Từng đóng vai trò quan trọng trong bức tranh XK chung nhưng đến nay, vị trí nhóm hàng nông, lâm, thủy sản đang giảm rõ rệt. Nguyên nhân chính của tình trạng này xuất phát từ việc giá giảm.
Việc kim ngạch XK nhóm hàng này sụt giảm là ảnh hưởng tiêu cực đến tổng kim ngạch XK hàng hóa cả nước. Mặc dù năm 2013 Quốc hội đặt ra mục tiêu khá khiêm tốn là kim ngạch XK hàng hóa cả nước tăng 10% so với năm trước, song nếu kim ngạch XK nhóm hàng nông, lâm, thủy sản sụt giảm mạnh thì sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu này. Bên cạnh đó, sự sụt giảm kim ngạch XK nông, lâm, thủy sản kéo theo sự giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế của cả nước. Ngoài ra, do XK nhóm hàng này sụt giảm, đời sống của một bộ phận lớn người lao động làm nông nghiệp và nuôi bắt thủy sản vốn đã khó khăn nay càng khó khăn hơn.
Vai trò chủ đạo đang giảm
Từ cuối thập niên 1980, nông, lâm, thủy sản đóng vai trò quan trọng trong XK và hiện vẫn duy trì vai trò này. Nhiều sản phẩm xếp hạng XK hàng đầu thế giới như cà phê, hạt tiêu, hạt điều xếp thứ 1 thế giới, gạo đứng thứ 2, cao su đứng thứ 3, thủy sản đứng thứ 4 (trong đó cá tra đứng thứ 1), chè đứng thứ 8. Trong 5 năm gần đây (2008-2012), tỷ trọng của nông, lâm, thủy sản tuy dao động lên xuống tùy năm song luôn chiếm trên dưới 1/4 tổng kim ngạch XK hàng hóa cả nước. Xét theo giá trị, kim ngạch XK nông, lâm, thủy sản những năm gần đây vẫn liên tục tăng (từ 16,5 tỷ USD năm 2008 lên 27,5 tỷ năm 2012).
Tuy nhiên, nếu xét theo tỷ trọng trong tổng kim ngạch XK, tầm quan trọng của nhóm hàng này có xu hướng liên tục giảm từ năm 2009 đến nay. Nếu năm 2009 tỷ trọng này là 27,2% thì đến năm 2012 tỷ trọng chỉ còn 24,1%. Xét về nhịp độ tăng, tăng trưởng XK nhóm hàng nông, lâm, thủy sản có những năm đạt rất cao như năm 2008 đạt 24,5%, năm 2010 đạt 24,0%, năm 2011 đạt 31,4%. Song có những năm tốc độ tăng trưởng đạt thấp như năm 2009, 2012 và 2013. Năm 2009, tốc độ tăng trưởng XK nhóm hàng này đạt âm (-6,7%) do ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Năm 2012, tốc độ tăng trưởng XK nhóm hàng này giảm mạnh so với 2 năm trước đó xuống chỉ còn 9,6%, đồng thời tỷ trọng nhóm hàng này trong tổng kim ngạch XK tiếp tục xu hướng giảm từ năm 2009 đến nay. Trong 9 tháng đầu năm 2013, xu hướng giảm này vẫn tiếp diễn khi tỷ trọng của nhóm hàng này giảm tiếp còn 21,2%. Ðáng lo ngại là tăng trưởng XK của nhóm hàng này trong 9 tháng đầu năm 2013 giảm 6,5% so với cùng kỳ 2012, trong khi tăng trưởng XK chung cả nước vẫn đạt 15,7%.
Do giá giảm
Nguyên nhân của sự giảm nhịp độ tăng trưởng XK nông, lâm, thủy sản từ năm 2012 đến nay trước hết là do giá XK trên thị trường thế giới giảm mạnh. Mới 2 năm trước đó (2010-2011), giá XK của hầu hết các nhóm hàng nông, lâm, thủy sản đều tăng, tăng mạnh nhất là giá cao su (mức tăng tương ứng là 56,5% và 45,7% trong năm 2010 và 2011), hạt điều (19,8% và 38,6%), gạo (2,2% và 62,1%), cà phê (2,1% và 48%), thủy sản (5,4% và 17,7%). Song đến năm 2012, trong bối cảnh kinh tế tòan cầu ảm đạm, giá XK nhiều nhóm hàng nông, lâm, thủy sản đã đảo chiều giảm, trong đó giảm mạnh nhất là giá cao su (-31,48%), gạo
(-11,03%), hạt điều (-17,98%). Bù lại, lượng XK năm 2012 của nhiều nhóm hàng tăng khá, trong đó tăng mạnh nhất là sắn và sản phẩm từ sắn (55,2%), cà phê (37,9%), hạt điều (25,6%), gạo (13,1%). Do lượng XK tăng nên mặc dù giá giảm, XK nông, lâm, thủy sản năm 2012 xét về kim ngạch vẫn tăng 2,4 tỷ USD so với năm 2011. Tuy nhiên, do giá giảm mạnh nên tốc độ tăng trưởng XK nông, lâm, thủy sản và tỷ trọng nhóm hàng này trong XK đều giảm đáng kể.
