Ngày 16- 10, Bộ Công Thương đã tổ chức cuộc họp khẩn với Hiệp hội Lương thực VN, Sở Công Thương các tỉnh- thành phía Nam để bàn biện pháp xuất khẩu gạo cho những tháng cuối năm. Ông Nguyễn Thành Biên, Thứ trưởng Bộ Công Thương, cho biết tình hình tiêu thụ lúa gạo đang gặp nhiều khó khăn, lượng lúa trong dân còn tồn khá lớn (chiếm khoảng 50%).
Giá giảm nhưng không có người mua
Theo ông Phạm Văn Dư, Cục phó Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), sản lượng lúa năm 2008 cơ bản đã hoàn thành so với kế hoạch đề ra là 22 triệu tấn, tức dư thừa 1,5 triệu tấn. Riêng vụ hè thu tại các tỉnh ĐBSCL và miền Đông Nam Bộ vừa qua đã đạt được 8,4 triệu tấn. Hiện nay đã thu hoạch vụ thu đông được 152.000 ha, năng suất trên 4,2 tấn- 4,5 tấn/ha. Ông Dư cho biết nhiều tỉnh ở ĐBSCL đang tồn hàng trăm ngàn tấn lúa gạo chưa tiêu thụ được, phần lớn là loại lúa gạo có chất lượng kém (bạc bụng) chỉ có thể chế biến thành loại gạo 25% tấm, trong khi nhu cầu của thị trường thế giới hiện chủ yếu tiêu thụ mạnh loại gạo 5% tấm. Do dự báo sai từ cơ quan chức năng rằng loại gạo nào cũng xuất khẩu được nên cơ quan chức năng không hướng dẫn kịp thời cho người trồng lúa...
Giá lúa hiện nay tại các tỉnh ĐBSCL đang rớt thê thảm, chỉ còn 2.500 đồng- 3.000 đồng/kg đối với lúa vụ thu đông đang được thu hoạch, thậm chí ở Hậu Giang chỉ còn 1.800 đồng – 2.400 đồng/kg. Nếu so với thời điểm tháng 4, tháng 5 vừa qua thì giá giảm gần 50%. Riêng lúa vụ hè thu (vẫn còn tồn trong dân khá lớn) do chất lượng tương đối tốt nên giá bán cao hơn nhưng cũng đã giảm khoảng 500 đồng/kg so với đầu tháng (loại lúa thường còn khoảng 3.800 đồng/kg, lúa hạt dài 4.200 đồng/kg). Tương tự, gạo nguyên liệu loại 5% tấm hiện còn 5.500 đồng- 5.550 đồng/kg, giảm 500 đồng/kg - mức giá thấp nhất từ đầu năm đến nay.
Nhiều nông dân ở các tỉnh ĐBSCL cho biết không những giá lúa gạo giảm mạnh mà hiện các doanh nghiệp (DN) không còn mặn mà thu mua lúa trong dân, thương lái thì chỉ mua nhỏ giọt với mức giá rẻ như bèo, nhiều hộ nông dân chấp nhận bán giá thấp và nhận tiền ngay để chuẩn bị vốn canh tác vụ mới nhưng thương lái chỉ chấp nhận trả chậm và họ cũng chỉ mua nhỏ giọt.
DN xuất khẩu lo lắng
Nhiều DN xuất khẩu gạo đang than vãn vì giao dịch gần như tê liệt. Ông Lê Việt Hải, Giám đốc Công ty Mê Kông (Cần Thơ), cho biết sở dĩ các DN phải ngưng thu mua lúa gạo là do không ký được hợp đồng xuất khẩu. Cả tháng, các DN lớn, có nhiều mối hàng chỉ tìm được một, hai hợp đồng lẻ với khối lượng xuất hạn chế. Có những trường hợp DN chấp nhận bán giá thấp để ký được hợp đồng nhưng khi tiến hành các thủ tục thì khách hàng lại thoái thác. Do giá gạo thế giới liên tục giảm nên khách hàng không còn muốn mua.
Một số DN cho biết trong tháng 8, tháng 9 vừa qua, các DN đã tiến hành thu mua lượng gạo lớn theo yêu cầu của Chính phủ nhưng đến nay vẫn chưa xuất được bao nhiêu, lượng gạo này đang tồn trong kho của các DN khá lớn nên không dám mua thêm.
Giá gạo thế giới 2 tháng qua giảm liên tục, hiện chỉ còn dưới 480 USD/tấn (đối với gạo 5% tấm), giá gạo 15% tấm chỉ còn dưới 400 USD/tấn, gạo 25% tấm giá dưới 380 USD/tấn (tiếp tục giảm từ 20- 30 USD/tấn so với tháng trước). Mức giá hiện nay tính ra đã giảm khoảng trên dưới 60% so với giữa quý II/2008. Theo dự báo của nhiều DN, giá gạo thế giới sẽ còn tiếp tục giảm trong những tháng cuối năm vì hầu hết các nước có nhu cầu nhập khẩu lương thực đều đã dự trữ xong số lượng. Ngoài ra, nhiều nước sản xuất lương thực trên thế giới đã tăng diện tích gieo trồng, kể cả những nước trước đây không chú trọng sản xuất lương thực cũng tăng cường gieo trồng, nên các mặt hàng lương thực trên thế giới không còn thiếu như nhiều tháng trước.

Nguồn: Vinanet