Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết lũy kế XK gạo từ đầu năm đến ngày 26-3-2015 đạt 719.171 tấn, kim ngạch 306,472 triệu USD. Đây là mức thấp nhất tính từ năm 2009 vì thông thường vào thời điểm này hàng năm, lượng XK gạo đạt từ 1,2-1,4 triệu tấn. Theo các DN và chuyên gia, đây chính là cơ hội để thương nhân Trung Quốc sử dụng thủ thuật “ép giá” gạo Việt Nam.
Thủ thuật “ép giá”
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung Quốc vẫn là thị trường NK gạo Việt Nam lớn nhất trong 2 tháng đầu năm 2015 với 20,9% thị phần, có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm 2014 (giảm 42,23% về khối lượng và giảm 46,03% về giá trị). Nguyên nhân giảm là do 2 tháng đầu năm Chính phủ Trung Quốc cấm NK gạo tiểu ngạch qua đường biên giới. Tuy nhiên, sang tháng 3-2015, ngay sau khi Chính phủ Trung Quốc cấp quota NK gạo trở lại, các thương nhân Trung Quốc đã tràn sang Việt Nam thu mua. Tình hình XK gạo nước ta sang thị trường này đang nóng trở lại. Nhiều ý kiến cảnh báo Trung Quốc chủ yếu mua gạo qua đường tiểu ngạch với giá cao hơn sẽ khiến nông dân lẫn DN Việt Nam mắc lại cái bẫy của những năm trước. Đó là các DN ào ạt bán gạo cho Trung Quốc, đến khi giá gạo thế giới tăng, các thị trường mua vào thì nước ta lại không còn gạo để XK. Các DN chế biến XK gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cho biết mấy tuần nay thương nhân Trung Quốc đã bắt đầu hỏi mua gạo với số lượng lớn.
Ông Nguyễn Văn Đôn - Giám đốc Công ty Việt Hưng (Tiền Giang) cho biết công ty ông vừa ký hợp đồng XK gần 30.000 tấn gạo sang Trung Quốc với giá bán cao hơn giá gạo trong nước 100-200 đồng/kg. Giá gạo 5% tấm tại cảng Mỹ Thới là 7.500-7.600 đồng/kg, trong khi giá trong nước chỉ 7.400 đồng/kg. Hợp đồng này sẽ giao trong tháng 4-2015 tới đây. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Đôn lưu ý thời điểm này thương nhân Trung Quốc không mua số lượng lớn, giá cũng không cao lắm mà chỉ là thăm dò thị trường, chờ giá xuống thấp nữa mới mua.
Ông Lâm Anh Tuấn - Giám đốc Công ty Lương thực Thịnh Phát (Bến Tre) cho rằng, do quá hiểu thị trường gạo Việt Nam, thương nhân Trung Quốc có thể dễ dàng nhận biết giá gạo hiện nay chưa phù hợp để thu mua. Nguyên nhân là do hợp đồng XK tập trung chưa nhiều, số lượng hợp đồng XK năm trước chuyển sang gối đầu quý I-2015 thấp và Việt Nam đang gặp sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường gạo thế giới với Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan, Myanmar. Ngoài ra, tình hình sẽ khó khăn hơn nếu thu hoạch xong vụ Đông Xuân mà gạo vẫn khó tiêu thụ thì có thể giá gạo sẽ còn giảm nữa, khi đó thương nhân Trung Quốc mới đẩy mạnh thu mua.
Ông Lâm Anh Tuấn cho biết, thương nhân Trung Quốc nhập chính ngạch phải chịu thuế phí khoảng 70-80 USD/tấn, trong khi nhập tiểu ngạch không chịu thuế phí. Thương lái Trung Quốc chỉ cần bỏ ra một khoản trong khoản được hưởng lợi nhờ XK tiểu ngạch để nâng giá thu mua lên là đã giết chết những DN Việt Nam bán chính ngạch rồi. Chưa kể với mức “tăng ảo” giá thu mua của thương lái Trung Quốc tạo ra khiến mặt bằng giá trong nước tăng, DN XK Việt Nam phải bán giá cao nhưng không ai mua. Không ký được hợp đồng với các thị trường khác buộc DN Việt phải quay lại bán cho Trung Quốc để giải phóng tồn kho.