9 tháng đầu năm 2013, xu hướng giảm giá của nhóm hàng này vẫn tiếp tục. Trong số 9 mặt hàng XK lớn nhất của nhóm hàng nông, lâm, thủy sản, giá của 7 mặt hàng giảm, trong đó giảm mạnh nhất là cao su
(-17,84%), gạo (-7,32%), hạt điều (-7,52%). Chỉ có 2 mặt hàng có giá tăng là rau quả, sắn và sản phẩm từ sắn. Ðáng lo ngại hơn là cùng với xu hướng giảm giá, lượng XK của nhiều mặt hàng trong 9 tháng đầu năm 2013 cũng giảm, trong đó giảm mạnh là cà phê
(-22,5%), sắn và sản phẩm từ sắn (-28,3%), gạo (-12,3%). Do nhiều mặt hàng giảm giá hoặc giảm lượng XK hoặc giảm cả hai, nên kim ngạch XK nông, lâm, thủy sản 9 tháng đầu năm 2013 tăng trưởng âm (-6,5%) so với cùng kỳ 2012, mức tăng trưởng âm đầu tiên kể từ năm 2009 đến nay. Dự báo cả năm 2013, kim ngạch XK nông, lâm, thủy sản có khả năng giảm hoặc hầu như không tăng so với năm 2012.
Ngoài nguyên nhân chính là giá giảm, XK nhóm hàng này năm 2013 gặp khó khăn còn do các nguyên nhân khác. Thứ nhất, do ảnh hưởng suy thoái kinh tế, nhu cầu NK tại một số thị trường lớn có sự sụt giảm nhất định, đồng thời, rào cản thương mại do các nước NK dựng lên ngày càng nhiều, yêu cầu chất lượng ngày càng khắt khe, khiến XK ngày càng khó khăn. Thứ hai, hầu hết nông, lâm, thủy sản của Việt Nam chưa có thương hiệu trên thị trường thế giới. Do sản xuất nông, lâm, thủy sản phần lớn nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu, thiếu liên kết theo chuỗi giá trị, nên với một mặt hàng mỗi nơi làm một kiểu khiến sản phẩm không theo chuẩn thống nhất, chất lượng không đều, khó xây dựng thương hiệu. Chẳng hạn mặt hàng gạo, tuy Việt Nam là nước XK gạo lớn nhất nhì thế giới, song gạo Việt Nam hiện chưa có một thương hiệu nào. Thứ ba, thiếu nguồn nguyên liệu ổn định và đảm bảo chất lượng cho XK. Chẳng hạn trong lĩnh vực thủy sản, do nuôi không đúng kỹ thuật, nên tôm cá chết hàng lọat dẫn đến nguồn nguyên liệu bị thiếu hụt. Thứ tư, do tình hình kinh tế trong nước khó khăn, nhiều DN sản xuất và XK đã phải ngừng hoạt động, giải thể, phá sản hoặc thu hẹp quy mô sản xuất.
Thay đổi chiến lược
Nông, lâm, thủy sản đóng vai trò quan trọng trong XK. Nhiều mặt hàng nông, lâm, thủy sản nằm trong nhóm các sản phẩm XK hàng đầu của Việt Nam và nhiều sản phẩm đã vươn lên vị trí XK hàng đầu thế giới (như cà phê, hạt tiêu, hạt điều, cá tra, gạo, thủy sản, cao su). Tuy nhiên, từ năm 2012 đến nay, tốc độ tăng trưởng XK nông, lâm, thủy sản và tỷ trọng nhóm hàng này trong tổng kim ngạch XK hàng hóa cả nước đã giảm đáng kể, ảnh hưởng đến XK cả nước và đời sống của một bộ phận lớn người lao động. Để XK nhóm hàng nông, lâm, thủy sản phát triển một cách bền vững, hiệu quả và mang lại lợi ích lớn hơn cho đất nước, cần thực hiện một số giải pháp sau:
Thứ nhất, cần chuyển từ chiến lược liên tục tăng số lượng XK nông, lâm, thủy sản hiện nay sang chiến lược XK sản phẩm có chất lượng và giá trị cao hơn. Nói cách khác, cần chuyển từ chiến lược XK dựa chủ yếu vào số lượng hiện nay sang dựa vào chất lượng.
Thứ hai, cần phát triển ngành công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản, để chuyển từ XK chủ yếu nguyên liệu thô hiện nay sang XK các sản phẩm chế biến có giá trị gia tăng cao.
Thứ ba, cần có chiến lược xây dựng được thương hiệu cho các mặt hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam trên thị trường thế giới, đặc biệt đối với các sản phẩm XK hàng đầu hiện nay như gạo, cà phê, hạt tiêu, hạt điều, chè, tôm, cá tra.
Thứ tư, về dài hạn cần tiến đến một nền sản xuất nông, lâm, thủy sản quy mô, tập trung, hiện đại, có sự liên kết chặt chẽ theo chuỗi giá trị. Có như vậy mới đảm bảo được chất lượng và năng lực cạnh tranh của nông, lâm, thủy sản của Việt Nam trên thị trường thế giới.
(HQ)