Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong tháng 11 khối lượng và giá trị xuất khẩu của hầu hết các mặt hàng nông - lâm - thuỷ sản đều có sự tăng trưởng khả quan, ngoại trừ mặt hàng cà phê và sắn là giảm nhẹ. Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản tháng 11/2010 ước đạt 1,75 tỷ USD, đưa giá trị xuất khẩu 11 tháng lên 17,23 tỷ USD, tăng 22,51% so với cùng kỳ.
Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 8,82 tỷ USD, so với cùng kỳ năm trước tăng tới 21,98%, thuỷ sản ước đạt 4,55 tỷ USD, tăng 17,86% so cùng kỳ, lâm sản ước đạt 3,23 tỷ USD, tăng 31,42% so với cùng kỳ.
Cụ thể, xuất khẩu gạo tháng 11 đạt 500 ngàn tấn, thu về 235 triệu USD. Lượng gạo xuất khẩu 11 tháng đầu năm 2010 ước đạt 6,3 triệu tấn, với giá trị 2,95 tỷ USD, so với cùng kỳ năm trước tăng 12,3% về lượng và 17,77% về giá trị. Giá XK bình quân chung 10 tháng đầu năm đạt 467 USD/tấn tăng 4,59% giá gạo bình quân cùng kỳ năm ngoái. Với việc Nga giảm 1/3 vụ mùa và cấm xuất khẩu lúa mỳ đến năm 2011, thương mại lúa mỳ gấp 5 lần thương mại gạo, do đó việc chuyển nhu cầu tiêu dùng từ lúa mỳ sang lúa gạo sẽ khiến giá gạo của thế giới tiếp tục tăng. Thị trường tiêu thụ lớn nhất của Việt Nam vẫn là Philipin (chiếm 34,79% tổng giá trị), mặc dù lượng xuất khẩu 10 tháng sang thị trường này chỉ bằng 93% cùng kỳ năm ngoái nhưng giá trị vẫn tăng 10,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Mặt hàng cà phê, xuất khẩu tháng 11 ước đạt 60 ngàn tấn, với giá trị đạt 100 triệu USD, 11 tháng đạt 1,03 triệu tấn, kim ngạch 1,52 tỷ USD, so cùng kỳ năm trước giảm nhẹ về cả lượng và giá trị. Giá cà phê xuất khẩu bình quân 10 tháng năm 2010 là 1.459 USD/tấn thấp hơn cùng kỳ năm ngoái 18 USD/tấn. Hai thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam là Đức (chiếm tỷ trọng giá trị 13,58%) và Hoa Kỳ (13,03%) tăng trưởng khá, tăng trên 20% cả về lượng và giá trị. Một số thị trường lớn khác thì có sự thụt lùi đáng kể, chẳng hạn như Bỉ (năm 2009 là thị trường tiêu thụ đứng đầu của cà phê Việt Nam) chỉ bằng xấp xỉ 1/3 lượng và giá trị so với cùng kỳ năm 2009. Với năng lực tài chính có hạn, đa số các các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê Việt Nam đều phải bán hàng theo phương thức trừ lùi nên phần lớn các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê đều không có lãi.
Trong những tháng cuối năm giá cao su có xu hướng tăng do nguồn cung cao su ở Thái Lan, Malaysia, Indonesia giảm vì thiên tai, trong khi nhu cầu những tháng cuối năm lại tăng cao ở thị trường Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ và Nhật Bản. Giá cao su xuất đã tăng cao nhất từ trước tới nay. Giá trung bình 10 tháng đầu năm đạt 2.819 USD/tấn, tăng 1.270 USD/tấn so với cùng kỳ năm ngoái. Ước xuất khẩu cao su tháng 11 đạt 80 ngàn tấn, giá trị đạt 250 triệu USD, đưa lượng cao su xuất khẩu 11 tháng năm 2010 lên 672 ngàn tấn, thu về 1,92 tỷ USD, tăng 4,84% về lượng và tới 86,37% về giá trị. Tăng trưởng xuất khẩu cao su được thấy ở hầu hết các thị trường lớn, thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc, chiếm 58,5% giá trị xuất khẩu.
