Thời gian gần đây, Vụ Thị trường Châu Phi, Tây Á, Nam Á (Vụ KV4) - Bộ Công Thương tiếp tục phát hiện nhiều trường hợp doanh nghiệp Việt Nam nhận được đề nghị mua bán hàng hóa, ký kết hợp đồng giao dịch, hợp tác kinh doanh mang tính lừa đảo, gian lận từ một số đối tác tại các nước khu vực thị trường Châu Phi và Nam Á.
Qua quá trình thẩm tra, Vụ KV4 và hệ thống Thương vụ Việt Nam tại địa bàn nhận thấy mặc dù đã có các cảnh báo, lưu ý đối với các doanh nghiệp Việt Nam về những hình thức lừa đảo, gian lận phổ biến của doanh nghiệp đối tác, tuy nhiên vẫn còn tồn tại một số doanh nghiệp Việt Nam bị thiệt hại trong quá trình giao thương. Vụ KV4 - Bộ Công Thương xin chuyển tải đến các doanh nghiệp trong nước những lưu ý, cảnh báo khi làm ăn với đối tác nước ngoài thuộc khu vực này để tránh rủi ro có thể xảy ra.
Cụ thể:
1. Các hình thức lừa đảo, gian lận:
i) Hình thức lừa đảo phổ biến nhất là lợi dụng sự bất cẩn của các doanh nghiệp Việt Nam như không yêu cầu tổ chức giám định có uy tín kiểm tra hàng trước khi giao hàng, không thẩm định các thông tin về doanh nghiệp đối tác,…Điển hình trong năm 2010, một công ty của Việt Nam ký hợp đồng mua bông phế liệu từ một công ty nước ngoài. Công ty Việt Nam được yêu cầu phải mở L/C để trả tiền cho người bán. Tuy nhiên, sau khi nhận hàng thì trong container toàn là đá và rác,… Công ty Việt Nam lập tức mời giám định và gửi thư khiếu nại đến khách hàng nước ngoài thì khách hàng đã cắt đứt mọi liên lạc. Thực tế, Thương vụ tại địa bàn kiểm tra cho thấy, tên Công ty nước ngoài là tên giả, địa chỉ Công ty là một địa chỉ có thật nhưng đã chấm dứt thuê địa điểm .
Ở dạng lừa đảo này, phía nước ngoài buộc các doanh nghiệp Việt Nam thanh toán bằng thư tín dụng không hủy ngang trả ngay 100% hóa đơn khi nhận được chứng từ giao hàng hợp lệ. Trong các trường hợp này, bên nước ngoài thường lập chứng từ rất hợp lệ, đến mức ngân hàng Việt Nam không còn cơ sở từ chối và phải “tháo khoán L/C” để thanh toán cho nước ngoài và khi hàng đến thì cũng thành chuyện đã rồi, còn người bán thì biến mất.
Hình thức này cũng chủ động và nhằm vào đối tượng là một số doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã thiếu thông tin về thị trường, giá cả, pháp luật, doanh nghiệp nước ngoài chào bán hàng giá rẻ nhằm kích thích sự ham lợi nhuận, muốn có doanh thu xuất khẩu của một số doanh nghiệp.
Để thực hiện hành vi lừa đảo trên, công ty nước ngoài thường cấu kết với các hãng tàu “ma” để lập chứng từ hoàn hảo, giao hàng và thu tiền.
ii) Hình thức phổ biến thứ hai là lừa đảo thanh toán: thực hiện giao dịch thương mại và thanh toán quốc tế thông qua hình thức đặt cọc. Cụ thể, một Công ty của Việt Nam khi thực hiện xuất khẩu cao su cho doanh nghiệp nước ngoài. Điều kiện thanh toán trong giao dịch thương mại này là đặt cọc 10% trị giá hợp đồng, phần còn lại thanh toán theo phương thức D/P.
Sau khi ký hợp đồng và nhận được tiền đặt cọc, Công ty Việt Nam tiến hành giao hàng, lập chứng từ thanh toán và gửi cho đối tác Pakistan. Tuy nhiên sau khi gửi chứng từ thanh toán, Công ty Việt Nam không nhận được số tiền còn lại. Công ty Việt Nam liên hệ lại với khách hàng thì mọi thông tin liên lạc bị cắt đứt.
