Thương vụ Việt Nam tại Đức cho hay cơ hội đưa hàng Việt Nam vào Đức còn cao. Người tiêu dùng Đức sẵn sàng sử dụng sản phẩm chất lượng tốt, giá cả cạnh tranh từ các quốc gia đang phát triển.
Bên cạnh đó, số người châu Á nói chung và người Việt Nam nói riêng đang sinh sống, làm việc và học tập tại Đức ngày càng tăng trong những năm gần đây. Lượng người tiêu dùng này có xu hướng sử dụng nhiều các sản phẩm châu Á, trong đó có sản phẩm của Việt Nam.
“Người tiêu dùng của Đức cũng ngày một cởi mở hơn trong việc sử dụng các sản phẩm châu Á nói chung và từ Việt Nam nói riêng. Họ sẵn sàng sử dụng các sản phẩm nhập khẩu từ các quốc gia đang phát triển nếu sản phẩm đó có xuất xứ rõ ràng, có chất lượng tốt và giá cả cạnh tranh. Trong khi đó, Việt Nam có nhiều sản phẩm thế mạnh mà người tiêu dùng Đức có nhu cầu cao hoặc đang gia tăng nhu cầu sử dụng như đồ gỗ, may mặc, giày dép, cà phê, rau quả nhiệt đới…”, Thương vụ Việt Nam tại Đức cho biết.
Ngoài ra, Đức đang có xu hướng tìm các nhà cung cấp từ Việt Nam để tách dần sự phụ thuộc vào Trung Quốc.
Bên cạnh đó, lợi thế từ Hiệp định EVFTA cũng là cơ hội tốt cho hàng xuất khẩu của Việt Nam. Theo thương vụ, Việt Nam là một trong số ít các nước ở châu Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore,…) đã có FTA với EU, do đó hàng hóa Việt Nam có lợi thế hơn so với các đối thủ cạnh tranh từ nhiều nước khác trong khu vực khi được hưởng ưu đãi thuế quan cũng như các lợi thế khác từ Hiệp định EVFTA.
Tiềm năng rất lớn, song để xuất khẩu vào thị trường này doanh nghiệp sẽ phải đáp ứng cá tiêu chuẩn khắt khe. Chẳng hạn các yêu cầu nhập khẩu bắt buộc về vệ sinh an toàn thực phẩm, về tiêu chuẩn kỹ thuật và các quy định nhập khẩu khác của Đức cũng như EU rất khắt khe và khó đáp ứng hơn nhiều thị trường xuất khẩu khác của Việt Nam. Các chế tài xử phạt đối với việc vi phạm các quy định nhập khẩu cũng rất nghiêm khắc. Hàng hóa bị phát hiện vi phạm các yêu cầu nhập khẩu bắt buộc của Đức có nguy cơ buộc trả về hoặc tiêu hủy tại chỗ.
Hơn nữa, Đức có khoảng cách địa lý xa Việt Nam nên chi phí vận chuyển và bảo quản hàng hóa xuất khẩu sang thị trường này cao dẫn đến giá thành sản phẩm bị tăng lên và khó cạnh tranh với hàng hóa từ những nước có vị trí địa lý gần Đức như một số nước Nam Mỹ, Bắc Phi.
Bên cạnh đó, mức độ cạnh tranh tại thị trường Đức hiện tương đối cao. Tính đến nay, EU đã có tổng cộng 42 FTA đã có hiệu lực với 79 đối tác, và dành cơ chế ưu đãi GSP cho 67 nước đang và kém phát triển. Ngoài ra, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam cũng phải cạnh tranh gay gắt với hàng Trung Quốc, quốc gia xuất khẩu nhiều nhất sang Đức. Trong khi đó, sản phẩm Việt Nam chưa đảm bảo tính ổn định, chất lượng, hạn chế về hình thức mẫu mã, chủng loại.
Để xuất khẩu sang thị trường Đức, theo Thương vụ Việt Nam tại Đức doanh nghiệp cần lưu ý về các quy định tiêu chuẩn kỹ thuật của EU đối với sp đồ gỗ, dệt may, giày dép như các quy định liên quan đến an toàn sản phẩm, hạn chế sử dụng một số hóa chất trong sản phẩm, quy định về gắn nhãn CE… và đặc biệt là các quy định liên quan đến trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp
Lưu ý về quy tắc xuất xứ để hưởng ưu đãi thuế quan trong EVFTA…. Bởi, thực tế nhiều nguyên liệu sản xuất và các loại sản phẩm của Việt Nam hiện vẫn đang phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu, đặc biệt từ Trung Quốc và một số nước châu Á khác. Việc đáp ứng quy tắc xuất xứ trong EVFTA là một thách thức không nhỏ đối với doanh nghiệp Việt để tận dụng ưu đãi thuế quan từ Hiệp định này. Khi bị nghi ngờ về xuất xứ, Hải quan Đức sẽ yêu cầu nhà nhập khẩu đóng khoản thuế bảo lãnh và khoản thuế này sẽ được hoàn lại khi có kết quả xác minh tính chính xác của bộ chứng từ về quy tắc xuất xứ theo quy định trong EVFTA.

Thống kê của Tổng cục Hải quan, tính đến hết tháng 7 năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam – Đức đạt khoảng 6,47 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Đức đạt khoảng 4,37 tỷ USD (giảm 15,6%) và nhập khẩu từ Đức vào Việt Nam đạt trên 2,1 tỷ USD (giảm 0,6%) so với cùng kỳ năm 2022.

Kim ngạch xuất khẩu các loại máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt trên 683 triệu USD, giảm 20,4% so với cùng kỳ năm 2022. Nguyên nhân là do xung đột địa chính trị thế giới diễn biến phức tạp, kéo dài làm ảnh hưởng đến chuỗi hoạt động sản xuất kinh doanh như: Chi phí logistics tăng cao, giá nguyên liệu, vật tư sản xuất đầu vào tăng cao… Mức lạm phát ở Đức vẫn còn ở mức cao, tác động nhất định đến xu hướng thắt chặt chi tiêu mua sắm các sản phẩm không thiết yếu.
 

Nguồn: Haiquanonline