống điện 9 tháng đầu năm 2011 đạt 78,72 kWh, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2010. Trong đó, điện sản xuất của Tập đoàn điện lực Việt Nam 9 tháng là 37,375 tỷ kWh bằng 50% lượng điện sản xuất, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm 2010. Sản lượng điện thương phẩm cũng tăng cao, tăng 11% so với cùng kỳ đạt 70 tỷ kWh., trong đó điện cho sản xuất nông lâm thuỷ sản tăng cao nhất 28,9%, điện cho sản xuất công nghiệp và xây dựng tăng 14,45%.

 Từ ngày 15 đến 30 tháng 9 năm 2011, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam ngừng, giảm cung cáp khí Côn Sơn để bảo dưỡng, sửa chữa định kỳ. Do dó, Tập đoàn Điện lực đã phải huy động các tổ máy nhiệt điện chạy dầu FO và chuyển đổi các tổ máy tuabin khi sang chạy dầu DO để đảm bảo cung cấp điện cho nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.

 Việc tìm kiếm thăm dò dầu khí trong nước được triển khai theo đúng kế hoạch. 9 tháng năm 2011 đã có 2 máy phát điện dầu khí mới (giếng Gấu Trắng và giếng Mèo Trắng). Việc đưa mỏ Visovoi - mỏ thứ hai của Dự án thăm dò khai thác tại khu tự trị Nhenhetxky (Liên bang Nga) vào khai thác từ ngày 29/7/2011, nâng sản lượng khai thác dầu khí Dự án lên 6.000 tấn/ ngày đã chứng tỏ việc triển khai tích cực và có hiệu quả công tác đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí. Ngày 22/8/2011 đã đưa thêm mỏ Tê giác Trắng vào khai thác với sản lượng tháng 9 đạt 1,3 triệu tấn. Tính chung 9 tháng ước đạt 10,9 triệu tấn bằng 72,6 % kế hoạch năm 2011. Sản lượng khai thác khí 9 tháng ước đạt 6,5 tỷ m3 bằng 79% kế hoạch năm.

 

Ngày 13/9/2011, sau gần hai tháng dừng sản xuất để bảo dưỡng tổng thể, nhà máy Lọc dầu dung Quất đã vận hành trở lại đạt 100% công suất thiết kế, vượt tiến độ kế hoạch 2 ngày. Hiện trung bình mỗi ngày nhà máy sản xuất gần 19 nghìn tấn xăng dầu các loại, tiếp tục cung ứng các loại sản phẩm xăng ra thị trường cả nước. Công tác an toàn và phòng chống cháy nổ tại các nhà máy, công trường, dự án trọng điểm của nhà nước về dầu khí và các công trình trọng điểm của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam luôn được thực hiện nghiêm túc, an toàn.

 Ngành than đang nỗ lực khai thác, tìm kiếm thăm dò để hoàn thành với mức cao nhất kế hoạch năm. Sản lượng than sạch khai thác 9 tháng ước đạt 32,4 triệu tấn, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2010. Than tiêu thụ đạt 33,4 đạt 76% kế hoạch năm, tăng 8% so với cùng kỳ.

Việc xuất khẩu than vừa qua giảm do chính sách giảm xuất khẩu mặt hàng này nhằm đảm bảo an ninh năng lượng, dành nhiều than cho các nhu cầu tiêu thụ trong nước. Vì vậy việc cung cấp than trong nước vừa qua đã tăng 21% so với cùng kỳ năm 2010, nhất là cho các hộ tiêu thụ lớn như cho ngành nhiệt điện (tăng 36%), cho sản xuất phân bón (tăng 72%), cho giấy (tăng 64%), cho xi măng (tăng 20%), tạo điều kiện cho các ngành sản xuất chủ lực nói trên ổn định và tăng trưởng, góp phần vào tăng trưởng kinh tế nói chung.

Theo Tầm Nhìn

Nguồn: Vinanet