Mặt hàng Chè, tháng 11, xuất khẩu ước đạt 15 ngàn tấn, với giá trị 20 triệu USD, 11 tháng đầu năm 2010 ước đạt 125 ngàn tấn, với kim ngạch 182 triệu USD, so với cùng kỳ năm trước tăng nhẹ về lượng nhưng giá trị tăng 11,52%. Theo xu hướng chung của các mặt hàng nông sản, giá chè năm nay cũng tăng khá. Giá bình quân 10 tháng đạt 1.466 USD/tấn (cao hơn giá cà phê), tăng 11,66% so với cùng kỳ năm 2009. Pakixtan vẫn giữ được vị trí là nước tiêu thụ chè lớn nhất của Việt Nam, nhưng năm nay lại có sự sụt giảm mạnh cả về lượng (-24,44%) và giá trị (-8,27%) so với cùng kỳ năm trước.
Hạt điều ước tháng 11, xuất khẩu đạt 20 ngàn tấn với kim ngạch 115 triệu USD, 11 tháng 2010 ước đạt 179 ngàn tấn, kim ngạch 1 tỷ USD, tăng 10,55% về lượng và 31,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2009, chưa bao giờ giá trị xuất khẩu điều đạt cao đến vậy. Việt Nam tiếp tục giữ vững là nước xuất khẩu hạt điều nhân đứng thứ 1 thế giới. Giá hạt điều xuất khẩu bình quân 10 tháng đạt 5.621 USD/tấn tăng 941 USD/tấn so với cùng kỳ năm trước. Hầu hết các thị trường tiêu thụ lớn đều có sự tăng trưởng mạnh. Các thị trường tiêu thụ hạt điều lớn của Việt Nam là Hoa Kỳ (chiếm tỷ trọng giá trị 33,1%), Trung Quốc (15,02%), Hà Lan (13,61%).
Cũng trong tháng 11, xuất khẩu tiêu ước đạt 6 ngàn tấn, kim ngạch đạt 30 triệu USD, 11 tháng đầu năm 2010 đạt 110 ngàn tấn, kim ngạch 390 triệu USD, so cùng kỳ năm trước lượng giảm 13,07% nhưng giá trị tăng tới 20,58%. Giá tiêu xuất khẩu bình quân 10 tháng đạt 3.455 USD/tấn, tăng 37,91% so với năm trước do giá xuất khẩu những tháng cuối năm tăng mạnh. Ba thị trường tiêu thụ đứng đầu tăng trưởng khá, Hoa Kỳ (chiếm 14,24%) tăng 16,24% về lượng và 40,94% về giá trị, Đức (chiếm 13,19%) tăng 5,38% về lượng và 43,64% về giá trị, Tiểu vương quốc Arập thống nhất (chiếm 9,78%) tăng 5,79% về lượng và 60,58% về giá trị.
Gỗ và sản phẩm gỗ ước kim ngạch xuất khẩu tháng 11 đạt 300 triệu USD, đưa kim ngạch xuất khẩu 11 tháng 2010 đạt 3 tỷ USD, tăng so với cùng kỳ năm trước 32,64%. Tất cả các thị trường tiêu thụ lớn đều tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm trước, Hoa Kỳ tăng 30,97%, Nhật Bản 18,93%...
Mặt hàng thủy sản có sự tăng trưởng đáng kể, ước giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản tháng 11 đạt 540 triệu USD, nâng tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản 11 tháng lên 4,55 tỷ USD, tăng 17,86% so với cùng kỳ năm 2009. Xuất khẩu thuỷ sản có sự tăng trưởng khá ở hầu hết các thị trường lớn như Hoa Kỳ tăng 27,26%, Nhật Bản tăng 17,44%, Hàn Quốc tăng 17,79%./.
 

Nguồn: Tin kinh tế hàng ngày