Số vụ tôm Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ, Nhật và EU bị từ chối ngày càng tăng, nguyên nhân chủ yếu do dư lượng kháng sinh vượt mức cho phép. Đây là 3 thị trường có tỷ trọng chiếm tới hơn 57% kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam.

4 tháng, 36 lô tôm bị trả lại

Theo tin từ Bộ Công thương, chỉ trong vòng 4 tháng, có 36 lô hàng tôm của Việt Nam bị từ chối nhập khẩu vào 3 thị trường lớn nhất là Mỹ, Liên minh châu Âu và Nhật Bản vì lý do dư lượng kháng sinh vượt mức cho phép.

Trong đó, Nhật Bản từ chối 7 lô hàng, Liên minh châu Âu từ chối 4 lô hàng và Mỹ là 25 lô hàng. Trước đó, trong năm 2014, ba quốc gia này cũng đã từ chối 92 lô hàng tôm của Việt Nam.

Trên thực tế, trong quý đầu tiên của năm 2015, lượng tôm của nước ta xuất khẩu vào 3 thị trường trên đã bị giảm đáng kể. Xuất sang Mỹ giảm gần 56% so với năm 2014 (chỉ đạt hơn 116,3 triệu USD), xuất khẩu sang Nhật Bản giảm 27,6% (chỉ đạt 103,7 triệu USD), sang EU giảm 3,1% (108,5 triệu USD).

Với tỷ trọng chiếm tới hơn 57% kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam, ba thị trường này có vai trò quan trọng và việc giảm lượng xuất khẩu vào đây khiến cho doanh thu xuất khẩu tôm của nước ta bị giảm đáng kể.

Thời gian gần đây, Mỹ, EU và Nhật đều đang nâng cấp các tiêu chuẩn nhập khẩu và kiểm tra kháng sinh gắt gao hơn, điều này khiến xuất khẩu tôm ngày càng khó khăn và có nguy cơ cao bị giảm thị phần tại 3 thị trường này.

Đặc biệt, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đang tập trung kiểm tra dư lượng kháng sinh trong tôm nhập khẩu. Được biết, chỉ trong 2 tháng đầu năm, FDA đã từ chối số lô hàng tôm nhập khẩu tương đương 1/3 tổng lô tôm bị từ chối trong năm 2014.

Không cải thiện sẽ mất uy tín, mất thị trường

Trên thực tế, tình trạng quá lạm dụng hóa chất, kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản đã diễn ra lâu nay ở nước ta và hệ lụy là nhiều DN thiệt hại lớn khi bị thị trường xuất khẩu từ chối. Đồng thời, Mỹ, EU và Nhật cũng đã ra nhiều cảnh báo sẽ ngừng nhập khẩu tôm Việt Nam nếu những sự việc này không được khắc phục.

Gần đây nhất, vào tháng 12/2014, EU đã cảnh báo tôm Việt Nam có kháng sinh Oxytetracycline vượt mức giới hạn cho phép và tình trạng này ngày càng gia tăng đột biến. Đồng thời còn yêu cầu Việt Nam khắc phục khẩn cấp trước ngày 9/1/2015, nếu không EU sẽ có biện pháp kiểm soát bổ sung hoặc có thể ngừng nhập thủy sản từ Việt Nam.

Trên thực tế, sau khi có các thông báo từ các thị trường xuất khẩu, nhất là Mỹ, EU và Nhật bản tới các thương vụ của nước ta thì Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng đã "vào cuộc" tuyên truyền và thực hiện các giải pháp khắc phục. Đặc biệt, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã mạnh tay chấn chỉnh tình trạng lạm dụng hóa chất, khánh sinh trong nuôi trồng thủy sản.

Tuy nhiên, qua 4 tháng đầu năm, dường như vẫn chưa khắc phục hiệu quả tình trạng trên khi liên tục có các lô hàng bị thị trường từ chối, trả về. Nếu tình trạng này tiếp tục gia tăng trong thời gian tới thì nguy cơ tôm Việt bị mất uy tín, giảm thị phần và mất dần thị trường xuất khẩu sẽ trở thành hiện thực trong tương lai không xa.

Theo số liệu của Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản (Nafiqad), số lô hàng nhiễm hóa chất, kháng sinh sang thị trường EU đã tăng gấp 7 lần, từ 7 lô hàng năm 2013 lên 51 lô hàng năm 2014 bị cảnh báo. Đối với thị trường Mỹ, so với năm 2013, năm 2014 có số lô hàng bị cảnh báo tăng 1,6 lần, với 58 lô hàng.

Nguồn: thoibaotaichinhvietnam.vn

Nguồn: Tin tham khảo