Tìm hiểu của các cơ quan chức năng của Việt Nam và nước ngoài cho thấy tên và địa chỉ Công ty đều là giả mạo, không có đăng ký. Người chuyển tiền đặt cọc là một cá nhân. Tổ chức nhận chứng từ để làm thủ tục thanh toán theo phương thức D/P không phải là ngân hàng mà chỉ là một đại lý thu đổi ngoại tệ, kiêm chuyển tiền ra nước ngoài theo kênh không chính thức.
iii) Hình thức phổ biến thứ ba là sử dụng cả các trang web bắt chước giống hệt trang web chính thức hoặc trang web về một doanh nghiệp ảo không có thực để lừa đảo. Chúng cho phép nạn nhân truy cập vào các trang này để xem và thấy quy mô “hoành tráng” của công ty, các dự án được hứa hẹn thực hiện,.. Thậm chí, chúng còn dẫn dắt nạn nhân đến các trang web thật có đăng tin liên quan đến dự án.
iv) Hình thức phổ biến thứ tư là soạn thảo hợp đồng và thông qua đó cài bẫy doanh nghiệp Việt Nam: Nhiều doanh nghiệp nước ngoài khi soạn thảo hợp đồng kinh tế thường rất dài và “kỹ lưỡng” nhưng rất ít hoặc không có điều khoản nào ràng buộc họ. Để tạo sức hấp dẫn cho hợp đồng này, doanh nghiệp nước ngoài còn kèm theo giá chào bán hàng rất rẻ và chào mua rất đắt. Nhưng khi đặt bút ký và thực hiện hợp đồng, doanh nghiệp Việt Nam mới biết mình đã bị lừa,
Khai thác sự non kém về hiểu biết pháp luật quốc tế của các doanh nghiệp Việt Nam: Một số doanh nghiệp nước ngoài đã yêu cầu doanh nghiệp Việt Nam sử dụng luật của các nước để điều chỉnh quan hệ mua - bán. Mặc dù không hiểu biết gì về luật đó, song do sức ép “phải mua”, “phải bán”, doanh nghiệp Việt Nam vẫn ký hợp đồng. Thậm chí, một số doanh nghiệp nước ngoài còn áp dụng cả những luật, bộ luật không tồn tại trên thực tế để ký hợp đồng với doanh nghiệp ViệtNam.
v) Hình thức phổ biến thứ năm là sử dụng trung gian trong đàm phán và giao kết hợp đồng: dựa vào lý do người bán hoặc người mua không muốn mua hoặc bán trực tiếp cho công ty Việt Nam, nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã nhận làm trung gian giao dịch giữa doanh nghiệp Việt Nam với một đối tác khác. Hành vi này thực chất không đơn thuần là để hưởng môi giới phí mà là một dạng “cò mồi” lừa đảo cao cấp. Trong trường hợp này khi họ lấy được tiền của doanh nghiệp thì họ mới tiếp tục đàm phán với đối tác đó; gặp trường hợp khó khăn họ tìm cách lẩn tránh và thường không chịu trách nhiệm gì khi doanh nghiệp Việt Nam gặp rủi ro.
vi) Hình thức lừa đảo thứ sáulà lừa đảo thường gặp nhất ở một số nước Tây và Trung Phi (Benin, Nigeria, Togo, Cameroon) lệ phí trả trước, trong đó kẻ lừa đảo thường giả danh một doanh nghiệp nhập khẩu và đưa ra các giấy chứng nhận doanh nghiệp giả mạo, mời doanh nghiệp tham gia đầu tư vào một dự án, hoặc đề nghị mua hàng của doanh nghiệp sau đó đề nghị doanh nghiệp xuất khẩu trả một khoản lệ phí để xin giấy chứng nhận nhập khẩu hàng hoá, phí giấy phép nhập khẩu hoặc phí đăng ký nhập khẩu vào nước sở tại,... với giá trị chỉ vài nghìn đôla Mỹ, thường làgửi vàomột tài khoản cá nhân.
vii) Hình thức phổ biến thứ bảy là lừa đảo bằng hợp đồng kinh tế. Theo đó, kẻ lừa đảo thỏa thuận thanh toán sản phẩm bằng séc ngân hàng. Tuy nhiên, số tiền ghi trong tờ séc lại lớn hơn giá trị hợp đồng. Khi đó, bọn lừa đảo sẽ đề nghị nạn nhân trả cho chúng phần phụ trội bằng tiền mặt thông qua dịch vụ chuyển tiền. Hình thức này lợi dụng thời gian trễcủa giao dịch bằng séc. Kẻ lừa đảo nhận được tiền mặt trước khi tấm séc bị phát hiện là giảvà nạn nhân bị mất số tiền mặt đã chuyển và mắc kẹt với số sản phẩm đã sản xuất.
