Theo thông tin từ Hiệp hội gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFORES), xuất khẩu gỗ trong 3 tháng đầu năm 2015 giảm khoảng 6% so với cùng kỳ và chỉ đạt kim ngạch khoảng 1,5 tỷ USD. Nguyên nhân kim ngạch giảm là do thị trường xuất khẩu đang có nhiều khó khăn, giá bán gỗ cũng được cho là thấp hơn so với năm trước.

Ông Nguyễn Tôn Quyền – Phó chủ tịch VIFORES cho biết, năm nay các DN ngành gỗ sẽ vô cùng khó khăn, nhất là đối với các DN hoạt động tại khu vực miền Trung. Chỉ có các DN đầu tư trong nước sản xuất sản phẩm gỗ của Bình Dương là có khả năng chống chọi tốt hơn các vùng khác như Bình Định, Đà Nẵng, TP.HCM. Tuy nhiên, trên thực tế, các DN này cũng đang phải xoay xở rất nhiều trước những khó khăn mới.

Phân tích một cách chi tiết hơn, ông Quyền nói, hiện nay giá thành đầu vào đang tăng cao đẩy giá sản phẩm cao hơn nhiều so với thời điểm cuối năm 2014. Trong khi đó, các DN gỗ tại miền Trung lại chủ yếu làm hàng ngoại thất, xuất khẩu qua EU, mà thị trường này đang gặp vấn đề về tỷ giá. “Hiện tỷ giá đã giảm khoảng 20%, như vậy các DN đã ký hợp đồng từ năm 2014 sẽ mất đi 20% lợi nhuận do không thể đàm phán lại đơn hàng”, ông Quyền khẳng định.

Để ứng biến với các khó khăn mới, ông Quyền cho biết, ngành gỗ mấy năm trở lại đây đang có xu hướng xích lại gần nhau, hỗ trợ nhau cùng tiến chứ không phải loại bỏ hay sàng lọc. Cụ thể, đối với những DN lớn, có tiềm lực đã đứng ra nhận các đơn hàng với số lượng lớn, sau đó tìm các DN nhỏ làm vệ tinh cho mình. Với cách làm này, DN lớn không phải mất thời gian xây dựng thêm nhà xưởng mà vẫn có thể sản xuất được sản phẩm với số lượng lớn, chất lượng. Còn các DN nhỏ thì sẽ không phải đi đàm phán hợp đồng mà vẫn có giá đầu ra. Những DN liên kết hiệu quả phải kể tới như Út Len, Công ty gỗ Nam Định, Công ty Tiến Đạt…

Nguồn:  Báo Công Thương điện tử

Nguồn: Vinanet