Ông Ith Praing tỏ ra lạc quan về tiến độ thi công các con đập ở phía Tây và Đông Bắc Campuchia, và cho rằng nước này sẽ bán khoảng 1.000 MW điện vào năm 2016. Sau thời điểm này, lượng điện xuất khẩu của Campuchia có thể còn tăng nữa, khi một loạt các đập thủy điện khác được đưa vào vận hành.

Nhiều chuyên gia Bộ Công nghiệp Campuchia cũng tin tưởng rằng tới năm 2012, Campuchia có thể tự đảm bảo cung cấp điện cho nhu cầu trong nước. Chính phủ Campuchia hiện đang nghiên cứu kế hoạch xây dựng thêm các nhà máy thủy điện ở phía Bắc và phía Đông, dọc theo sông Mê Công, sông Srae Pok và sông Sesan.

Hiện tổng nhu cầu điện năng của Campuchia vào khoảng 400 MW, và 3/4 lượng điện năng này phục vụ nhu cầu của riêng thủ đô Phnôm Pênh. Ông Ith Praing khẳng định: "Từ năm 2014, sẽ có tổng cộng 5 đập thủy điện đi vào hoạt động ở phía Tây Campuchia để sản xuất chừng 800 MW". Những con đập này hiện đang được khẩn trương thi công ở huyện Kamchay (tỉnh Prey Veng), huyện Kirirom (Kampong Speu), sông Attai, Russey Chum và sông Ta Tai. Đây là những đập thủy điện do các công ty Trung Quốc và Hàn Quốc thi công.

Vụ phó Năng lượng thuộc Bộ Công nghiệp Campuchia, ông Victor Jona cho rằng Campuchia sẽ trở thành nước xuất khẩu năng lượng lớn trong khu vực nhờ rất dồi dào tiềm năng thủy điện. Ông Jona nói: "Những gì Campuchia cần làm là cố gắng thuyết phục các nhà đầu tư bỏ vốn xây dựng thêm đập thủy điện, vì các nghiên cứu khả thi vị trí thích hợp cho các đập thủy điện đã được hoàn tất".

Campuchia hiện vẫn phải nhập khẩu điện của các nước láng giềng, trong đó có khoảng 220 MW từ Việt Nam và 30 MW từ Thái Lan. Tuy nhiên, một số báo cáo gần đây của Bộ Công thương Việt Nam cho biết Việt Nam sẽ thiếu hụt khoảng 63 tỷ kWh vào năm 2015, và thậm chí lên tới 226 tỷ kWh vào năm 2020. Viễn cảnh này buộc Việt Nam phải tính tới khả năng nhập khẩu điện của Campuchia trong tương lai.

Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam