Nối dài danh sách xuất khẩu
Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam và Trung Quốc đã ký 21 Thỏa thuận ghi nhớ, Nghị định thư về xuất, nhập khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản giữa hai nước. Hiện đã có nhiều mặt hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam được xuất khẩu sang Trung Quốc, trong đó, có 12 mặt hàng rau quả (gồm: dưa hấu, măng cụt, thạch đen, sầu riêng, chuối tươi, khoai lang, thanh long, chôm chôm, xoài, vải, nhãn, mít); tổ yến, bột cá và một số sản phẩm phục vụ sản xuất, chế biến thức ăn chăn nuôi; mặt hàng sữa và thủy sản các loại.
Đáng chú ý, tại buổi hội đàm mới đây giữa đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Việt Nam) và Tổng cục Hải quan (Trung Quốc), hai bên đã thống nhất về quan hệ hợp tác trong lĩnh vực thương mại và mở cửa thị trường đối với các mặt hàng nông lâm thủy sản của hai nước.
Theo đó, hai bên sẽ sớm hoàn tất các thủ tục để ký Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả dừa tươi, sầu riêng đông lạnh của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc. Đối với mặt hàng chanh leo và ớt đã được thực hiện xuất khẩu thí điểm, hai bên sẽ thúc đẩy hoàn tất các thủ tục để sớm có thể ký 2 văn kiện này. Đồng thời, hai bên sẽ phối hợp để hoàn thiện Nghị định thư về xuất khẩu cá sấu, tổ yến thô, gia cầm và thủy sản khai thác của Việt Nam sang Trung Quốc.
Phía Trung Quốc sẽ giao các cơ quan kỹ thuật xem xét và sớm xử lý hồ sơ đăng ký xuất khẩu nông thủy sản của các doanh nghiệp Việt Nam sang Trung Quốc nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác thương mại các mặt hàng nông, lâm, thủy sản. Và thống nhất cao về phương án để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với cá tầm của Trung Quốc xuất khẩu sang Việt Nam. Theo đó, phía Trung Quốc sẽ hỗ trợ phía Việt Nam tăng cường năng lực để giám định loài cá tầm.
Tại buổi hội đàm, ông Hoàng Trung, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Việt Nam) và ông Triệu Tăng Liên, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan (Trung Quốc) đã ký Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch đối với khỉ xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc và chứng kiến ký tắt kết thúc đàm phán Nghị định thư Yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với xuất khẩu dừa tươi từ Việt Nam sang Trung Quốc.
Chuẩn hóa chất lượng sản phẩm
Trong bối cảnh nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới gặp khó khăn, gây tác động mạnh mẽ tới hoạt động ngoại thương của Việt Nam, xuất khẩu sang Trung Quốc vẫn tiếp tục là điểm sáng.
Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 5 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu nông, lâm, thủy sản giữa hai nước đạt 6,2 tỷ USD (tăng 2,9% so với cùng kỳ năm 2023). Trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc ước đạt 4,6 tỷ USD (tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2023), nhập khẩu ước đạt 1,6 USD (tăng 31,5% so với cùng kỳ năm 2023).
Với dân số hơn 1,4 tỷ người, Trung Quốc là một thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam, đặc biệt là nhóm hàng nông, lâm, thủy sản. Để tận dụng được hết lợi thế sẵn có khi xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản sang Trung Quốc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các doanh nghiệp, địa phương, các hiệp hội ngành hàng đặc biệt lưu ý về chất lượng vùng nguyên liệu, truy xuất nguồn gốc và các mã vùng trồng, cơ sở chế biến đóng gói.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cũng cho rằng, Trung Quốc là một thị trường có tiêu chuẩn cao, khắt khe, nên doanh nghiệp phải giảm mức độ phụ thuộc, cập nhật những xu hướng thị hiếu mới của thị trường, hướng tới sản xuất các mặt hàng chất lượng cao. Việc chuẩn hóa chất lượng sản phẩm theo đúng yêu cầu của Trung Quốc chính là giải pháp quan trọng nhất để xuất khẩu chính ngạch đạt hiệu quả cao cũng như mở cửa được cho nhiều mặt hàng khác vào thị trường này thời gian tới. Riêng mặt hàng xuất khẩu chủ lực và trọng tâm của ngành rau quả là sầu riêng thì việc giữ ổn định chất lượng và giám sát chất lượng trở nên vô cùng quan trọng, nhất là trong điều kiện sầu riêng Việt Nam phải cạnh tranh ngày càng gay gắt với sầu riêng đến từ các quốc gia Thái Lan, Malaysia, Myanmar tại thị trường Trung Quốc.

Nguồn: Haiquanonline