viii) Hình thức thứ tám là chiếm đoạt hàng mẫu, theo đó đối tượng lừa đảo đồng ý ký hợp đồng mua sản phẩm của doanh nghiệp, sau đó yêu cầu doanh nghiệp xuất khẩu gửi hàng mẫu trước khi ký hợp đồng. Với lý do không nhận được hàng mẫu đã gửi hoặc số lượng mẫu không đủ, đối tượng có thể yêu cầu doanh nghiệp gửi 2 - 3 lần hàng mẫu, sau đó biến mất không thể liên hệ được.
ix)Một hình thức lừa đảo nữa cũng đã được các đối tượng ở Tây Phi sử dụng là mời đối tác sang để ký hợp đồng. Khi doanh doanh nghiệp Việt Nam không sang được, “đối tác” nước ngoài sẽ yêu cầu chuyển một khoản tiền, khoảng 3000-5.000 USD để nhờ luật sư nước sở tại chứng thực khi ký kết hợp đồng vắng mặt.
2. Một số dấu hiệu các tổ chức, doanh nghiệp lừa đảo:
i)Các tổ chức lừa đảo tại khu vực địa bàn Châu Phi, Nam Á thông thường lấy tên giả có chữ cuối cùng là CORPORATION. Đối tượng lừa đảo nhận là là doanh nghiệp lớn ở một nước Tây Phi, đôi khi tự nhận là Tổ chức phi chính phủ, tổ chức từ thiện hoặc cơ quan của nhà nước. Trong số này, nhiều cơ quan không có chức năng tổ chức đấu thầu và ký kết các hợp đồng thương mại.
ii)Các tổ chức lừa đảo thường không đưa ra số điện thoại cố định, mà chỉ đưa ra số điện thoại di động. Không đưa ra số fax hoặc đưa ra số fax sai, không sử dụng được.
iii)Các tổ chức lừa đảo thường đưa ra các địa chỉ E-mail công cộng như hotmail.com, yahoo.com, gmail. Địa chỉ một số e-mail của DN Pakistan thường là tên-doanh-nghiêp@cyber.net.pk.
iv)Các tổ chức lừa đảo thường đưa ra các điều kiện hợp đồng sao cho có thể tẩu tán tiền/hàng thật nhanh. Về hình thức chuyển tiền, phía “đối tác” Tây Phi thường thúc giục doanh nghiệp Việt Nam chuyển tiền bằng dịch vụ Western Union.
v)Những thư hỏi hàng của các tổ chức lừa đảo thường đưa ra những thông tin đánh vào tâm lý hám lợi của doanh nghiệp ta với giá trị hợp đồng rất lớn, điều kiện thực hiện rất dễ dàng.
vi) Khi có yêu cầu, kẻ lừa đảothường đưa ra các loại giấy tờ và giấy phép xuất nhập khẩu giả mạo của nước sở tại nhằm tạo niềm tin cho các doanh nghiệp nước ngoài. Thực tế, đối tượng có thể làm giả tất cả các loại giấy tờ nào của bất kỳ cơ quan, tổ chức nào, thời gian gần đây,tính chất tinh vi của các loại giấy tờ giả mạo này càng tăng lên, gây khó khăn cho việc thẩm tra.Tuy nhiên, điểm cần lưu ý là các văn bản và chứng từ giao dịchnày thường mắc nhiều lỗi chính tả, câu chữ không chuẩn mực. Tại đa số các nước khu vực Tây và Trung Phi, tiếng Pháp là ngôn ngữ hành chính, vì vậy tất cả các văn bản nhà nước phải bằng tiếng Pháp. Do đó,nếu một văn bản hành chính như giấy phép kinh doanh tại những nước nói tiếng Pháp mà viết bằng tiếng Anh thì đó có thể là văn bản giả.
3. Các khuyến cáo đối với doanh nghiệp Việt Nam:
- Về phương thức thanh toán, nên thương lượng với đối tác để sử dụng hình thức thư tín dụng L/C hoặc bảo đảm của ngân hàng để phòng ngừa nguy cơ không thanh toán của người mua.
- Về phương thức giao hàng, cần tiến hành kiểm định hàng hóa thông qua tổ chức giám định quốc tế có uy tín tại nước sở tại trước khi đưa hàng lên tàu.
