Giá trị xuất khẩu nông, lâm và thủy sản từ đầu năm đến nay đạt 12 tỷ USD, tăng gần 39% so với cùng kỳ. Các mặt hàng nông sản vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất với kim ngạch xấp xỉ 7 tỷ USD, tăng 52,9%; tiếp đến là thủy sản 2,6 tỷ USD, tăng 28%; lâm sản 1,9 tỷ USD, tăng 16,8%...

Theo Bộ Công thương, với kết quả tăng trưởng mạnh mẽ, giá trị nhóm hàng xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đã chiếm 23% trong tỷ trọng tổng kim ngạch xuất khẩu (tổng kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm của Việt Nam đạt 42,3 tỷ USD).

Bứt phá ngoạn mục

Nổi bật trong các mặt hàng nông sản xuất khẩu là gạo, đạt 4 triệu tấn, kim ngạch xấp xỉ 2 tỷ USD. Mặc dù lượng gạo xuất khẩu sang thị trường truyền thống là Philippines giảm mạnh, nhưng bù lại xuất khẩu gạo Việt Nam lại có sự tăng trưởng vượt bậc ở các thị trường khác như Indonesia, Cuba và Malaysia. Ngành nông nghiệp cũng đã đóng góp thêm hai mặt hàng mới là cà phê và cao su vào thị trường xuất khẩu với kim ngạch trên 1 tỷ USD. Mặt hàng cà phê xuất khẩu 6 tháng đạt 913.000 tấn với giá trị xấp xỉ 2 tỷ USD, tăng 38,6% về lượng và gấp hơn 2 lần về giá trị. Theo nhận định của các chuyên gia, giá cà phê xuất khẩu tiếp tục xu hướng có lợi cho người trồng, bình quân đạt 2.184 USD/tấn. Các thị trường tiêu thụ cà phê lớn của Việt Nam cũng tăng trưởng mạnh, như Bỉ thị trường lớn thứ hai sau Hoa Kỳ đạt giá trị 178,5 triệu USD và gấp gần 6 lần so với năm trước. Đối với mặt hàng cao su, xuất khẩu đạt 274.000 tấn, trị giá 1,2 tỷ USD. Mặt hàng này dù chỉ tăng 14,6% về lượng nhưng giá trị tăng tới hơn 80%. Giá cao su tăng liên tục, với mức bình quân đạt 4.372 USD/tấn, trong khi nhu cầu ở hầu hết các thị trường tiêu thụ cao su lớn của Việt Nam vẫn tăng trưởng khả quan.

Theo Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc, giá nông sản, lương thực và nhu yếu phẩm trên thế giới tăng cao chưa từng thấy kể từ năm 1990 tới nay và chưa có dấu hiệu giảm. Đây là một yếu tố có lợi và cũng ghi nhận sự nỗ lực lớn của ngành nông nghiệp trong hoàn cảnh chịu tác động từ một loạt yếu tố trong nước như lạm phát, chi phí đầu vào và lãi suất tăng cao, cộng với những tác động bên ngoài từ động đất ở Nhật Bản, bất ổn ở châu Phi, khủng hoảng nợ ở châu Âu…

Tiếp tục nâng cao chất lượng, tìm thị trường mới

Các chuyên gia kinh tế nông nghiệp nhận định, mặc dù đã đạt được những tiền đề quan trọng nhưng tình hình thị trường từ nay đến cuối năm sẽ còn diễn biến phức tạp vì bị tác động bởi dịch bệnh, những biện pháp bảo hộ phi thuế dành cho nông nghiệp gần như được bãi bỏ, hầu hết hàng hóa đều được quản lý theo các tiêu chuẩn kỹ thuật... Mặt khác, một số quy định mới trong lĩnh vực xuất, nhập khẩu nông sản cũng dự báo tác động đến kết quả xuất khẩu. Cụ thể, với mặt hàng xuất khẩu chủ lực gạo, theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, khó khăn lớn nhất hiện nay là việc thực hiện Nghị định 109 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo và Thông tư 44 của Bộ Công thương quy định chi tiết các quy định về kho tàng, bến bãi có hiệu lực từ ngày 1-10-2011. Theo quy định mới này, các thương nhân không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu do Bộ Công thương cấp sẽ không được xuất khẩu gạo. Tuy nhiên đến nay, Bộ Công thương mới cấp được khoảng 12-13 giấy phép, trong khi có đến 210 đầu mối xuất khẩu gạo. Trước tình hình này, Bộ Công thương đã có văn bản đề nghị Bộ NN&PTNT xem xét, sửa đổi quy chuẩn tạm thời về yêu cầu kỹ thuật kho chứa thóc chuyên dùng và cơ sở xay xát thóc gạo phục vụ xuất khẩu theo hướng giảm bớt các yêu cầu kỹ thuật, chỉ bắt buộc đáp ứng những điều kiện căn bản nhất và có lộ trình hoàn chỉnh.

Bên cạnh những vấn đề nêu trên, theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, những tháng cuối năm, ngành nông nghiệp phải đối mặt với những vấn đề như tăng giá trị sản lượng nhưng giá trị gia tăng thấp; dịch bệnh gia súc, gia cầm luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát; dịch bệnh trên tôm, nghêu tại những vùng nuôi công nghiệp lớn; quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm nhiều bất cập... Ngoài ra, để tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu nông sản, trong thời gian tới ngành nông nghiệp tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh hỗ trợ cho nông dân đầu tư sản xuất, nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm nông sản. Cùng với đó, tăng cường kiểm soát chất lượng các mặt hàng xuất khẩu, xúc tiến thương mại ở các thị trường truyền thống, kích cầu cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, có định hướng phát triển cụ thể đối với từng mặt hàng chủ lực. Bộ NN&PTNT cũng đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương triển khai các biện pháp hỗ trợ xuất khẩu như tổ chức các sự kiện quảng bá, giới thiệu sản phẩm để khai thác thị trường mới; chủ động làm việc với các tổ chức, các quốc gia giải quyết rào cản kỹ thuật thương mại; sớm xây dựng mới các tiêu chuẩn Việt Nam về chế biến bảo quản thủy sản...

(HNM)

Nguồn: Hà Nội mới ngày