Phải chủ động đối phó
Vấn đề đầu tiên cần đặt ra là vẫn còn một tỷ trọng không nhỏ khối lượng gạo Việt Nam XK sang Trung Quốc được thực hiện bằng phương thức buôn bán qua đường tiểu ngạch. Thực tế này ẩn chứa khá nhiều bất lợi, phức tạp và có thể gây hệ lụy hoặc thiệt hại cho DN của ta. Trong thực tế, không ít hợp đồng đã ký nhưng bị đối tác hủy bỏ vì nhiều nguyên nhân bất hợp lý, trong đó không loại trừ khả năng nhằm gây khó khăn, ép giá đối với DN Việt Nam. Khi rơi vào tình trạng như vậy, DN trong nước phải đối mặt với nhiều bất lợi như đã thu mua gạo và tồn trữ để chờ xuất hàng qua biên giới, phải chịu thêm chi phí bảo quản, trông giữ gạo, bị đe dọa hao hụt, nhất là ẩm mốc làm mất chất lượng gạo.
Theo một chuyên gia về thương mại lúa gạo, khâu yếu của DN XK lẫn hiệp hội và bộ, ngành là nhận định đánh giá thị trường. Trung Quốc dựa vào thế là nước tiêu thụ gạo lớn nhất thế giới, họ đã có những “thủ thuật” khiến giá gạo XK phải giảm theo ý họ. Theo đó, ngay từ đầu năm 2015, Trung Quốc đã ký một hợp đồng đặc biệt là Chương trình mua 2 triệu tấn gạo đổi lấy dự án đường sắt với Thái Lan. Tuy nhiên, việc thực hiện hợp đồng trên còn là thời gian, quan trọng là các nước XK gạo khác trong đó có Việt Nam thấy vậy sẽ lo ngại về đầu ra. Nhưng chúng ta cần nhớ rằng Trung Quốc đang phụ thuộc rất nhiều vào nguồn gạo NK vì dân số đông và theo dự báo của các tổ chức lương thực quốc tế thì năm 2015 Trung Quốc vẫn có nhu cầu NK gạo từ 3,5-4 triệu tấn. Các nước Pakistan, Thái Lan tuy giá bán gạo có rẻ nhưng chi phí vận chuyển tính vào lại cao hơn. Vì vậy, ngành gạo Việt Nam phải chủ động để điều chỉnh không bán giá quá thấp, nông dân bị thiệt hại. DN Việt Nam cần đặt mình ở thế chủ động hơn khi mua bán với thương lái Trung Quốc, cần tỉnh táo, cân nhắc kỹ càng, nhất là trong khâu thanh toán…
Ông Nguyễn Hùng Linh - Chủ tịch VFA cho rằng trong vài tháng tới đây, không chỉ Trung Quốc mà những nước khác như Philippines, Malaysia, Indonesia vẫn phải NK gạo với số lượng lớn để đáp ứng nhu cầu trong nước. Đáng chú ý, sắp tới Philippines sẽ mở gói thầu NK thêm 1 triệu tấn gạo. Đây là cơ hội rất lớn cho Việt Nam đồng thời lượng gạo hàng hóa của Việt Nam cũng không nhiều nên không đáng lo. Hơn nữa, đối thủ chính Thái Lan vẫn đang cố bán gạo tồn kho nhưng do gạo cũ khiến người tiêu dùng các thị trường cũng khó chấp nhận. Theo ông Linh, vào lúc này DN không nên mua bao nhiêu là bán hết cho thương nhân Trung Quốc mà cần chuẩn bị tốt kho trữ chờ đợi những hợp đồng ký với thị trường khác giá cao hơn.
Nguồn: baohaiquan.vn