- Tại đa số các quốc giaTây Phi, luật thương mại khá thông thoáng và tự do. Đối với những mặt hàng thông thường không thuộc danh mục hạn chế hoặc cấm nhập khẩu thì nhà xuất khẩu nước ngoài không phải chứng minh đã từng xuất khẩu hàng sang nước sở tại hay phải đăng ký tại Phòng Công Nghiệp và Thương mại hoặc Bộ Thương mại của nước nhập khẩu. Ngoài ra, nhà xuất khẩu không phải thanh toán phí nhập khẩu theo yêu cầu của nhà nhập khẩu vì (nếu có) trách nhiệm này thuộc về người nhập khẩu hàng.
- Phải tiến hành sàng lọc và xác minh rõ các doanh nghiệp đối tác, đề nghị đối tác cung cấp địa chỉ đầy đủ bao gồm cả giấy phép đăng ký kinh doanh, thẻ xuất nhập khẩu và địa chỉ ngân hàng nơi doanh nghiệp đó mở tài khoản. Nếu phát hiện có dấu hiệu bất thường, doanh nghiệp Việt Nam có thể gửi hồ sơ đến Vụ Thị trường Châu Phi, Tây Á, Nam Á -Bộ Công Thương (email: vcptana@moit.gov.vn) hoặc các Thương vụ VN tại châu Phi để nhờ hỗ trợ.
- Doanh nghiệp của ta cần chấm dứt các giao dịch với đối tác sau khi đã được Vụ Thị trường Châu Phi, Tây Á, Nam Á hoặc các Thương vụ VN ở nước ngoài khuyến cáo.
- Khi làm ăn, muốn phát triển lâu dài, bản thân doanh nghiệp của ta phải mạnh về tổ chức, chú trọng đầu tư phát triển nguồn nhân lực, phát triển thị trường, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, kiến thức pháp luật.
- Doanh nghiệp cần tuân thủ nghiêm ngặt quy định của pháp luật, đặc biệt là hợp đồng thương mại khi ký kết với đối tác. Khi làm ăn, phải thực hiện đúng pháp luật, không thể vì lợi ích nào đó mà bỏ qua đạo đức kinh doanh, yếu tố pháp lý trong kinh doanh.
- Khi ký hợp đồng, phải tự tin và thận trọng, kỹ lưỡng trước các đối tác. Không e dè mình là doanh nghiệp nhỏ mà bỏ qua các bước thẩm định đối tác.
- Các doanh nghiệp châu Phithường giao dịch mua bán hàng hoá theo hình thức gặp gỡ trực tiếp, tận mắt nhìn thấy hàng hoá trước khi quyết định mua hàng. Hình thức giao dịch thông qua thương mại điện tử chưa phổ biến ở châu Phi vìcơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được cho hoạt động thương mại điện tử. Để mở rộng thị trường sang châu Phi, doanh nghiệp nên tham gia các hội chợ thương mại tổ chức tại châu Phi, các đoàn xúc tiến thương mại do các Bộ, ngành tổ chức hoặc trực tiếp đi khảo sát tìm hiểu thị trường, đồng thời nhờ các Thương vụ của Việt Nam ở châu Phi giới thiệu đối tác.
4. Đối với thị trường Pakistan: khi làm ăn với đối tác Pakistan, nếu phát hiện bị lừa đảo bởi công ty Pakistan, doanh nghiệp có thể trực tiếp viết đơn gửi:
Cục điều tra liên bang Pakistan(Federal Investigation Agency -FIA)
Người liên hệ ( điều tra viên): Ông Abdur Rauf
Phòng điều tra tội phạm kinh tế (Corporate Crime Circle)
Địa chỉ: Block-64, Pakistan Secretariat, saddar, Karachi
Số điện thoại: 021-99202002
Hoặc Thương vụ Việt Nam tại Pakistan (Tham tán Thương mại Nguyễn Hồng Tiến, email: pk@moit.gov.vn).
5. Đối với các nước khu vực châu Phi, nếu phát hiện dấu hiệu khả nghi trong giao dịch, doanh nghiệp Việt Namnên thông qua Bộ Công Thương và các cơ quan đại diện thương mại của Việt Nam(Thương vụ)tại nước sở tại để tiến hành thẩm tra.Ngoài ra, doanh nghiệp cũng có thể liên hệ với các Đại sứ quán châu Phi tại Hà Nội.
6.Vụ Thị trường Châu Phi, Tây Á, Nam Á- Bộ Công Thương gửi kèm theo đây danh sách các đối tượng lừa đảo tại Pakistan, Nigeria, Benin, Cameroun và Togo thời gian qua để các doanh nghiệp Việt Nam tránh giao dịch khi gặp phải.
 
ttnn.com.vn

Nguồn: Vinanet