Năm 2014, Việt Nam xuất khẩu gạo sang 48 thị trường thuộc khu vực châu Phi, Tây Á, Nam Á với tổng kim ngạch đạt 462,5 triệu usd, chiếm tỉ trọng 15,7% tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước.

1. Tình hình chung

Năm 2014, Việt Nam xuất khẩu gạo sang 48 thị trường thuộc khu vực châu Phi, Tây Á, Nam Á với tổng kim ngạch đạt 462,5 triệu usd, chiếm tỉ trọng 15,7% tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước.

Tuy xuất khẩu sang khá nhiều thị trường trong khu vực nhưng trên thực tế, gạo của Việt Nam vẫn xuất khẩu sang châu Phi là chủ yếu, với kim ngạch đạt 425,7 triệu usd, chiếm khoảng 90% tổng kim ngạch xuất khẩu sang châu Phi, Tây Á, Nam Á. Một số thị trường xuất khẩu gạo chính sang châu Phi như: Ghana (177,9 triệu usd), Bờ Biển Ngà (104,9 triệu usd), Mozambique (20,0 triệu usd); Nam Phi (17,3 triệu usd), Algeria ( 15,8 triệu usd), Senegal (15,2 triệu usd), Benin (13,2 triệu usd).

Tại khu vực Tây Á, Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) là nước nhập khẩu gạo nhiều nhất từ Việt Nam với kim ngạch đạt 17,0 triệu usd, tiếp đến là Ả-rập Xê-út (8,0 triệu usd), I-xra-en (4,9 triệu usd), các nước như Qatar, Jordan, Syria mỗi nước nhập khẩu trên 3,0 triệu usd.

Khu vực Nam Á có Pakistan, Sri lanka nhập khẩu gạo từ Việt Nam nhưng với số lượng không đáng kể. Đáng chú ý là Bangladesh, nước có MOU về thương mại gạo với Việt Nam nhưng gần đây không tiếp tục nhập khẩu gạo từ Việt Nam do nước này chuyển sang nhập khẩu gạo từ Ấn Độ, Pakistan và Thái Lan.

Như vậy, năm 2014, xét về kim ngạch, xuất khẩu gạo sang khu vực thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á giảm tới 43%, trong đó xuất khẩu gạo sang châu Phi giảm trên 45% so với năm 2013. Xuất khẩu gạo sang hầu hết các thị trường chính đều suy giảm đáng kể. Cụ thể như sang Ghana (-3%), sang Bờ Biển Ngà (-54%), sang Algeria (-60%), sang Angola (-85%)…

Nguyên nhân của của việc giảm xuất khẩu gạo sang châu Phi ngoài tình hình dịch bệnh Ebola thì ngày càng có nhiều nước cạnh tranh xuất khẩu gạo với Việt Nam như Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan trong đó Thái Lan đã đẩy mạnh xuất khẩu gạo tồn kho giá rẻ theo chương trình hỗ trợ mua tạm trữ lúa gạo của Chính phủ nước này.

Bảng: xuất khẩu gạo sang châu Phi, Tây Á, Nam Á năm 2014.Đơn vị: USD

Thị trường

2014

2013

(+/-%)

Châu Phi

425.704.677

775.839.817

-45

Ghana

   177.860.875

182.801.079

-3

Bờ Biển Ngà

   104.916.670

228.456.297

-54

Mozambique

     20.039.314

29.789.300

-33

Nam Phi

     17.327.655

14.393.322

+20

Algeria

     15.810.543

39.933.942

-60

Senegal

     15.244.278

17.463.168

-13

Benin

     13.210.524

15.612.476

-15

Tanzania

       9.558.434

16.107.609

-41

Cameroon

       9.198.889

60.860.700

-85

Công-gô

       8.766.325

5.967.750

+47

Angola

       7.142.763

48.720.312

-85

Gabon

       6.696.179

16.609.896

-60

Tây Á

     38.847.409

36007726

+8

UAE

     17.023.462

12.102.878

+41

Ả-rập Xê-út

       7.960.938

7.426.895

+7

I-xra-en

       4.868.292

5.878.689

-17

Ca-ta

       3.455.259

1.481.569

+133

Jordan

       3.010.524

2.628.741

+15

Nam Á

           949.154

64260

+1.377

Pakistan

           810.935

16.500

+4.815

Sri Lanka

           138.219

47.760

+189

2. Nhu cầu và tiềm năng xuất khẩu gạo của Việt Nam sang châu Phi, Tây Á, Nam Á

Trong thời gian tới, xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục tập trung vào khu vực châu Phi với một số nước nhập khẩu chính như: Bờ Biển Ngà, Ghana, Algeria, Angola, Benin, Cameroun… do đáp ứng được yêu cầu về chất lượng và đặc biệt là giá cả thấp (thị trường châu Phi chỉ có Nam Phi và Nigeria là hai nước có nhu cầu nhập khẩu gạo đồ với số lượng lớn, giá thành cao).

- Nhu cầu nhập khẩu gạo của châu Phi vẫn rất lớn, Theo Tổ chức Nông lương Liên Hiệp quốc (FAO), mức tiêu thụ gạo của châu Phi vào khoảng từ 24-24,5 triệu tấn/năm và mức tiêu thụ bình quân tính theo đầu người là 22,1 kg/năm. Xu hướng tăng nhập khẩu gạo của châu Phi sẽ còn tiếp tục trong những thập kỷ tới do tăng dân số, đô thị hóa mạnh và tăng tiêu thụ gạo của mỗi người dân.

- Từ khi nhiều nước tiến hành tự do hóa ngành gạo thì nhu cầu nhập khẩu gạo ngày càng tăng (tăng gấp đôi tại Nigeria, Senegal và Bờ Biển Ngà so với 10 trước đây).

- Sản xuất lúa châu Phi thường gặp những khó khăn về giống, khí hậu (thiếu nước), phân bón, năng suất thấp, chi phí đầu tư hệ thống mương máng, thiếu nhà máy chế biến và thương mại do vậy tốc độ tăng trưởng sản xuất chậm hơn tiêu dùng. Nhiều nơi gạo địa phương có giá bán đắt hơn gạo nhập khẩu.

- Gạo Việt Nam đã có chỗ đứng trên thị trường châu Phi, nhìn chung có giá bán hợp lý, chất lượng phù hợp với khẩu vị người tiêu dùng.

- Nhu cầu nhập khẩu gạo của thị trường châu Phi, nhất là khu vực Tây và Trung Phi dù có những những biến động thăng trầm trong từng thời kỳ, song nhìn chung vẫn có xu hướng tiếp tục tăng cả về số lượng và chất lượng. Trong khi đó mức tăng trưởng cung lúa gạo trên thế giới đã bắt đầu có dấu hiệu giảm. Đó là thuận lợi để Việt Nam có thể yên tâm đầu tư phát triển sản xuất và xuất khẩu gạo đến năm 2015 và trong những những năm tiếp theo sang thị trường này.

Về định hướng kim ngạch xuất khẩu, năm 2015, nếu tình hình dịch bệnh cơ bản được khống chế tại châu Phi, với sự nỗ lực lớn hơn của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cùng với những cơ chế hợp tác mới như ký thêm MOU về gạo, khuyến khích, hỗ trợ một số doanh nghiệp xuất nhập khẩu tổng hợp tăng cường trao đổi hàng hóa, xuất khẩu gạo sang châu Phi, kim ngạch xuất nhập khẩu có thể đạt mức 600 – 700 triệu usd.

Đối với khu vực Tây Á (Trung Đông), tuy nhu cầu nhập khẩu gạo ở khu vực này khá cao nhưng gạo cần phải đáp ứng các tiêu chuẩn của đạo Hồi. Hơn nữa, do thị hiếu, sự gần gũi về văn hóa, địa lý, nên thương nhân nhập khẩu gạo ở khu vực Tây Á chủ yếu nhập khẩu gạo Basmati, hoặc gạo đồ được sản xuất từ Ấn Độ, Pakistan và cả Thái Lan. Trong năm 2015, cần tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp nhập khẩu đầu mối Việt Nam nhằm thúc đẩy xuất khẩu gạo sang thị trường Tây Á, đặc biệt là UAE (nước đóng vai trò là nơi phát luồng phân phối nhiều loại hàng hóa trong đó có gạo), với sự trao đổi lao động ngày càng nhiều hơn đến từ khu vực Đông Nam Á. Dự kiến kim ngạch xuất khẩu gạo sang các nước Tây Á có thể đạt 60 – 70 triệu usd.

Riêng đối với khu vực Nam Á, Ấn Độ và Pakistan là những nước sản xuất và xuất khẩu gạo, Bangladesh là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhưng những năm gần đây cũng tự túc được một phần hoặc nhập khẩu chủ yếu từ các nước lân cận. Những thị trường khác nhu cầu nhập khẩu gạo không nhiều, vì vậy, khu vực này sẽ không là trọng tâm xuất khẩu gạo của Việt Nam trong thời gian tới.

3. Giải pháp điều hành nhằm thúc đẩy xuất khẩu gạo sang khu vực thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á.

Nhằm đẩy mạnh xuất khẩu gạo sang châu Phi, trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ:

- Tăng cường công tác nghiên cứu, tuyên truyền, quảng bá về nhu cầu nhập khẩu gạo của những thị trường tiềm năng trong khu vực, các quy định xuất nhập khẩu trên các phương tiện thông tin đại chúng (báo hình, báo viết, website), tổ chức hội thảo tại các địa phương, giao thương trực tuyến,...

- Tiếp tục tìm hiểu cơ chế và đề xuất ký kết các Bản ghi nhớ về thương mại gạo với các nước có nhu cầu nhập khẩu gạo như Bờ Biển Ngà, Congo, Kenya, Angola, Mozambique, Madagascar... Theo dõi, đôn đốc và hỗ trợ doanh nghiệp đầu mối hai bên thực hiện các MOU về gạo đã ký (Sierra Leone, Guinea, Comoros).

- Giới thiệu khách hàng, hỗ trợ doanh nghiệp xác minh đối tác, đàm phán, ký kết hợp đồng, giải quyết các tranh chấp phát sinh.

- Tiếp tục chủ trì tổ chức và tham gia các đoàn giao thương, XTTM tại châu Phi trong đó chú trọng thúc đẩy xuất khẩu mặt hàng gạo.

- Đầu tư quảng bá thương hiệu gạo của Việt Nam tại châu Phi. Khuyến khích các doanh nghiệp chú trọng đến vấn đề thương hiệu gạo và tương quan chất lượng/giá cả.

- Tiếp tục phối hợp với VCCI, Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF) và Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC) tổ chức các Cuộc gặp ngân hàng, Cuộc gặp bên mua/bên bán về gạo nhằm thiết lập quan hệ giữa các ngân hàng thương mại Việt Nam và châu Phi, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu gạo, tạo điều kiện cho khâu thanh toán xuất nhập khẩu.

- Thiết lập cơ chế hợp tác giữa Bộ Công Thương, các Thương vụ, Hiệp hội Lương thực Việt Nam và các doanh nghiệp xuất khẩu gạo nhằm thúc đẩy xuất khẩu gạo sang châu Phi.

Nguồn: vietnamexport.com

Nguồn: Tin tham khảo